NGỜI SÁNG PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” TỪ THỔ NHĨ KỲ

 

Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nhiều kết quả và tạo được niềm tin yêu của người dân nơi đây. Đó là nhờ vào bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và vinh dự thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của các anh. Bởi chỉ có như vậy, các anh mới dũng cảm đối mặt với rui ro, nguy hiểm giữa hàng trăm ngôi nhà nứt, nghiêng hay chui vào các khe khối bê tông có thể đổ sập bất cứ lúc nào nếu xảy ra các dư chấn hay rung lắc.

“Báo cáo đồng chí đội trưởng, tổ công binh 2 đã hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Kết quả: tìm kiếm và đưa được 2 nạn nhân ra ngoài, toàn đội an toàn, vật chất trang bị khí tài đầy đủ, hết”.

“Đồng chí triển khai toàn đội, đưa trang bị xuống, kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật, tối nay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí rõ chưa?”

“Rõ”.

Đó là báo cáo của Thiếu tá Trần Thế Thành, Đội phó, Đội công binh ứng phó sập đổ công trình, Quân đội nhân dân Việt Nam sau mỗi ngày làm việc giúp người dân Antakya, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm người mất tích trong các đống đổ nát và thu dọn đồ đạc trong những ngôi nhà cao tầng nứt, nghiêng luôn rình rập sụp đổ. Nguy hiểm hơn khi vẫn còn hàng nghìn cơn dư chấn sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và tại Antakya, Hatay – nơi đoàn cứu hộ của ta đang thực hiện nhiệm vụ ở đây nói riêng. Nhưng những chiến sĩ công binh tuổi mới đôi mươi, được đào tạo tinh nhuệ, có bản lĩnh vững vàng đã không ngại hiểm nguy để thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả.

Trung úy Lê Đức Thắng, Đội công binh ứng phó sập đổ công trình, Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Đây là trách nhiệm quốc tế, với tình hữu nghị của 2 nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi quyết tâm, coi những nạn nhân nằm ở đây là đồng bào, là người thân của mình và sẵn sàng hy sinh để cứu người, cứu tài sản của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là bản lĩnh và sứ mệnh của Lực lượng Công binh”.

Đúng là những chiến sĩ đầy bản lĩnh khi họ đi giữa những con phố hẹp mà hai bên là các ngôi nhà cao từ 4 đến 5 tầng nghiêng ngả trực chờ đổ sụp xuống lúc nào không hay, rồi chui vào những khe hẹp để cứu người mà phía trên là những tấm bê tông lớn hàng tấn nứt gãy. Mỗi giây, mỗi phút các chiến sĩ của ta thực hiện nhiệm vụ như thế là ngần ấy thời gian các anh phải đối mặt với rủi ro. Nhưng tinh thần đoàn kết của toàn Đoàn và sự động viên, kích lệ mạnh mẽ từ gia đình, vợ, con là động lực để các anh nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Thượng úy Phạm Nhuận, Đội công binh ứng phó sập đổ công trình, Quân đội nhân dân Việt Nam tâm sự: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ này. Vợ tôi mới sinh cháu, đó là động lực để tôi hoàn thành các nhiệm vụ. Gia đình cứ yên tâm, bên này các anh em đều khỏe mạnh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm an toàn về với gia đình”.

Đã nhiều năm tham gia cứu hộ cứu nạn từ lũ quét, sạt lở ở nhiều nơi trên cả nước hay như sự cố Rào Trăng 3 và thậm chí đã chứng kiến nhiều vụ động đất trên thế giới, nhưng với Thượng úy Trần Thế Thành, Đội phó Đội công binh ứng phó sập đổ công trình, Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là lần đầu tiên trong đời anh thực hiện nhiệm vụ ở xa Tổ quốc, tận mắt chứng kiến thảm hỏa của động đất mới thấy sự kinh hoàng và tổn thất ghê gớm như thế nào. Nhưng trước những nỗi buồn và hy vọng tìm thấy người còn sống sót trong các đống đổ nát, anh và toàn Đoàn cùng đội công binh đã không quản ngại gian nan.

Thiếu tá Trần Thế Thành, Đội phó Đội công binh ứng phó sập đổ công trình, Quân đội nhân dân Việt Nam nói: “Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dư chấn vẫn còn, rủi ro vẫn có, chúng tôi trước tiên xác định an toàn cho bản thân, sau đó tính tới các phương án triển khai lực lượng và phương tiện. Mức độ xảy ra nguy hiểm khi làm nhiệm vụ vẫn rình rập nhưng đồng đội và chỉ huy vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh công tác đảm bảo an toàn”.

Với tinh thần quả cảm đó, Đoàn đã đạt những kết quả tích cực. Chỉ trong 5 ngày qua, Đoàn đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ xác định được 12 vị trí có nạn nhân trong các đống đổ nát, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống. Kết quả đó không chỉ được người dân địa phương trong nước tin tưởng, quý mến mà còn được các lực lượng cứu hộ quốc tế đang làm nhiệm vụ tại đây đánh giá cao. Đó cũng nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt và bám sát thực địa cùng anh em chiến sĩ của trưởng đoàn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Tổng Chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết: “Quy định quốc tế là phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn đủ điều kiện. Mặc dù là quán triệt như thế nhưng mà với khát khao, tinh thần trách nhiệm xuất phát từ trái tim của người lính, của dân tộc ta, Bộ đội Công binh và các lực lượng trong đoàn công tác luôn luôn sẵn sàng, kể cả có những lúc hiểm nguy. Tìm kiếm nạn nhân, người thân cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ chính là tìm kiếm người thân của mình”.

Chính vì thế ở đâu có lực lượng cứu hộ cứu nạn của ta là ở đó mọi ánh mắt, niềm vui và hy vọng của người dân Antakya hướng đến. Ở đâu cần các anh có. Ở đâu khó có các anh. Mỗi khi cờ đỏ sao vàng được cắm xuống là ở đó các anh đã xác định được có nạn nhân. Đó cũng là lúc mà người dân nơi đây như vỡ òa trong hạnh phúc. Các anh đang làm rạng danh hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế và tô thắm lá cờ “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh trong giai đoạn mới.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo
Nguồn: Sống xanh

Bài viết liên quan