Khi “tập trung” và “dân chủ” bị tách rời

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, nguyên tắc có tính chất xương sống trong tổ chức của chính đảng mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường gọi đây là nguyên tắc dân chủ tập trung với hàm ý nhấn mạnh, đề cao thành tố dân chủ trong nội hàm cùng với thành tố tập trung. Người chỉ rõ rằng: “Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung”. Người chỉ rõ đây là nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tổ chức cao nhất, là chế độ lãnh đạo của Đảng.

Có thể thấy nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện đặc trưng cốt lõi và có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả trong lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, qua thực tế thì nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước thời gian qua đều liên quan đến việc chấp hành và thực thi nguyên tắc này.

Theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng ở nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Cụ thể, đã xử lý 214 tổ chức đảng vi phạm về các nguyên tắc tập trung dân chủ, chiếm 24,6% số tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật; 3.943 trường hợp đảng viên vi phạm bị kỷ luật về nguyên tắc tập trung dân chủ, chiếm 7,1% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật. Phần lớn các vụ việc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm - Bài 2: Khi nguyên tắc Đảng bị lạm dụng, bóp méo