Nam sinh viên xuất sắc trải nghiệm ‘trăm công nghìn việc’
SVVN – Nguyễn Dương Tuấn Khanh, sinh năm 2001, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 6 tới đây, Khanh sẽ tốt nghiệp với tấm bằng sinh viên xuất sắc do đã thành công bảo vệ khóa luận sớm vào tháng 12/2023 – “quả ngọt” của những năm tháng với các trải nghiệm “trăm công nghìn việc”.
“Mình trượt nguyện vọng 1 hai lần”
Nguyễn Dương Tuấn Khanh sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Khi còn là học sinh cấp 3, Tuấn Khanh sở hữu thành tích học tập tốt nên nam sinh viên rất tự tin vào năng lực của bản thân. “Trước thềm kỳ thi THPT năm 2019, mình đã khá chủ quan nên không ôn tập quá nhiều. Và khi có kết quả thi đại học, mình trượt NV1, thiếu 0.25 điểm so với điểm chuẩn. Lúc đó, mình khá suy sụp và thất vọng về bản thân. Sau một thời gian chấn chỉnh và trao đổi với gia đình, mình quyết định nghỉ một năm để đi làm và thi lại vào năm sau”, Tuấn Khanh tâm sự.
Nguyễn Dương Tuấn Khanh hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Từ miền Trung, cậu Nam tiến để tìm việc, với mong muốn trải nghiệm cuộc sống độc lập và tích lũy kinh nghiệm. “Công việc đầu tiên của mình tại Sài Gòn là… phụ hồ. Cuộc sống công nhân khổ cực, ngủ trong lán và ăn cơm bụi. Mình đã từng sốt nguyên tuần do chưa kịp thích ứng với thời tiết nhưng vẫn phải gắng gượng đi làm. Hồi đó, sau khi đã bôn ba khá nhiều nơi, mình nhận ra rằng, học tập không phải cách duy nhất nhưng là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công. Xã hội sẽ coi trọng bạn nếu bạn có tài và kiến thức”, Khanh trăn trở. Những ngày làm việc cật lực dưới nắng nóng đã khiến nam sinh viên nhận thức sâu sắc về giá trị của giáo dục và kiến thức. Cậu hiểu rằng, dù lao động chân tay quan trọng và cần thiết, nhưng học vấn là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa và cơ hội trong cuộc sống.
Khi quay trở lại con đường ôn thi đại học, Tuấn Khanh đã mang theo một tâm thế mới. Nam sinh viên không chỉ học từ sách vở mà còn từ cuộc sống và những kinh nghiệm thực tế của mình. “Thông báo từ kết quả kì thi THPT lần 2, mình vẫn trượt NV1 và vẫn là số điểm sát sao 0.25. Khoảnh khắc đó, dù hơi thất vọng, nhưng mình không còn cảm thấy chán nản như lần đầu. Mình lắng nghe gia đình và giữa ngã rẽ học NV2 hay đi du học, mình lựa chọn trở thành sinh viên của khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mình coi đó là “duyên”, khi đã từng hai lần trượt NV1 nhưng đều đỗ vào NV2. Quyết định này không dễ dàng, nhưng mình hiểu rằng, mỗi lựa chọn đều có giá trị riêng của nó,” Khanh nhớ lại. Sự chấp nhận của cậu với NV2 không phải là sự từ bỏ, mà là bước đi mới trong hành trình học vấn, bởi mỗi cơ hội đều mở ra con đường riêng và có thể dẫn đến thành công theo cách khác nhau.
80% thời gian để đi làm
Bước vào môi trường đại học muộn hơn một năm so với bạn bè đồng trang lứa, học cùng các em nhỏ hơn tuổi, Tuấn Khanh quyết tâm phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để có thể trở thành “người nổi bật” mà khi xuất hiện, mọi người tự động biết đến mình. “Mình luôn tập trung hết sức để lắng nghe các bài giảng trên lớp, ghi chép thật đầy đủ và tích cực giơ tay phát biểu bài. Dù hầu như trong bốn năm đại học, mình rất ham mê đi làm, nó chiếm đến 80% thời gian biểu của mình. Nhưng mình hiểu, việc học nên là ưu tiên số 1 và phải biết cách cân bằng giữa công việc và học tập, đảm bảo rằng mỗi khía cạnh đều nhận được sự quan tâm và nỗ lực xứng đáng”, nam sinh viên nhấn mạnh.
Nam sinh viên tham gia thi nghiên cứu khoa học tại khoa Việt Nam học vào tháng 4/2023. |
Khanh coi việc làm thêm là một phần quan trọng trong quá trình phát triển bản thân. Cậu sinh viên đã làm đủ thứ nghề tại Hà Nội, từ nhân viên làm bánh, rửa bát thuê, chạy xe ôm, bốc vác,… đến quản lý quán ăn, nhân viên văn phòng, quản lý và phát triển fanpage, group trên facebook… Mỗi công việc mà Tuấn Khanh trải qua không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là cơ hội để học hỏi kỹ năng sống, giao tiếp và quản lý thời gian. Cậu nhìn nhận mỗi công việc, dù là lao động chân tay hay văn phòng, đều mang lại cho bản thân những bài học quý báu. “Làm bánh giúp mình học được sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, rửa bát thuê dạy mình sự khiêm tốn, chạy xe ôm giúp mình hiểu biết thêm về cuộc sống và con người Hà Nội, công việc bốc vác thì rèn luyện sức khỏe và ý chí, quản lý fanpage, group trên Facebook giúp mình phát triển khả năng viết lách và kỹ năng marketing”, Khanh chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc và học tập, Khanh luôn cố gắng duy trì sự cân bằng và không bao giờ quên mục tiêu học tập của mình. Điều đó thể hiện qua việc cậu xuất sắc giành được 6 kì học bổng liên tiếp, GPA hiện tại đạt 3.9/4. “Mình luôn tâm niệm rằng phải kiên trì, khiến bố mẹ tự hào, bởi “trước mặt là tương lai, sau lưng là bố mẹ luôn dõi theo, động viên và tin tưởng”. Đã có những khoảng thời gian, mình chán nản đến mức muốn bỏ học, nhiều lần đứng trước nhà Hiệu bộ để xin rút hồ sơ, mình nghĩ về bố mẹ và quyết định không từ bỏ. Mỗi lần như vậy, mình lại nhắc nhở bản thân về lý do tại sao mình bắt đầu và những hy sinh mà bố mẹ đã làm cho mình,” Khanh chia sẻ về quá trình vượt qua những khó khăn tâm lý.
Gia đình luôn là động lực lớn nhất để Tuấn Khanh phấn đấu. |
Và dù ở thời điểm chênh vênh, khó khăn nhất, đó là khi vào năm tư đại học, Tuấn Khanh quyết định khởi nghiệp và mọi việc không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Nam sinh viên gặp phải những khó khăn lớn, từ vấn đề vốn ban đầu, sai lầm trong việc quản lý và lập kế hoạch, dẫn đến thất bại và thậm chí là vỡ nợ. Thất bại này không chỉ làm Tuấn Khanh mất đi số vốn ban đầu mà còn để lại cho nam sinh viên nhiều bài học đắt giá. Trong thời gian đó, cậu phải làm việc cật lực để kiếm tiền trả nợ, đồng thời phải đối mặt với những ánh mắt không được tôn trọng từ người xung quanh. Tuy nhiên, Tuấn Khanh không để những trải nghiệm này làm mình gục ngã. Cậu quyết tâm học hỏi từ sai lầm, tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, và xây dựng lại mọi thứ từ con số không.
Lăng kính “tươi đẹp”
Hiện tại, Tuấn Khanh đang tiếp tục phát triển “ngón nghề tay trái” là chụp ảnh để kiếm thêm thu nhập và thỏa mãn đam mê cá nhân. Cậu đã tìm hiểu và học hỏi về nhiếp ảnh, từ cách sử dụng máy ảnh, kỹ thuật chụp ảnh, đến việc chỉnh sửa ảnh để tạo ra những tác phẩm độc đáo và chất lượng. Quá trình tự học và thực hành nhiếp ảnh không chỉ giúp Khanh phát triển kỹ năng mới mà còn mở ra một hướng đi mới về sau này. “Chụp ảnh mang lại cho mình cảm giác hạnh phúc. Có đôi lúc, khi cảm thấy quá áp lực, chỉ cần giơ máy ảnh lên, nhìn qua lăng kính, mình nhận ra hoá ra cuộc sống vẫn tươi đẹp thế!”, nam sinh viên bộc bạch.
Tuấn Khanh mua tặng bản thân chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm nhất đại học. |
Tuấn Khanh đã bảo vệ thành công sớm khóa luận dù vẫn đang là sinh viên năm tư vào tháng 12/2023 với điểm số cao. Nhìn lại chặng đường bốn năm đại học sắp kết thúc, nam sinh viên cảm thấy tự hào về những gì mình đã đạt được. “Nhìn lại chặng đường đã qua, mình thấy trưởng thành và biết ơn tất cả những người đã đồng hành cùng bản thân trong hành trình này”, Khanh bồi hồi. “Mình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, đặc biệt là bố mẹ đã là nguồn động viên và sức mạnh lớn lao giúp mình không ngừng phấn đấu và vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, mình cũng rất cảm ơn những người bạn đã ở bên cạnh, vào những lúc khủng hoảng, bạn bè là người đồng hành, theo dõi và ủng hộ mình không ngừng”, cậu chia sẻ.
Khanh luôn hướng đến tinh thần “không bao giờ cúi mặt trước cuộc đời, bởi vì bố mẹ đã từng nâng mình lên bằng đầu”. |
“Mình đã trải qua trăm công nghìn việc trong suốt quãng thời gian học đại học. Mỗi công việc mà mình đã làm, dù lớn hay nhỏ, đều giúp mình hiểu biết thêm về thế giới và con người xung quanh. Mỗi trải nghiệm, dù khó khăn hay thành công, đều là một phần quan trọng trong hành trình của mình và đã góp phần tạo nên bản thân mình ngày hôm nay. Mình tin rằng những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mình đã tích lũy sẽ là nền tảng vững chắc cho những dự định và mục tiêu tương lai. Bởi mình luôn hướng đến tinh thần “không bao giờ cúi mặt trước cuộc đời, bởi vì bố mẹ đã từng nâng mình lên bằng đầu. Và hãy cố gắng cho đến khi bạn không cần giới thiệu bản thân là ai”.
Nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam