PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI BẢO ĐẢM AN NINH BUÔN LÀNG (KỲ CUỐI)

Theo ông Nay Y Blung – Bí thư Huyện uỷ Sông Hinh (Phú Yên), những giải pháp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội đã giúp cho đồng bào DTTS các buôn làng ở huyện miền núi Sông Hinh thêm hiểu rõ về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; nhận diện những âm mưu thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, phản động lưu vong.

Khi nói về diện mạo miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Sông Hinh (Phú Yên), đặc biệt là 4 xã từng có hoạt động của các đối tượng phản động FULRO, “Tin Lành Đêga”, “Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC), ông Nay Y Blung – Bí thư Huyện uỷ Sông Hinh bày tỏ chân tình: “Nhà báo nên đi thực tế từng buôn làng để nhìn nhận sự thật khách quan, toàn diện. Không chỉ là “điện, đường, trường, trạm”, mà nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều phát triển, đời sống của đồng bào thật sự đổi mới, ANTT bảo đảm ổn định, cuộc sống buôn làng bình yên…”.

k32.jpg -0
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa nước ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Và sau hành trình hơn 20km theo đường QL29 và đường Trường Sơn Đông, chúng tôi đến xã Ea Lâm, nơi có 772 hộ gia đình gồm 3.388 người dân cư trú ở 5 buôn, hơn 90% là đồng bào DTTS sinh sống bằng nghề trồng trọt sắn, mía, ngô, lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ea Lâm hình thành hơn 30 năm trên cơ sở chia tách từ xã Krông Pa, huyện Sơn Hoà, lúc đó mệnh danh là xã 8 không: “Không điện, không đường, không trường, không trụ sở, không chợ, không giếng nước và không thông tin liên lạc”.

Còn bây giờ, ông Nay Y Lé – Chủ tịch UBND xã Ea Lâm hồ hởi cho biết, từ một địa bàn trọng điểm phức tạp, ngổn ngang khó khăn, Ea Lâm không chỉ chuyển hoá bảo đảm ổn định ANTT và bình yên cuộc sống mà còn chuyển động vươn lên đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội. Những con đường thảm nhựa, bê tông, mạng lưới điện, viễn thông, nước sạch phủ kín đến các buôn làng; trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, trạm y tế, đài truyền thanh, nhà văn hoá, bưu điện, chợ đều được đầu tư xây dựng khang trang.

Chỉ riêng 3 năm gần đây, hàng chục tỷ đồng các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được nhà nước đầu tư xây dựng Trạm bơm Ea Lâm 2 để khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng cánh đồng lúa nước 42ha ở buôn Bai, nâng tổng diện tích lúa nước lên gần 160ha; tu sửa 10 công trình giao thông, điện lực, thủy lợi, môi trường, văn hóa, giáo dục.

Nổi bật nhất là 4ha mía thử nghiệm trong niên vụ 2023-2024, xã Ea Lâm đã tạo nên cánh đồng mía bạt ngàn với 250ha, ngoài ra mỗi năm còn có từ 1.200-1.400ha sắn mì, ngô, mè, đậu… cùng với đàn bò tăng trưởng 2.300 con.

Cùng thời gian trên, người dân Ea Lâm còn được hỗ trợ 4.749kg lúa giống, 11.367kg phân bón; giải quyết chế độ bảo trợ xã hội 46 người; cấp bổ sung 232 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện gần 346 triệu đồng cho 433 hộ gia đình, xoá nhà tạm 23 trường hợp… Thu nhập bình quân mỗi người trong năm hơn 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%…

Không riêng Ea Lâm, mà hạ tầng giao thông, văn hoá – giáo dục, y tế, nước sạch, điện lực, viễn thông, môi trường… tại 3 xã Ea Bia, Sông Hinh, Ea Trol cũng được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện; tất cả đều giữ vững đạt chuẩn y tế, chuẩn phổ cập giáo dục 3 bậc học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi; giao quân nghĩa vụ quân sự đạt 100% chỉ tiêu, 100% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, 80-95% buôn làng, gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá; 8 tháng đầu năm nay không xã nào xảy ra phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật giảm mạnh, 95% vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp dân sự đều được chính quyền, đoàn thể ở địa phương chủ động hoà giải ổn thoả.

Ông Lê Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Bia cho biết, với tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp 1.850ha, trong đó có 250ha lúa, 850ha sắn mì, 280ha mía, 470ha ngô, đậu, mè… cùng đàn bò 2.165 con, bình quân mỗi người dân ở địa phương này có nguồn thu nhập trong năm 45 triệu đồng. Còn ông Nay Y Sét, Chủ tịch xã Sông Hinh phấn khởi cho biết, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023,  tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%…

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh cho biết, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho huyện này thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 hơn 96,4 tỷ đồng. Trong 3 năm qua (2022-2024) đã giải ngân hơn 66,2 tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay tín dụng; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…

Ngoài những chính sách, nguồn lực của nhà nước hỗ trợ phân bón, giống lúa trong sản xuất nông nghiệp, tiền điện sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xoá nhà tạm… 4 năm qua, Công an tỉnh Phú Yên, Công an huyện Sông Hinh đã quyên góp kết hợp vận động Mạnh Thường Quân trao tặng hàng ngàn suất quà trị giá gần 2 tỷ đồng cho những gia đình nghèo, người già neo đơn, bệnh tật, học sinh vượt khó hiếu học ở 4 xã Ea Lâm, Sông Hinh, Ea Bia, Ea Trol; xây lắp, tu sửa gần 10 công trình điện chiếu sáng đường quê, nước sạch cho buôn làng, đường giao thông…

Nổi bật nhất là công trình “Đưa nước về buôn có tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng ở buôn Kít, xã Sông Hinh; xây dựng căn nhà nhân ái cho chị Nay Hờ Chung (SN 1990, trú ở buôn Ly, xã Ea Trol) có gia cảnh khó khăn, đồng thời tổ chức các chương trình “Trung thu yêu thương”, “Tặng khăn quàng – nối ước mơ”, “Xuân tình nguyện”…

Theo ông Nay Y Blung – Bí thư Huyện uỷ Sông Hinh, những giải pháp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội đã giúp cho đồng bào DTTS các buôn làng ở huyện miền núi Sông Hinh thêm hiểu rõ về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; nhận diện những âm mưu thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, phản động lưu vong. Bên cạnh đó, những hoạt động xã hội giàu nghĩa cử, đậm chất nhân văn nêu trên cũng đã tạo thêm niềm tin yêu cảm phục đối với người chiến sĩ Công an…

Từ đó, tạo nên chuyển biến tích cực nhận thức đến hành động của mỗi người dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, xoá bỏ CHPC, hướng đến cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Hữu Toàn

Theo: CAND

Bài viết liên quan