NHÓM SINH VIÊN THUỶ LỢI SÁNG TẠO GĂNG TAY ROBOT THÔNG MINH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Dự án “Mô hình găng tay robot phục hồi chức năng vận động bàn tay con người” của các sinh viên trường Đại học Thuỷ lợi đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV-STARTUP” lần VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Dự án khởi nghiệp “Hand of Hope – HOH Mô hình găng tay robot phục hồi chức năng vận động bàn tay con người” được phát triển trong 2 năm. Tiền thân từ đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Điện – Điện tử được giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp Trường năm 2023.

Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Tiến sĩ Ngô Quang Vĩ – Giảng viên hướng dẫn của dự án, cho biết: “Với mong muốn của thầy và trò là đưa sản phẩm khoa học công nghệ áp dụng vào đời sống, sản phẩm nghiên cứu đã được mang đi tham gia cuộc thi khởi nghiệp do nhà trường tổ chức”.

Dự án khởi nghiệp là sự kết hợp liên ngành giữa sinh viên khoa Điện – Điện tử (Dương Văn Vũ, Ngô Tuấn Trường, Lê Quang Hùng) với sinh viên khoa Kinh tế và Quản lý (Nguyễn Thị Phương Thanh, Đào Thị Quỳnh Trang).

Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 1
Nhóm sinh viên và giảng viên hướng dẫn – TS. Ngô Quang Vĩ nhận giải Nhất tại chung kết SV-STARTUP năm 2024.

Trong đó, Vũ là trưởng nhóm và là người đưa ra ý tưởng. Cậu cũng phụ trách chính phần kỹ thuật với sự hỗ trợ của Hùng và Trường. Với kiến thức từ chuyên ngành kinh tế, Trang và Thanh phụ trách chiến lược phát triển sản phẩm.

Trưởng nhóm Dương Văn Vũ tâm sự: “Mình thấy nhiều người bệnh đang gặp nhiều khó khăn để luyện tập phục hồi chức năng tại nhà, đặc biệt là trẻ em. Vậy nên mình đã ấp ủ làm ra một thiết bị có thể hỗ trợ người bệnh luyện tập phục hồi chức năng bàn tay ngay tại nhà”.

Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 2
GS. TS. Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thuỷ lợi, đến động viên nhóm trước khi tham dự vòng chung kết SV-STARTUP.
Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian trưng bày của nhóm tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên toàn quốc năm 2024 tại trường Đại học Cần Thơ.

Khi tìm hiểu và nghiên cứu, cả nhóm nhận thấy hiện có khoảng 200 nghìn ca bệnh đột quỵ mỗi năm và hàng chục nghìn ca phẫu thuật các chi cần tập luyện phục hồi chức năng tại Việt Nam. Nhu cầu thị trường ngày một cao khi dân số già hoá, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến chức năng vận động ngày càng tăng.

Găng tay robot thông minh được tích hợp các công nghệ như: ứng dụng công nghệ AI trong nhận diện độ gập các ngón tay qua điểm ảnh – điều mà chưa sản phẩm nào trên thị trường làm được. Găng tay còn có chức năng điều khiển bằng giọng nói và kết nối từ xa giữa bác sĩ và bệnh nhân qua Internet.

Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 4
Trên tay bộ sản phẩm Hand of Hope.

Sản phẩm có đa dạng bài tập thụ động, bài tập có mục tiêu, vừa phục hồi vừa luyện tập các ngón tay và bàn tay qua các trò chơi, giúp người dùng lấy lại khả năng cầm nắm, cử động các ngón tay và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Với nhiều tính năng, nhóm hy vọng sản phẩm sẽ góp phần: Giảm tỉ lệ bại liệt sau tai biến và giảm thời gian phục hồi chức năng tay; Cải thiện teo cơ, cứng khớp, lưu thông mạch máu, tăng sức mạnh co duỗi cơ cho vùng bàn, ngón tay cho người bị tai biến; Đưa người bệnh quay trở lại công việc thường ngày và cải thiện sức khỏe người già.

Ngoài ra, găng tay robot thông minh còn giúp giảm nhẹ áp lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế bởi việc quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện đang là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm nay.

Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 5
Găng tay robot trong quá trình thử nghiệm.

Cả nhóm Robotic-HOH đều là những sinh viên lần đầu khởi nghiệp nên đã phải gặp phải không ít trở ngại. Đầu tiên là vấn đề tài chính, các bạn trẻ gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư ban đầu. Tiếp đó, các thành viên phải sắp xếp lịch học và các công việc riêng để dành thời gian nhất định cho dự án.

“Dù biết sản phẩm độc đáo và mang lại giá trị, nhưng làm sao để tiếp cận thị trường mới là bài toán nan giải nhất của cả nhóm”, Vũ tâm sự.

Với vấn đề này, nhóm đã tận dụng các mối quan hệ sẵn có của bản thân, nhờ thầy cô hỗ trợ và tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của dự án. Nhóm cũng tham khảo nhiều dự án khởi nghiệp thành công và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tiến sĩ Ngô Quang Vĩ và hỗ trợ về phần kinh doanh từ Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh, đều là giảng viên của trường Đại học Thuỷ lợi. Ngoài ra, nhóm đã được một số doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu và đặt vấn đề hợp tác lâu dài.

“Có nhiều lần nhóm và thầy cô hướng dẫn phải họp đến 2-3 giờ sáng, dù mệt nhưng chúng mình vẫn thấy vui vì được học hỏi và nâng cao thêm trình độ của bản thân. Khi thử nghiệm sản phẩm và nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực của bệnh nhân, dù chỉ là một lời khen nhỏ cũng khiến cả nhóm thấy hạnh phúc vì đã tạo được một sản phẩm có ích cho cộng đồng”, Vũ tâm sự.

Nhóm sinh viên Thuỷ lợi sáng tạo găng tay robot thông minh phục hồi chức năng ảnh 6
Một lần làm việc khuya của nhóm.

Trước khi giành giải Nhất tại cuộc thi SV-STARTUP lần thứ VI, dự án Hand of Hope của nhóm từng đạt được thành tích: giải Nhì chung cuộc “Sinh viên Thuỷ lợi với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023”, lọt vào chung kết cuộc thi thử thách khởi nghiệp “Thành phố thông minh sáng tạo StartupCity” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức./.

Báo: Sinh viên Việt Nam

Bài viết liên quan