NÂNG ĐỠ NHỮNG MẦM XANH

ĐNO – 15 năm gắn bó với trẻ em bất hạnh và nạn nhân chất độc da cam tại Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (Cơ sở) với biết bao khó nhọc nhưng cô Nguyễn Thị Kim Yến (54 tuổi) vẫn luôn tận tâm và yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc các em ngày càng tốt hơn.

Cô Nguyễn Thị Kim Yến dạy học cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Cơ sở 3
Cô Nguyễn Thị Kim Yến dạy học cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Cơ sở 3.

Một ngày đầu tháng 9, đến thăm Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) mới thấy hết tình yêu thương lớn lao mà cô Yến cũng như đồng nghiệp của mình dành cho những nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ tại đây.

Cơ sở hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 60 nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh của các xã thuộc huyện Hòa Vang. Mỗi em mang trên mình nỗi đau chung đó là bệnh tật do chất độc da cam gây ra.

Để đảm bảo việc nuôi dạy các em, các cháu được thuận lợi, hằng ngày, cô Yến dậy từ 5 giờ để thu xếp công việc gia đình rồi vượt gần 20 cây số, từ nhà ở phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) để đến nơi làm việc. Sau khi cùng đồng nghiệp đón các em, các cháu ở những điểm tập trung về Cơ sở, cô Kim Yến lại tất bật chăm lo cho các em từ việc ăn uống, vệ sinh đến học chữ, học nghề.

Khởi đầu ngày mới của đại gia đình Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng từ 8h30 và kết thúc lúc 16h30 khi cô Yến cùng đồng nghiệp gửi các em cho thân nhân gia đình tại các điểm tập trung đã định sẵn.

Nhiệm vụ chính của cô Yến là dạy văn hóa cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam – những đứa trẻ tật nguyền nói trước, quên sau, học cả tháng chưa nhớ được một chữ nhưng lúc nào cô cũng phải ân cần, dỗ dành, động viên từng cháu. Cô kiên trì, nhẫn nại chỉ bày, rồi cầm tay giúp các em viết từng nét chữ, con số.

Ngoài dạy văn hóa, kỹ năng hòa nhập xã hội, hằng ngày, cô Yến còn tham gia các hoạt động chăm sóc trẻ; bày các em làm hương, cắm hoa, may áo quần, trồng và chăm sóc rau; hướng dẫn trẻ luyện tập thể dục, vui chơi, giải trí… “Ở Cơ sở, mỗi thầy cô đều kiêm nhiệm nhiều việc, vừa lo chuyên môn của mình, vừa tận tâm hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động với mong muốn các em, các cháu ngày một tốt hơn cả về thể chất lẫn khả năng tự lập”, cô Yến tâm sự.

Theo thời gian, nhìn các em, các cháu ở Cơ sở đọc được từng con chữ, làm được từng phép tính cộng, trừ; làm được từng cây hương, trồng được từng luống rau, tự phục vụ được bản thân mình, biết làm những công việc trong gia đình; biết đoàn kết, thương yêu lẫn nhau; biết xưng hô, biết lễ phép với khách đến thăm là trong lòng cô lại trào dâng niềm hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc giản đơn nhưng lại vô cùng quý giá. Giản đơn bởi lẽ đó là những công việc mà đa số những đứa trẻ trong độ tuổi ấy phải thực hiện được. Quý giá bởi các em, các cháu là những người tật nguyền do chất độc da cam gây ra cũng như những nguyên nhân khác.

Qua nhiều năm công tác, cô Yến nắm rõ tính tình, đặc điểm của từng em, từng cháu. Cô biết em nào, cháu nào thích nghe lời nói ngọt ngào, em nào, cháu nào thích được âu yếm, em nào, cháu nào cần phải cứng rắn… Từ đó, cô vận dụng vào việc giáo dục, chăm sóc, uốn nắn đối với từng trường hợp. “Tấm lòng của những đứa trẻ tật nguyền đã làm mình ngày càng thêm gắn bó, yêu thương các em, các cháu nhiều hơn”, cô Yến chia sẻ. Vì vậy, khi có người giúp cô đi làm cho một doanh nghiệp lương cao nhưng cô đã từ chối

Công việc vất vả là vậy, thu nhập hạn chế nhưng cô Kim Yến cũng như đồng nghiệp chưa một lần toan tính thiệt hơn; chưa một lần suy nghĩ phải tìm kiếm công việc khác với thu nhập cao hơn hoặc ở gần nhà để lo cho cuộc sống gia đình. Với họ, được làm việc, được dạy dỗ, được chăm sóc nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh không còn là một công việc để có thu nhập mà đã trở thành “một phần không thể thiếu” trong cuộc sống. Bởi từ lâu cô Yến cũng như các thầy cô ở Cơ sở xem đây là “ngôi nhà thứ 2” của mình.

Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho biết, tuy thu nhập hiện nay của nhân viên ở các cơ sở chăm sóc nạn nhân da cam trên địa bàn thành phố chưa cao nhưng các thầy cô vẫn một lòng yêu nghề, bám sát việc chăm sóc, dạy dỗ các em, các cháu. Đó là điều rất đáng trân quý. Nguồn ngân sách phục vụ hoàn toàn từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Mong rằng cộng đồng xã hội ngày càng quan tâm, sẻ chia nhiều hơn đến những mảnh đời bất hạnh để cùng thành phố thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng, người yếu thế nói chung.

ÁNH LINH

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan