KHỞI NGHIỆP TỪ CÁ TRÍCH

Bằng sự đam mê, sáng tạo của mình, chị Võ Thị Hạnh Dung (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đã làm tăng giá trị của cá trích, đưa sản phẩm của mình đi xa và đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương với thu nhập ổn định.

 Chị Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods cùng các sản phẩm từ cá trích
Chị Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods cùng các sản phẩm từ cá trích.

Khi còn học ngành chăm sóc sức khỏe và sau này có thời gian làm y sĩ, chị Hạnh Dung đã có sở thích tìm hiểu về cá trích, loài cá rất giàu về dinh dưỡng, tốt cho sự phát triển não bộ, hỗ trợ tăng cường trí óc và hệ thần kinh.

Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và kiểm chứng thực tế, chị Dung đã nảy ra ý tưởng và quyết tâm phát triển những sản phẩm từ cá trích để vừa góp phần giúp ngư dân nơi mình sinh sống có đầu ra ổn định, tạo việc làm cho phụ nữ, đồng thời lan tỏa những sản phẩm chất lượng của cá trích đến các phụ huynh đang nuôi con nhỏ và nhiều khách hàng khác.

Mục tiêu của chị là phát triển mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ cá trích, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp và bảo vệ môi trường; chế biến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao từ cá trích, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chế biến thủy sản địa phương, tạo ra công việc cho cộng đồng…

Chị Hạnh Dung tâm sự, ý tưởng này bắt nguồn từ việc chứng kiến ngư dân đánh bắt cá trích rất vất vả nhưng phải bán đổ bán tháo với giá “rẻ như bèo” cho các chủ mua để làm thức ăn chăn nuôi, dù cá còn rất tươi, hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao và tốt cho sức khỏe chỉ vì loài cá này nhiều xương nên ít người mua để ăn.

“Nhiều lần chứng kiến cảnh tượng đó khiến mình không ngừng suy nghĩ, nhiều đêm liền không ngủ để đi tìm giải pháp. Cuối cùng tôi cũng đã thành công dù chỉ mới khởi đầu. Từ đây tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển để không ngừng làm gia tăng giá trị không chỉ của cá trích, một đặc sản của vùng biển quê hương mà còn hướng đến xây dựng thương hiệu cũng như các giá trị cộng đồng khác”, chị Dung chia sẻ thêm.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chị Dung đã ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ cá trích đánh bắt được từ 23 chủ tàu thuyền với sản lượng ước tính lên đến 60 đến 70 tấn mỗi năm.

Anh Nguyễn Tấn Châu, là người chuyên cung cấp cá trích cho chị Hạnh Dung chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đánh bắt được cá trích, tôi chỉ bán lẻ với giá rất rẻ, nhiều khi bán không hết. Từ ngày ký kết hợp đồng với cô Dung, không còn phải lo đầu ra, giá cả thì ổn định nên cuộc sống gia đình được cải thiện hơn”.

Trong khi đó, chị Hồ Thị Ngọc Hiển, là một trong số 20 lao động của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods cho biết, từ khi làm tại công ty, cuộc sống gia đình ổn định hơn nhờ có thu nhập bảo đảm, các con được học tập chu đáo.

Dự án khởi nghiệp “Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam – Giải pháp mô hình kinh doanh bền vững” của chị Võ Thị Hạnh Dung đã tạo ra các sản phẩm mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thành phố như nước mắm cá trích; cá trích ngâm dầu; chà bông cá trích, hạt nêm cá trích; gỏi cá trích đóng gói;…

Sản phẩm của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods đã tạo được độ tin cậy cao về chất lượng cũng như về an toàn vệ sinh thực phẩm, mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng do sử dụng công nghệ tiên tiến để chế biến cá trích như dùng máy sấy cá thay cho rang củi bằng tay, dùng công nghệ nuôi cấy vi sinh để thay thế cho cách ủ muối truyền thống đã giúp cá nhanh phân hủy mà không gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng.

Song song đó, chị Dung đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu phế phẩm của sản phẩm này làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác như chà bông cá trích chỉ lấy thịt nơi lưng cá, phần thịt còn lại và xương cá được tận dụng làm hạt nêm và các phần còn lại dùng để làm nước mắm…

Có thể nói, với cách làm bài bản, khoa học, chị Dung đã sử dụng gần như toàn bộ cá trích để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với giá thành hợp lý.

Ngoài ra, sản phẩm của dự án có thể đi kèm với ứng dụng di động để theo dõi nguồn gốc và chất lượng, đào tạo cho người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm xanh…

Mặc dù mới trải qua gần 2 năm khởi nghiệp, với việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods của chị Dung đã tăng ngoài sự mong đợi, hệ thống kênh phân phối phát triển đa dạng bao gồm cả hệ thống bán lẻ truyền thống và các kênh thương mại điện tử.

Chị Huỳnh Kim Bích Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Bắc cho biết, mô hình khởi nghiệp chế biến cá trích của chị Võ Thị Hạnh Dung được địa phương đánh giá cao vì không chỉ tạo việc làm cho bà con ngư dân, chị em phụ nữ tại địa phương mà các sản phẩm mang thương hiệu 43Foods còn khẳng định sự nỗ lực mang lại cho người tiêu dùng thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao.

Khi được hỏi vì sao lại lấy 43 để ghép vào tên cho hợp tác xã của mình, chị Dung mỉm cười trong sự xúc động và cho biết: “Với mong muốn khách hàng nhớ đến sản phẩm của mình là nhớ đến thành phố Đà Nẵng. Đồng thời cá trích còn có rất nhiều ở vùng biển quê hương nên mình lấy 43 để ghép vào tên của công ty như một cách tri ân thiên nhiên”.

Sản phẩm từ cá trích “43Foods” của chị Hạnh Dung đã được ghi nhận với giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cấp quận năm 2023” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu trao tặng.

Các sản phẩm từ cá trích của “43Foods” không chỉ có mặt trên thị trường thành phố mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, được khách hàng gần xa đón nhận, yên tâm sử dụng do chất lượng ngon, bổ, sạch với giá thành hợp lý.

Vừa qua, dự án “Nâng tầm giá trị cho cá trích Việt Nam – Giải pháp mô hình kinh doanh bền vững” đã lọt vào vòng thi cấp vùng miền Trung và đang tiến tới cấp toàn quốc.

Hiện nay, chị Dung tiếp tục mở rộng khu sản xuất, đầu tư hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thời gian tới, dự án của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43Foods tiếp tục hướng đến mục tiêu mang tầm vĩ mô hơn là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhấn mạnh vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Theo: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan