Thành công từ sự gian khó

ĐNO – Không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa nhưng bằng ý chí, nghị lực, chị Nguyễn Ngọc Kim Anh, 27 tuổi, trú tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đã vượt qua nghịch cảnh, khởi nghiệp thành công bằng sản phẩm gia truyền từ người mẹ tảo tần của mình.

 

Chị Nguyễn Ngọc Kim Anh đưa sản phẩm của công ty tham dự Chương trình Khuyến công và Phát triển sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố năm 2024.
Chị Nguyễn Ngọc Kim Anh đưa sản phẩm của công ty tham dự Chương trình Khuyến công và Phát triển sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố năm 2024.

Năm 9 tuổi, người cha thương yêu đột ngột qua đời. Từ đó, trách nhiệm đều được gồng gánh trên đôi vai gầy của mẹ. Kim Anh bị ảnh hưởng tâm lý bởi sự hụt hẫng vì sớm thiếu vắng sự chở che, dạy bảo của cha. Còn mẹ phải ra sức làm việc nhiều hơn để chăm lo cho gia đình. Bằng tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ, Kim Anh dần vượt qua và cố gắng học tập.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, bằng kiến thức đã được học, với ý chí, nghị lực và cảm hứng từ người mẹ, chị Kim Anh quyết tâm theo đuổi công việc của mẹ đã làm cách đây mấy chục năm.

“Trước khi ba mất, mẹ mình đã học nghề nấu rượu từ bà ngoại và rất đam mê công việc này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mẹ chỉ có thể bán lẻ quanh xóm, không đủ trang trải cuộc sống cho ba mẹ con. Vì vậy, mẹ tạm gác lại đam mê và chuyển sang làm nhiều công việc khác như bán nước mía và may quần áo… Thấy mẹ vất vả, tôi đã quyết tâm phải cố gắng học và làm việc chăm chỉ để thoát nghèo và bù đắp những mất mát mẹ đã trải qua”, chị Kim Anh xúc động chia sẻ.

Từ đó, chị đã dày công nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu, rồi được mẹ truyền lại kiến thức, kinh nghiệm, sau thời gian dài với nhiều lần chỉnh sửa công thức, thành phần, cuối cùng chị đã thành công với sản phẩm của mình.

Có được sản phẩm ưng ý, chị tiếp tục đi nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để nghiên cứu mẫu bao bì, chai đựng bởi chị hiểu được rằng trong thị trường rộng lớn và đa dạng, để sản phẩm của mình nổi bật và gây ấn tượng với người tiêu dùng là một thách thức lớn.

Cùng với việc giữ vững công thức gia truyền, chị Kim Anh đã đầu tư vào cơ sở vật chất và quy trình chế biến hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

“Việc duy trì quy trình sản xuất truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại không chỉ giữ nguyên hương vị đặc trưng mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là quá trình tốn nhiều chi phí và công sức nhưng điều quan trọng vẫn là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, chị Kim Anh cho biết thêm.

Với một cô gái trẻ, để bước chân ra thị trường kinh doanh một cách bài bản là điều không đơn giản, trong khi số vốn lại hạn chế. Thấy con quá đam mê với công việc, người mẹ đã phải cầm cố mảnh đất của gia đình để giúp con làm vốn đầu tư khởi nghiệp.

Có đầy đủ các điều kiện, chị Kim Anh đã thành lập công ty với sản phẩm rượu nếp lên men Ái Lâm.

Sở dĩ đặt tên công ty như vậy bởi đó chính là tên mẹ của Kim Anh, chị muốn trong sản phẩm của mình luôn có hình ảnh của người mẹ đã bao năm hết mực thương yêu, ủng hộ.

Sản phẩm của công ty dần khẳng định được vị thế trên thị trường, nhận được sự tin tưởng và yêu thích từ khách hàng. Từ khi ra mắt, sau gần 2 năm hoạt động, rượu nếp Ái Lâm đã có mặt tại khắp các cửa hàng, các chuỗi siêu thị lớn nhỏ trên khắp cả nước. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên các kênh thương mại điện tử nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, tối ưu hóa chi phí và góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện nay, công ty của chị Kim Anh cho ra đời hai dòng sản phẩm chính là rượu nếp sữa lên men và rượu nếp cẩm lên men với nhiều giá thành. Trung bình mỗi năm công ty cho ra thị trường khoảng 3 ngàn lít rượu nếp các loại.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang Trần Thị Kim cho biết, Kim Anh rất năng động, sáng tạo trong việc xây dựng chất lượng, thương hiệu của sản phẩm; rất nhiệt huyết với phong trào phụ nữ cũng như an sinh xã hội ở địa phương; là điển hình trong phong trào khởi nghiệp của phụ nữ huyện Hòa Vang.

Để vượt qua biết bao khó khăn, có thể nói là thăng trầm là cả một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi của cô gái trẻ. Giờ đây chị Kim Anh rất tự hào khi Công ty Rượu nếp Ái Lâm không chỉ nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương với nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống; góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Đặc biệt trong năm 2023, rượu nếp Ái Lâm đã được công nhận là sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đà Nẵng; là 1 trong 6 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thành phố chọn tham gia cấp khu vực.

MAI HƯƠNG

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan