Thượng uý 9X năng động, sáng tạo, cháy hết mình

 

Tiếp xúc với Thượng úy Lê Hảo (Bộ Tư lệnh TPHCM, Quân khu 7), một điều dễ nhận thấy ở anh là người năng động, sáng tạo và luôn cháy lên một ngọn lửa nhiệt huyết. Anh đã sáng tạo ra nhiều mô hình mới thu hút giới trẻ trong quân ngũ, được các đơn vị đánh giá cao.


Thượng úy Lê Hảo (SN 1994, ở Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng đặc biệt. Ông nội Hảo là liệt sĩ Lê Văn Minh, hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Cả bên nội và bên ngoại của Hảo có đến 11 người là liệt sĩ. Bà cố nội (cụ nội) và bà cố ngoại (cụ ngoại) của Hảo đều là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Con đường vào binh nghiệp của Hảo cũng rất đặc biệt. Anh đang học năm thứ 3 tại Trường Đại học Nông lâm TPHCM, rồi nhận ra “cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn khi mặc chiếc áo xanh của anh Bộ đội Cụ Hồ”. Anh quyết định bỏ ngang, thi đậu vào Trường Sĩ quan Chính trị với vị trí á khoa.
Năm 2020, Lê Hảo tốt nghiệp thủ khoa Trường Sĩ quan Chính trị. Cả gia đình, dòng họ đều tự hào về Hảo. “Mặc dù tốt nghiệp thủ khoa, nhưng tôi không lựa chọn hay đề đạt nơi làm việc của mình mà chấp thuận mọi sự phân công của quân đội. Tôi sẵn sàng đi đến đâu quân đội cần, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là phục vụ tốt cho đất nước”, Hảo chia sẻ.
Với những đóng góp của mình, Thượng úy Lê Hảo đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, T.Ư Đoàn, Thành ủy TPHCM… Năm 2021, Thượng úy Lê Hảo được trao danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh”. Năm 2022, anh được tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân”. Mới đây, anh được đề cử là 1 trong 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022.
Lê Hảo được phân công về Trung đoàn Gia Định, một đơn vị truyền thống bậc nhất của Bộ Tư lệnh TPHCM, đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TPHCM. Lê Hảo cùng đồng đội tham gia vào tổ công tác đặc biệt giúp dân chống đại dịch thế kỷ.
“Thời điểm dịch mới bùng phát, số người tử vong tăng đột biến, tôi tham gia trong tổ công tác của bộ đội bảo quản thi hài của nạn nhân trong quá trình đưa đi hỏa táng. Đây là công việc nguy hiểm, song vì nhiệm vụ chung, anh em chúng tôi động viên nhau làm tốt nhất có thể. Quân đội đã đưa các thi hài đi hỏa táng, giao hũ tro cốt đến từng gia đình người dân”, Hảo kể.
Với kiến thức thu được trong chống dịch, Lê Hảo được đơn vị giao thêm công tác thông tin tuyên truyền. Anh đã bám trụ tại tâm dịch từ ngày đại dịch bùng phát cho tới khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Sáng tạo nhiều mô hình mới
Thượng úy Lê Hảo chính là tác giả của mô hình “Chi đoàn 3 xung kích” trong quân đội. Đây là mô hình chưa nơi nào làm. Hiện mô hình Chi đoàn 3 xung kích được ghi nhận, áp dụng ở nhiều nơi tại Quân khu 7.
“Tôi đi thực tế nhiều và thấy rằng không ít nơi, phong trào thanh niên còn khá máy móc, đi vào lối mòn. Thậm chí cuối tuần, nhiều nơi chỉ có một hoạt động, một trò chơi lặp đi lặp lại, một bài hát tuần nào cũng hát. Trong khi đó các bạn trẻ lại luôn mong muốn có sự tươi mới, hấp dẫn”, Lê Hảo chia sẻ ý tưởng ra đời mô hình Chi đoàn 3 xung kích.
Theo Thượng úy Hảo, việc sáng tạo và tổ chức thành công mô hình Thư viện điện tử trong quân đội có ý nghĩa rất lớn với quân nhân. Đây là nơi bộ đội có thể học tập, trao đổi kiến thức, tận dụng tối đa thời gian và lợi thế của internet để hoàn thiện bản thân.
Mới đây, Thượng úy Hảo đã xây dựng thành công mô hình đấu tranh trên không gian mạng, thông qua việc sử dụng công nghệ đa phương tiện, khai thác tối đa các phương tiện: Đọc, viết, nghe, nhìn… giúp các bạn trẻ trong quân ngũ tham gia bảo vệ an toàn không gian mạng, tránh những luận điệu xuyên tạc lịch sử.
“Tôi có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm giúp đỡ, động viên, tin tưởng của các cấp chỉ huy, của đồng đội. Tôi thấy trách nhiệm của mình là phải phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa để ngày càng phục vụ tốt cho quân đội và đất nước” – Thượng úy Lê Hảo nói thêm.

NGUYỄN ANH

Bài viết liên quan