TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀ NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Trong hơn 90 năm qua, lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và việc kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đúng như Đại hội IX (4/2001) của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”1.
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản to lớn và quý báu của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó, nổi bật và xuyên suốt là vấn đề đảm bảo quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của quốc gia, dân tộc: Độc lập – tự do. Với Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là tư tưởng, mà còn là lẽ sống của Người. Sinh thời, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập”2.
Năm 1919, tại Hội nghị Versailles, đại diện cho Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị “Yêu sách của nhân dân An Nam”, yêu cầu chính quyền thực dân ở Đông Dương thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng tối thiểu cho nhân dân Việt Nam, song đã không được xem xét. Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình3. Theo Người, nền độc lập dân tộc chỉ có thể giành được bằng một cuộc cách mạng. Đối với Việt Nam, cuộc cách mạng chỉ có thể giành thắng lợi bằng con đường cách mạng vô sản, do Đảng Cộng sản lãnh đạo4.
Trên đường tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến nước Mỹ, tìm hiểu tinh thần của bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776; sống và làm việc ở Paris, tiếp cận giá trị nhân văn của bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 và tinh thần tiến bộ của cách mạng Pháp: Tự do – bình đẳng – bác ái. Sau này, tinh thần đó được Người khái quát thành chân lý trong “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”5.
Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân ta trong một câu nói bất hủ: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”6. Tại Lễ độc lập ngày 2/9/1945, Người cũng trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”7.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong các bức thư và điện văn gửi tới Liên hợp quốc, chính phủ các nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định tinh thần quyết tâm giữ vững nền độc lập của nhân dân ta. Người nhấn mạnh: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”8.
Chúng ta đã nhân nhượng, song thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm cai trị nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, trong đó khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”9. Toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng lòng đứng lên, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, chúng ta đã giành thắng lợi cuối cùng, với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Thực dân Pháp chưa kịp “rút chân” ra khỏi nước ta thì đế quốc Mỹ đã vội “nhảy” vào. Toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng trước thử thách lớn lao để bảo vệ nền độc lập, tự do. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”10, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Quân và dân ta ở hai miền Nam – Bắc nghe theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường chiến đấu, hy sinh, buộc đế quốc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris năm 1973, chấp nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta bước vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Trải qua những biến động của tình hình thế giới, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và nội dung quan trọng này đã được nêu rõ trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991”, đó là: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”11; sau đó, tiếp tục được khẳng định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”, đó là: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”12.
Hiện nay, đất nước ta đang trên con đường đổi mới và đã có những bước phát triển to lớn, trên tất cả các lĩnh vực. Vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”13. Để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”14; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”15; “Vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”16.
Tựu trung lại, có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và về vấn đề đảm bảo quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc nói riêng, luôn đóng vai trò to lớn đối với tiến trình cách mạng Việt Nam: “Mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”17.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 83-84.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.201.
3. Dẫn theo: Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 30.
4. Dẫn theo: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.48.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1.
6. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.196.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.3.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.522.
9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.
10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.130.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.109.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.117.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.40 – 41.
17. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003, tr.99.
Nguồn: Báo điện tử Biên phòng