HOÀNG MINH CHÂU VÀ HÀNH TRÌNH CHUYỂN MÌNH VỚI VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TRONG THỜI ĐẠI MỚI

“Nếu tôi không đốt lửa, nếu anh không đốt lửa, nếu chúng ta không đốt lửa, thì làm sao Bóng tối sẽ trở thành Ánh sáng!”. Hoàng Minh Châu (sinh năm 2005) đã xem quan điểm của nhà thơ Nazim Hikmet như kim chỉ nam để thúc đẩy mình “đốt lửa” và tự tạo ra điểm sáng cho bản thân. Với Minh Châu, điểm sáng mà cô xác định chính là nghệ thuật, đặc biệt là bộ môn Kịch nói truyền thống.
Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 1
Hoàng Minh Châu hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao.

Gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật

Minh Châu may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật. Ông là người đi trước, là thế hệ chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. Từ thuở bé, cô sinh viên năm nhất hằng ngày được lắng nghe những câu chuyện Lịch sử mà ông trải qua. Mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh được nghe kể đều đi liền với cảm xúc chân thật và giọng nói truyền cảm của ông. Dần dần, cô vun đắp trong mình ‘nỗi nhớ thương’ Lịch sử. Dấu mốc chính thức để Minh Châu hoàn toàn ‘rơi vào lưới tình’ với bộ môn Lịch sử là lúc bố mua cho cô hai quyển sách vào sinh nhật 10 tuổi. Cô còn nhớ như in đó là hai quyển: một bìa xanh và một bìa vàng. Cô bé 10 tuổi năm ấy đã đọc đến quên ăn quên ngủ, đến rách cả bìa trang sách.

Minh Châu chia sẻ: “Gia đình chính là cái nôi ấp ủ tài năng nghệ thuật của mình. Từ khi còn bé, cả nhà đã khuyến khích mình tự sáng tác thơ, tự sáng tác truyện. Mình và em trai thường chơi gấu bông, đặt chúng trong nhiều câu chuyện với đủ loại tình huống khác nhau. Trong môi trường như vậy, mình thúc đẩy được sự sáng tạo. Có lẽ, những năm đấy mình đã nghĩ và tin rằng, trí tưởng tượng không bao giờ có giới hạn. Đặc biệt hơn tất thảy, sự sáng tạo đó đều gắn liền với lòng yêu nước và gốc văn hóa sâu sắc.”

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 2
Đề án “Điểm sáng” của nữ sinh truyền lửa đam mê cho sinh viên về bộ môn Kịch nói truyền thống của Việt Nam.

Gia đình không bắt ép Châu phải học những con số, nhớ chính xác năm sự kiện quan trọng diễn ra. Lịch sử đã đi vào tiềm thức của cô là mạng lưới các câu chuyện sinh động, xoay quanh các nhân vật, giải quyết nhiều mối quan hệ khác nhau và xem xét động cơ của vấn đề. Châu tâm sự: “Tiếp xúc với lịch sử ở góc độ của một biên kịch gia, một người sáng tác, mình luôn tìm được niềm vui. Nhờ sự giáo dục đúng đắn của gia đình, mình ý thức sâu sắc về nguồn cội, về lòng biết ơn. Mình quan niệm rằng, phải nắm chắc được ‘cái cũ’ thì mới có thể tạo nên ‘cái mới’ ở bất kỳ hình thức nào. Hay nói cách khác, chính ‘cái cũ’ là nền tảng cho ‘cái mới’ phát triển.”

Người mà Minh Châu biết ơn nhất chính là mẹ. Với cô, mẹ là người đồng hành trong suốt quá trình trưởng thành. Mỗi quyết định quan trọng trong cuộc đời đều có dấu chân, có hình bóng của người cô biết ơn nhất. Từ khi Châu đang còn là cô bé học lớp chọn Tiếng Anh những năm cấp hai cho đến bước ngoặt chọn chuyên Sử trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, mẹ Châu không ngăn cản mà còn giúp cô định hướng tương lai một cách rõ ràng hơn. “Nhờ sự chỉ dạy tận tình của mẹ, mình có thể tự tin bước vào đời với gốc văn hóa vững chắc, cùng với một trái tim cởi mở, hội nhập toàn cầu.”, Châu nói.

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 3
Những bài thơ tự tay viết nên trong năm tháng tuổi thơ đã bồi đắp tình yêu văn hóa nghệ thuật trong tâm hồn Minh Châu.

Nghệ thuật truyền thống trong thời đại mới

Bén duyên với nghệ thuật truyền thống, Châu luôn có những băn khoăn về ‘sự sống’ của nó trong thời đại công nghệ lên ngôi. Châu bộc bạch: “Mình là fan trung thành của các vở kịch, nhạc kịch trên toàn thế giới, đặc biệt là vở Hamilton của sân khấu Broadway – Mỹ. Sự yêu thích đó ngày càng lớn, từ đó, trong mình xuất hiện nỗi trăn trở: ‘Bao giờ Việt Nam mới có thể sân khấu hóa Lịch sử như vậy?’. Đó là nguyên do chính thôi thúc mình đặt ngòi bút viết nên những vở kịch đầu tiên.”

Cô sinh viên năm nhất đã từng là Trưởng ban Biên kịch, Giám đốc Nội dung Câu lạc bộ Life’s So Drama của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Châu viết những vở kịch mang nặng hơi thở Việt Nam như: Viễn mộng, Sầu trên đỉnh Phù Vân, Đói, Để gió cuốn đi… Những vở kịch được đánh giá cao bởi ban giám khảo và người xem, giành được những giải thưởng như Giải Nhì cuộc thi Giai điệu Tuổi hồng cấp cụm Thanh Xuân – Cầu Giấy, giải Nhất Tài năng khối chuyên, giải Nhì Ams’ Got Talent, cùng với việc được mời biểu diễn tại các sự kiện lớn như Youth International Day of UNESCO. Dù mới 19 tuổi nhưng Minh Châu đã sở hữu một khối ‘gia tài’ gần 20 tác phẩm lớn nhỏ.

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 4
Sân khấu chính là thế giới nơi Minh Châu viết nên cuộc đời mình.

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 5

Có thể thấy, chất liệu nữ sinh sử dụng trong các vở kịch luôn thuộc về văn hóa Việt Nam, văn học và lịch sử nước nhà. Với cô, đây là những chất liệu chẳng bao giờ lỗi thời hay cũ đi theo năm tháng. Tuy nhiên, Minh Châu ‘thở dài’ bày tỏ: “Nhưng bằng cách này hay cách khác, bộ môn Kịch nói – một trong những loại hình biểu diễn truyền thống lâu đời chưa thực sự kết nối với bạn trẻ. Tới nhà hát, lắng nghe những câu thoại, xem kịch chưa bao giờ là sự lựa chọn hàng đầu đối với lứa tuổi Gen Z nói chung.”

Tuy nhiên, chỉ ngồi và than thở về vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được mọi thứ. Hành động là yếu tố tiên quyết để thay đổi hoàn cảnh. Với Minh Châu, trong tay cô đã có bút để vẽ nên những vì sao lấp lánh. Quan trọng, cô có dám tự tạo nên cho mình những điểm sáng, dám cầm bút và vẽ lên hay không. “Không nặng lòng với nỗi thắc mắc trên, mình coi việc viết kịch, phổ biến kịch, đặc biệt những vở kịch mang nặng yếu tố văn hóa Việt Nam là sứ mệnh của mình. Mình bắt đầu hành trình thay đổi cách nghĩ, cách hưởng thụ nghệ thuật của giới trẻ.”

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 6
Minh Châu bắt đầu hành trình chuyển mình cùng văn hóa nghệ thuật.

Song con đường Minh Châu bước lên không bằng phẳng. Cô đã gặp những chông gai, thử thách. Nữ sinh đã băn khoăn liệu đây có phải là ý trời giúp cô trưởng thành hơn trên hành trình thực hiện sứ mệnh. Châu nói: “Vào năm 2021, vở kịch 13 chương mà mình cùng các bạn chắp bút đã chẳng thể diễn ra bởi dịch bệnh COVID-19. Vở kịch mang tên Vãng Ân, kể về Ân Phi Hồ Thị Chỉ và bi kịch chốn lầu son. Bà yêu vua Duy Tân nhưng số phận đưa đẩy trở thành phi tần của vua Khải Định. Dù có gặp khó khăn song mình tin mình có thể làm sống dậy nó vào một ngày không xa trong tương lai.”

Định hướng truyền thông trong ước mong nghệ thuật vị nhân sinh

Dù là người yêu nghệ thuật nhưng Minh Châu chọn theo học ngành Truyền thông quốc tế, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. Ngã rẽ này khiến cho nhiều người thắc mắc tại sao cô không theo học Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội để phát triển tài năng nghệ thuật. Tuy nhiên, Châu giải thích về hướng đi của mình: “Theo quan điểm cá nhân, văn hóa luôn đi trước, kéo nghệ thuật theo sau. Nghệ thuật nói chung, kịch nói riêng, phải truyền đạt ý nghĩa văn hóa sâu sắc mới là một vở kịch xuất sắc. Mình học truyền thông để hiểu cách thức trao gửi thông điệp hiệu quả nhất, đi kèm với Văn hóa đối ngoại để xây dựng gốc rễ Việt Nam vững chắc hơn. Mình đã kết hợp được các yếu tố thứ mình thích, điều mình giỏi và cái xã hội cần trong định hướng ngành của mình.”

Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 7
Nữ sinh tận dụng mọi cơ hội để sống với niềm đam mê tại Học viện Ngoại giao.
Hoàng Minh Châu và hành trình chuyển mình với văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới ảnh 8

Tại Học viện Ngoại giao, Minh Châu được trao rất nhiều cơ hội để vừa trau dồi nền tảng văn hóa, vừa được phát triển tài năng nghệ thuật sân khấu. Hiện tại, cô là TOP 02 DAV’s Leaders Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại năm 2023, và là chủ nhân một trong 03 bài viết tiếng Anh xuất sắc nhất sự kiện Viết Sâu của TEDx DAV về chủ đề kết nối, đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ. Có thể thấy, Minh Châu đang từng bước thực hiện ước mơ cũng như sứ mệnh của mình. “Mình cho rằng những việc mình đang làm hôm nay là tiếp bước thế hệ cha ông đi trước, góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp nghệ thuật nói riêng và Văn hóa Việt Nam nói chung. Mình mong muốn rằng tài năng của mình sẽ không chỉ dừng lại ở trên lãnh thổ nước Việt Nam, mà còn vươn xa toàn cầu, như vở kịch Hamilton vậy. Người ta hay ví thế giới là một bầu trời sâu thẳm, không có điểm kết thúc. Với những hành trang mình tích lũy, mình đã sẵn sàng để ‘vút bay’.”

Theo: Báo Sinh viên Việt Nam

Bài viết liên quan