Nữ sinh Quảng Trị du học Mỹ: Kiên trì như một chú rùa với khát khao vươn ra biển lớn
Đoàn Hà My (sinh năm 2002) đang là sinh viên năm ba ngành Kinh doanh – Marketing, trường Đại học Northern Kentucky, Mỹ. |
Hà My đã bắt đầu hành trình sống tự lập xa nhà của mình từ năm 15 tuổi khi thi đậu vào lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Quốc học Huế. Dù đã dành rất nhiều thời gian và công sức để ôn luyện, giải đề nhưng kết quả đó thực sự là một điều không tưởng đối với My. Vì vậy, xen lẫn với niềm vui nhập học của My khi ấy là những nỗi lo lắng mơ hồ về năng lực của bản thân so với bạn bè đồng trang lứa ở trường mới.
Hà My cùng tập thể lớp chuyên Anh 1 niên khóa 2017-2020. |
“Suốt một thời gian rất dài, mình chẳng có niềm tin vào năng lực bản thân mà chỉ tự coi mình là một “chú rùa” ở Quốc học – cách mà mình và mấy đứa bạn trong lớp hay gọi nhau khi ai gặp chuyện may mắn. Sau này mới biết đó là hội chứng kẻ giả mạo (impostor syndrome), cảm giác sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được. Nhưng mà, điều đặc biệt ở một chú rùa là dù có di chuyển với tốc độ chậm ơi là chậm, chú vẫn tiếp tục tiến về phía trước mà không từ bỏ, nên mình cũng muốn bản thân phải thật kiên trì như vậy.” – Hà My tâm sự.
My tham gia dự án Lăng Kính với vai trò là trưởng nhóm Tài chính – Đối ngoại. |
My dần học cách chấp nhận những bất lợi của bản thân và biến chúng thành động lực để ngày một hoàn thiện hơn. Trên hành trình tìm kiếm phiên bản tốt nhất của mình, My chủ động tham gia các hoạt động cộng đồng như dự án Thiên Quang Hậu Mạc – sự kiện nhạc kịch dân gian nhằm bảo tồn văn hóa Việt Nam; dự án Lăng Kính – Trại hè Khoa học và Kỹ năng cho các em nhỏ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn ở các trung tâm bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ em; dự án Dấu Ấn – chuỗi sự kiện cho học sinh sắp tốt nghiệp;…
“Qua mỗi sự kiện, mình được trải nghiệm hơn nhiều chút, học thêm được nhiều chút, và lớn thêm được nhiều chút. Sau tất cả, thành tích lớn nhất của mình vẫn là việc dám chui ra khỏi nơi trú ẩn an toàn – chiếc mai rùa – để từng bước tiến lên phía trước, bắt đầu cuộc sống tự lập và kiên trì theo đuổi những thứ mà mình muốn. Đến tận bây giờ vẫn luôn là vậy.” – My chia sẻ.
Cơ hội tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong những năm cấp ba giúp My có thêm những trải nghiệm đa dạng, cũng như định hình rõ nét hơn về việc bản thực sự mong muốn điều gì. Và việc bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà ở Huế của My cũng chính là bước đệm đầu tiên cho một hành trình xa hơn sau này – du học.
Kênh YouTube ghi lại hành trình du học Mỹ của Hà My. |
Tuy vậy, Hà My cũng gặp phải không ít trắc trở trong quá trình xin học bổng. Bởi chẳng muốn giấc mơ du học là gánh nặng tài chính cho bố mẹ, My đã nỗ lực để xin được càng nhiều học bổng càng tốt. Việc liên tục nhận thư từ chối từ các trường yêu thích hay phải đành lòng từ chối hết 9 trường đại học, dù nhận được thư mời nhập học lẫn những suất học bổng lên đến 120.000 USD, khiến cô bạn căng thẳng cực kỳ.
Đỉnh điểm là khi đại dịch xuất hiện, mọi thứ lại càng trở nên khó khăn hơn. “Mình đã bay vào tận TP. HCM để thi SAT (bài thi chuẩn hóa đầu vào đại học tại Mỹ) và nhận tin báo bị hủy thi vào ngay sáng hôm diễn ra kỳ thi vì tình hình dịch bệnh. Tệ hơn nữa là sau khi mình quyết định theo học tại trường ĐH hiện tại – Northern Kentucky với suất học bổng 90%, visa Mỹ của mình vẫn liên tục bị từ chối đến tận 2 lần. Cho đến lần thứ 3, khi thành công nhận được visa sau mấy tháng ròng rã, mình đã kịp bay chuyến bay quốc tế cuối cùng từ Việt Nam sang Mỹ giữa tâm dịch.” – My cho biết.
Dù vậy, khi nhìn lại quãng thời gian ấy, Hà My thấy rất cảm kích, không chỉ là biết ơn những người tuyệt vời đã đồng hành với mình như gia đình, bạn bè,… mà còn là với chính những trải nghiệm đó. Việc học cách vượt qua khó khăn khiến khát khao vươn ra biển lớn của My càng thêm mãnh liệt, đồng thời giúp My trở nên cứng cáp hơn để đối mặt với những thử thách khác khi bắt đầu cuộc sống xa xứ sau này.
My chụp cùng người bạn thân – Anne Marie. |
My chụp cùng Giáo sư, Tiến sĩ David Raska – người đã giúp đỡ và động viên My rất nhiều trong học tập. |
Bên cạnh việc học chuyên ngành ở trường, My cũng vừa hoàn thành 3 tháng thực tập hè với vị trí là nhà thiết kế và nghiên cứu trải nghiệm người dùng ở Ohio, Mỹ. Hiện tại, công việc chính của My là thực tập sinh Marketing cho văn phòng cố vấn của trường, cùng với một số dự án ngoài lề khác như tiếp thị và nghiên cứu phát triển cho PodScholars; cộng tác với Kentucky Commercialization Venture; là thành viên The Underground Agency – Marketing Agency nội bộ của trường, chuyên làm việc cùng những khách hàng là các hộ kinh doanh trong khu vực Kentucky – Ohio, Mỹ và châu Âu như Séc, Thụy Điển;…
My chia sẻ: “Tham gia nhiều hoạt động khác nhau song song với việc học ở trường giúp mình rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian,… Thêm vào đó, việc gặp gỡ và giao lưu với các bạn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới giúp mình mở mang về tư duy, nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách đa chiều hơn, cũng như ứng dụng những kiến thức mình đã học từ trường lớp vào thực tiễn sao cho thật hiệu quả.”
Sắp tới, cô gái trẻ muốn có thêm thật nhiều chuyến đi xa và những trải nghiệm mới. “Thay vì cứ ngồi một góc lo sợ thất bại, sợ mình không đủ giỏi, không đủ tốt như trước thì mình muốn trở nên “xông pha” hơn một chút và thử thách bản thân nhiều hơn. Bên cạnh đó, mình cũng dần hình thành niềm đam mê với việc sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục và muốn dành thời gian tìm hiểu về lĩnh vực này. Mình muốn năng lực và trình độ của bản thân phải được liên tục nâng cao để có thể bắt kịp với những giấc mơ lớn mà mình có.” – My bày tỏ.
Ngoài ra, My hy vọng có thể tập trung nhiều hơn vào việc sáng tạo nội dung blog và vlog nhằm chia sẻ hành trình du học ở Mỹ của mình cùng các câu chuyện về những con người đáng yêu mà My đã may mắn gặp được. Từ đó tạo động lực, khuyến khích những bạn trẻ khác lấy can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và kiên trì tiến về phía trước – bước những bước đi của một chú rùa – bởi thành công luôn được tạo dựng từ những tích cóp nhỏ nhất.
Nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam