TẬN TÂM VỚI HỌC SINH KHUYẾT TẬT

ĐNO – “Dù có là một ngày, một tháng hay một năm các em mới thuộc một chữ cái hay một động tác thì đấy cũng là sự tiến bộ, tôi vẫn sẽ kiên trì nhẫn nại dạy cho học sinh của mình”, cô giáo Hồ Thị Mỹ Dung (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) xúc động khi được hỏi về công việc dạy trẻ khuyết tật của mình.

 

Cô giáo Hồ Thị Mỹ Dung (bìa trái) thực hiện chương trình chăm sóc mắt học đường cho trẻ khiếm thính do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Cô giáo Hồ Thị Mỹ Dung (bìa trái) thực hiện chương trình chăm sóc mắt học đường cho trẻ khiếm thính do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng năm 2008, cô Dung được tuyển dụng vào giảng dạy tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập). Trong 15 năm công tác, có đến 14 năm cô dạy dỗ cho các em học sinh lớp 1. Năm học 2022 – 2023, cô Dung được phân công giảng dạy cho học sinh lớp 5. Học sinh của cô là những em khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ.

Dạy cho trẻ em bình thường ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã vất vả, dạy cho trẻ em “chuyên biệt” càng khó khăn bội phần. Khó khăn bởi mặt bằng kiến thức, sự tập trung, khả năng tiếp thu bài vở của các em khác nhau do mỗi em mang trong mình một sự khiếm khuyết, một căn bệnh khác nhau.

Cô Dung đã nhiều đêm mất ngủ để tìm ra giải pháp nhằm giúp các em vượt qua những hạn chế, khó khăn, thậm chí là nỗi đau mà các em hoàn toàn không mong muốn. “Ngay khi bắt đầu vô công việc giảng dạy, mình rất áp lực và lo lắng. Để các em dễ tiếp thu thì bản thân mình phải nỗ lực rất lớn để tìm ra phương pháp giảng dạy khác nhau trên cùng một nội dung. Và đặc biệt phải sâu sát, nắm được tâm lý của từng em và thật sự yêu thương các em cũng như trân quý nghề nghiệp thì mới có thể truyền đạt một cách tốt nhất được”, cô Dung chia sẻ.

Vất vả là vậy nhưng bằng tình thương yêu của người cô, thậm chí là người mẹ, cô Dung đã dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để vững bước trên hành trình “gieo chữ”, trao truyền cách thức sinh hoạt, tự sắp xếp, bố trí thời gian cho những học sinh không may bị khuyết tật khi chào đời.

Cô đã nghiên cứu và tạo ra nhiều dụng cụ dạy học như bảng đa năng dạy học chữ Braille cho học sinh khiếm thị; tranh ảnh phục vụ cho học sinh khiếm thính… Nhờ những vật dụng ấy mà các em dễ hiểu bài hơn, thời gian để các em thực hành một động tác hay kỹ năng cũng ngày càng rút ngắn hơn. Cô được xem là “cây sáng kiến” thiết kế dụng cụ giảng dạy cũng như về đổi mới phương pháp giảng dạy của Trung tâm.

Nhằm giúp các em giảm bớt sự căng thẳng, giảm bớt nỗi đau của bệnh tật, của hoàn cảnh không may để tiếp thu bài vở thuận lợi, cô Dung chủ động tham mưu với lãnh đạo Trung tâm và tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em thư giãn và tạo sự gần gũi, chia sẻ giữa cô trò, “mẹ con”.

Cô giúp các em tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản đơn nhất từ những mẩu chuyện và từ chính sự nổ lực của các em. Cô luôn xem việc giúp đỡ các em bằng sự chân thành, bằng tình yêu thương vô điều kiện của một trái tim nồng ấm, nhiệt huyết cũng chính là cách giúp mình hiệu quả nhất để tương tác với các em.

Cô tăng cường giáo dục kỹ năng như sắp xếp cuộc sống hằng ngày, kỹ năng làm bếp, kỹ năng may, làm hương… Bởi việc dạy kỹ năng nghề được xem là bước chuẩn bị rất cần thiết và quan trọng để giúp cho các em vào đời khi không còn khả năng học chữ.

Nhờ đó mà các em ngày càng tự tin hơn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp với người bên ngoài. Các em chủ động chia sẻ về những mong muốn của bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình. Những lúc ấy cô Dung cảm thấy xúc động và yêu hơn những gì mình đã chọn bởi cô đã giúp những học trò nhỏ, “những đứa con” của mình vượt qua sự mặc cảm, tự ti; giúp các em biết cách nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của chính mình.

Để các em cùng cha mẹ của mình dễ tìm sự gần gũi, đồng cảm và chỉ dạy, cô Dung đã nghiên cứu, làm đĩa thống kê ngôn ngữ ký hiệu theo chủ đề cho phụ huynh tương tác với các con của mình tại nhà.

Cô đã sử dụng hết quỹ thời gian ở Trung tâm để không chỉ thực hiện công việc của một nhà giáo với học trò, mà còn được xem là của một người mẹ đối với các con bởi cô Dung biết và hiểu trong số những học trò ấy có những em mang trong mình sự thiếu vắng của tình mẫu tử thiêng liêng từ khi mới lọt lòng. Và chính cô cũng mang trong mình sự thiếu vắng tình cảm ấy khi mẹ của cô một mình nuôi con. Cũng vì lẽ đó mà những gì cô Mỹ Dung tạo ra mang đến cho các em có hoàn cảnh không may mắn càng thêm ý nghĩa.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho biết, cô Mỹ Dung là một giáo viên rất có tâm huyết và toàn tâm toàn ý với nghề. Cô rất ham học hỏi và tích cực trong các hoạt động chung. Bên cạnh đó, cô rất nhiệt tình hỗ trợ cho các phụ huynh có con em bị khuyết tật. Có thể nói, cô Dung là một trong những giáo viên nổi trội nhất của Trung tâm.

Với những cố gắng, nỗ lực, cống hiến của mình, nhiều năm qua, cô Mỹ Dung luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành tặng bằng khen như Giải thưởng nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu năm 2018; Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố năm 2020; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam…

QUỲNH LINH

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan