Không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được tiếp thu, giải trình

Tại cuộc làm việc chiều 9/3 nghe báo cáo về tiến độ triển khai của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị công tác thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm việc lấy ý kiến nhân dân với dự án Luật rất quan trọng; và yêu cầu các cơ quan liên quan “nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, vô tư”, “gạn đục khơi trong”; tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được tiếp thu, giải trình.

Cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghe báo cáo về tiến độ triển khai của dự án luật, những vấn đề lớn trong quá trình lấy ý kiến nhân dân; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 và cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc. Đến dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội, đối với dự án luật rất quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi); qua đó tổng hợp nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện và có giá trị cao.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian từ nay cho đến khi kết thúc việc lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất ngắn, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức nỗ lực, khẩn trương hơn nữa.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ đang nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, rộng khắp. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, các giai tầng xã hội với dự án luật rất quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc rằng việc tổng hợp ý kiến nhân dân phải bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, cố gắng lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm để tổng hợp; đồng thời cần đánh giá các xu hướng, các kiến nghị, đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tránh để xảy ra tình trạng chỉ lấy ý kiến cho có, sau khi lấy ý kiến nhân dân rồi thì việc tổng hợp ý kiến nhân dân là rất quan trọng, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự án luật để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn.

“Ban hành được luật là rất tốt, nhưng luật được ban hành ra phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Tiến độ quan trọng, nhưng chất lượng quan trọng hơn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản về cuộc làm việc để các cơ quan có cơ sở làm căn cứ thực hiện. Theo tiến độ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật sẽ kết thúc vào ngày 15/3.

Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai nọ, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc chung, vì sự nghiệp chung.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc lấy ý kiến cần lựa chọn vấn đề lớn, trọng tâm để tổng hợp đánh giá. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, hoặc chưa rõ cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến kỹ lưỡng, nhất là vấn đề tài chính đất đai và giá đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để tiếp tục họp và cho ý kiến về nội dung quan trọng này.

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp về tiến độ lấy ý kiến.

* Sáng nay, các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ký Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Việc ký Quy chế nhằm phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Quy chế, Đảng đoàn Quốc hội và Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội phối hợp trong quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; phối hợp trong công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Quy chế cũng đề cập việc triển khai phối hợp công tác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn Quốc hội và Đảng ủy cơ quan đã được quy định tại các văn bản của Đảng, Quy chế làm việc của Đảng đoàn Quốc hội, Quy chế làm việc của Đảng ủy cơ quan. Chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao.

Quy chế cũng xác định cụ thể các nội dung phối hợp giữa hai cơ quan trong lãnh đạo: thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác chính trị tư tưởng; công tác tổ chức – cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận và thực hiện các nhiệm vụ công tác đặc thù, cấp bách khác do lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội giao.

Cũng theo Quy chế, Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm thông báo, trao đổi với Đảng ủy cơ quan những chủ trương, chính sách, quyết định có liên quan đến Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội để tham gia góp ý kiến và lãnh đạo tổ chức thực hiện; trao đổi với Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội những nội dung quan trọng có liên quan đến hoạt động của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Báo Nhân dân

Nguồn: Sống xanh

Bài viết liên quan