Chuyển giao khoa học giúp nông dân phát triển sản xuất

Không chỉ nghiên cứu thành công các giống nấm, cây trồng và dược liệu, Đoàn Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) còn chuyển giao cho bà con huyện Hòa Vang để phát triển sản xuất và bước đầu cho kết quả đáng mừng.

Anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm (phải) đang kiểm tra tiến độ trồng các cây dược liệu tại hộ anh Ngô Thế Lực.
Anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm (phải) đang kiểm tra tiến độ trồng các cây dược liệu tại hộ anh Ngô Thế Lực.

Năm 2017, Đoàn Trường ĐH Sư phạm chuyển giao 1.000 bịch nấm sò tím và 1.000 cây ba kích tím, hà thủ ô đỏ cho 4 hộ dân tại xã Hòa Nhơn trồng thử nghiệm. Đến nay, hầu hết các mô hình đang phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

Trang trại nấm của chị Võ Thị Lệ Thủy tại thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn) rộn ràng hơn bởi các sinh viên khoa Sinh – Môi trường (Trường ĐH Sư phạm) đến hỗ trợ kỹ thuật và đoàn cán bộ UBND xã Hòa Nhơn đến kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai mô hình. Chị Thủy cho biết, nhà chị được Đoàn Trường ĐH Sư phạm hỗ trợ 500 bịch nấm vào năm 2017. Từ đó đến nay, mỗi ngày chị thu hoạch khoảng 10-20kg nấm (1kg nấm có giá 40.000-80.000 đồng). “Nấm ngon nên hầu như thu hoạch ngày nào bán hết ngày đó. Nếu những đợt nấm cứ tiếp tục cho hiệu quả, gia đình tôi sẽ cố gắng tích cóp để mở rộng trang trại và đầu tư thêm hệ thống phun sương cho trại nấm”, chị Thủy cho biết thêm. Ngoài nấm sò, nhà chị Thủy còn có trại nấm rơm cũng đang cho thu hoạch tốt. Hằng tháng, Đoàn Trường ĐH Sư phạm cử sinh viên chuyên ngành thay phiên nhau xuống hỗ trợ kỹ thuật để gia đình chị dễ dàng nắm vững cũng như có cách chăm sóc, bảo quản nấm tốt.

Ngoài nấm, mô hình cây dược liệu ở xã Hòa Nhơn cũng đang phát triển mạnh. Trồng 500 gốc ba kích tím và hà thủ ô từ tháng 8-2017, anh Ngô Thế Lực (thôn Phước Thái) chia sẻ: “Đây là loại cây phát triển tương đối chậm, khoảng sau 3 năm mới cho củ nhưng lại là cây cho hiệu quả kinh tế cao. Là cây dược liệu nên sống chủ yếu nhờ dinh dưỡng từ đất, mình chỉ việc chăm dọn vệ sinh và làm sạch cỏ. Tôi mới trồng lần đầu nhưng nhờ thường xuyên có sinh viên xuống hướng dẫn nên không thấy khó khăn”. Ba kích tím và hà thủ ô là loại cây có nhiều công dụng quý và đang bị khai thác quá mức đến sắp cạn kiệt trong tự nhiên. Điều này tạo ra hướng đi mới cho bà con là phát triển kinh tế bằng cách trồng các loại cây dược liệu.

Ngoài nấm và dược liệu, sinh viên khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm cũng đã chuyển giao thành công mô hình chuối cho bà con nông dân Hòa Nhơn với gần 1.000 cây chuối cho 5 hộ. Mô hình này đang phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn nhìn nhận: “Nấm, dược liệu sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Đoàn Trường ĐH Sư phạm, Đoàn Thanh niên xã và các hộ dân được hỗ trợ để cùng nhau chăm sóc, theo dõi các giống cây đã được chuyển giao sao cho hiệu quả nhất. Địa phương cũng sẽ phân công cán bộ hằng tháng theo dõi tiến độ, báo cáo để đề ra giải pháp nhân rộng mô hình nếu hiệu quả”. Phía UBND xã Hòa Nhơn cũng mong muốn Đoàn Trường ĐH Sư phạm nghiên cứu, chuyển giao thêm nhiều hơn nữa các giống nấm, dược liệu và cây trồng để hỗ trợ bà con, giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế.

Theo Đoàn Trường ĐH Sư phạm, từ tháng 3-2017, Khoa Sinh – Môi trường đã thực hiện đề tài ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và xây dựng mô hình hỗ trợ chương trình nông thôn mới. Đề tài hướng đến việc nghiên cứu và đưa những thành quả nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Hiện giảng viên, sinh viên khoa đã sản xuất được các giống nấm ăn, nấm dược liệu, giống hoa, cây dược liệu và cung cấp giống cho nông dân địa phương. Ngoài ra, đề tài còn nghiên cứu chế biến được một số sản phẩm nấm ăn như: bánh nấm, nấm sấy tẩm, bột nấm. Anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm, cho biết: “Đề tài đang triển khai tốt bằng việc chuyển giao thành công các mô hình nghiên cứu, góp phần đưa những nghiên cứu của nhóm giảng viên, sinh viên ra khỏi phòng thí nghiệm để đi vào thực tiễn; đồng thời, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình nông thôn mới của địa phương”.

 

Nguồn: Báo Đà Nẵng.

Bài viết liên quan