Chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
ĐNO – Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp – đổi mới – sáng tạo được đông đảo hội viên, phụ nữ (HVPN) trên địa bàn phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Qua đó, đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhiều gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực ổn định cuộc sống. Điển hình như trường hợp cô Trần Thị Thông, 68 tuổi, hội viên của Chi hội Phụ nữ số 25 (Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Xuân).
Cô Trần Thị Thông (thứ 4, từ phải sang) cùng hội viên phụ nữ phường Hòa Xuân thăm, tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố. |
Năm 2004, phát hiện bị bệnh và phải trải qua phẩu thuật, cắt bỏ 1 lá phổi do ung thư, cuộc sống của cô Thông gặp nhiều khó khăn do sức khỏe yếu, việc làm không ổn định, nhiều tháng liền phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự trợ giúp của chồng con. Nhiều lúc sự sống của cô chỉ được dự tính bằng ngày. Không “đầu hàng” số phận, cô đã vượt qua mọi đau khổ, dày vò do bệnh tật gây ra để trở thành một người khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc bằng cả một nghị lực phi thường.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, cân nhắc, bàn với gia đình, năm 2016, gia đình cô chuyển nhà từ quận Hải Châu về sinh sống tại phường Hòa Xuân bởi theo cô Thông, Hòa Xuân là khu đô thị mới, yên tĩnh, thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng, trị bệnh.
Với sự chăm sóc của gia đình, sự lạc quan, cố gắng, sức khỏe của cô ngày càng hồi phục. Được đi lại khỏe khoắn, cô trồng cây, trồng hoa, trồng rau, các loại đậu trong khoảng đất trống của gia đình vừa để nhanh hết giờ nhưng đồng thời cô cũng xem đây như là một cách trị liệu và có rau sạch để sử dụng.
Qua đọc sách báo, biết được công dụng, nguồn dinh dưỡng dồi dào và an toàn của các loại đậu nên cô tự mày mò công thức làm bột. Với sự kiên trì, bền bĩ, cô đã tạo ra được cho mình một sản phẩm dinh dưỡng đảm bảo chất lượng. Chính việc sử dụng loại bột do mình tạo ra mà sức khỏe của cô ngày càng cải thiện, ổn định và nâng cao.
“Có thể nói một người “từ cõi chết trở về” nhưng nhờ việc sử dụng bột đều đặn trong suốt thời gian dài vừa qua, bản thân tôi và mẹ nay đã gần 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào”, cô Thông cho biết thêm.
Sức khỏe ổn định, cô tham gia sinh hoạt và trở thành hội viên nòng cốt của Chi hội Phụ nữ số 25. Tuy tuổi cao nhưng cô luôn là hội viên đến sớm, đi đầu, hăng hái, tích cực trong mọi hoạt động, phong trào do Chi hội Phụ nữ số 25 cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Xuân tổ chức, phát động.
Được tham gia các hoạt động, nhất là các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, cô cảm thấy biết ơn cuộc sống hiện tại nhiều hơn nên cô muốn làm một việc gì đó để trả ơn cuộc đời, muốn mọi người có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.
Sau nhiều dự tính, năm 2020 cô quyết định làm bột thập ngũ cốc thương hiệu “Bà Thông” để chia sẻ cho mọi người. Với bản tính chịu thương chịu khó, cầu thị, cô tìm đến tận từng khách hàng để hỏi thăm về sự nhận xét, đánh giá. Sau khi được người tiêu dùng góp ý, cô lại tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Vượt qua nhiều trở ngại của tuổi tác, năm 2021, cô tham gia Cuộc thi “Ý tưởng Phụ nữ Khởi nghiệp – Đổi mới – Sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ tổ chức và đạt giải Ba.
Hiện nay sản phẩm Bột thập ngũ cốc của cô Thông rất được nhiều người tin dùng và có chỗ đứng ổn định trên thị trường thành phố. Cùng với việc tham gia trong Ban cán sự Chi hội Phụ nữ số 25, cô Thông còn là hội viên danh dự của Câu lạc bộ “Phụ nữ Hòa Xuân – Tự tin – Khởi nghiệp – Sáng tạo”.
Chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Xuân chia sẻ: “Về sinh sống tại địa phương, cô Thông tham gia rất tích cực mọi phong trào, hoạt động do Chi hội cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tổ chức. Tuy lớn tuổi nhưng cô hoạt động rất sôi nổi, luôn hướng về hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như người yếu thế trong cộng đồng. Cô Thông đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ có công việc làm và thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống”.
Để đảm bảo vệ sinh trong khu dân cư, cô Thông cùng Ban cán sự Chi hội thường xuyên vận hội viên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, tham gia ngày Chủ nhật “xanh – sạch – đẹp”; xây dựng tuyến đường tự quản Lê Quang Hòa văn minh, an toàn, sạch đẹp; vườn hoa trong phố; tham gia thu gom rác tài nguyên gây quỹ để thực hiện “Nồi cháo tình thương”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Bên cạnh duy trì đều đặn “Nồi cháo tình thương”, cô cùng với Ban cán sự và hội viên kêu gọi, vận động mạnh thường quân tổ chức các buổi trao quà, tổ chức các bữa ăn từ thiện hỗ trợ bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, Trung tâm Trẻ mồ côi Hoa Mai, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố; tặng quà cho học sinh tại Trường Mầm non Tà Lang – Giàn Bí (xã Hòa Bắc)… mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
HIẾU NGÂN
Nguồn: Báo Đà Nẵng