Viết lại cái kết cho Cổ tích

10 năm trước, có một người trẻ đã ấp ủ ước mơ được viết lại những cái kết đẹp hơn, nhân văn hơn cho những câu chuyện cổ tích vốn rất quen thuộc với các bạn nhỏ như Trí khôn của ta đây, Tấm Cám, Ăn khế trả vàng, Sơn Tinh Thủy Tinh…

Viết lại cái kết cho Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh... - Ảnh 1.

Anh Lương Ngọc Đức tại Tuần lễ sách năm 2020 do Trường tiểu học Vinschool (Hà Nội) tổ chức – Ảnh: NVCC

Giờ đây, những quyển sách ấy đã dần thành hình, và dự kiến sẽ được xuất bản trong năm 2022.

Đội ngũ thực hiện dự án viết lại cái kết cho những câu chuyện cổ tích đều là những người trẻ. Để đặt bút viết nên một câu chuyện, anh Đức cùng các cộng sự có lúc đã dành đến 5 năm cho việc tìm hiểu, chuẩn bị nội dung, và là sự kết hợp của nhiều yếu tố như lịch sử, trí tưởng tượng, giải trí…

Người lớn cần nuôi dưỡng sự nhân văn và tử tế ở trẻ nhỏ bằng việc trao cho trẻ tình yêu vô điều kiện. Khi được nuôi dưỡng bởi những người bố, người mẹ hạnh phúc, trẻ sẽ lớn lên trong niềm hạnh phúc.

Anh Lương Ngọc Đức

Xóa đi những định kiến

“Định kiến khiến cuộc sống của chúng ta mất đi rất nhiều lựa chọn và cũng dễ làm con người thêm xa cách. Chúng ta thường bắt gặp rất nhiều định kiến trong các câu chuyện cổ tích, ví dụ như muốn có hạnh phúc thì phải trở thành công chúa, hoàng tử, phò mã, nhà vua. Người nghèo là người tốt được Bụt thương, còn người giàu là người tham lam xấu xa, hay người xấu sẽ bị trừng phạt tới mức không bao giờ có một cơ hội được sửa sai”, anh Lương Ngọc Đức – người sáng lập dự án viết lại cái kết cho những câu chuyện cổ tích – chia sẻ.

Theo anh, những câu chuyện là những hạt giống được gieo vào tâm hồn của một đứa trẻ. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện cổ tích hiện nay lại mang màu sắc khôn lỏi, bạo lực, thù hận và không an toàn cho trẻ thơ.

Với mong muốn được tự tay tạo ra những kết cục đẹp, nhân văn hơn cho các câu chuyện cổ tích, “thách thức” những định kiến cũ kỹ, anh Đức đã dành nhiều năm để tìm hiểu kỹ càng nội dung từng câu chuyện, sau đó lựa chọn những tình tiết mới phù hợp hơn để sáng tạo thêm. Hầu hết các tác phẩm do anh viết đều được thể hiện dưới hình thức truyện tranh, không chỉ để gần gũi hơn với trẻ, mà còn góp phần thể hiện được tinh thần và sự thú vị của văn hóa Việt.

Đơn cử, với truyện Trí khôn của ta đây, trong cái kết do anh Đức viết lại, nhân vật người nông dân sau khi lừa đốt cháy được cọp đã quay về làng và bị Già làng khiển trách vì hành động nhẫn tâm với chú cọp. Sau đó, mọi người trong làng đã tỏa nhau ra đi tìm cọp về chăm sóc vết thương.

Khi đến xin lỗi cọp, Già làng gửi đi thông điệp: “Trí khôn của con người là ở chỗ biết nhận ra những lỗi lầm của mình và có đủ dũng cảm để sửa sai. Trí khôn của con người là ở trái tim biết phân biệt phải trái và biết thương yêu”.

Trong khi đó, chú trâu trong câu chuyện, sau khi nhận ra mình không nên cười cợt trên nỗi đau của cọp khi bị đốt, cũng đã đến xin lỗi cọp và cả hai trở thành những người bạn thân thiết từ đó về sau.

“Tôi mong rằng qua những câu chuyện được viết lại, mọi người sẽ có những góc nhìn và lựa chọn mới cho bản thân mình. Sách dành cho trẻ em từ 6 – 10 tuổi, nhưng mỗi câu chuyện đều mang những ý nghĩa sâu xa cho trẻ ở mọi độ tuổi và kể cả người lớn”, anh cho biết.

Niềm vui từ những điều giản dị

Từng được biết đến qua dự án “Lì xì hạt giống” khuyến khích mọi người gieo hạt đầu xuân như là một lựa chọn khác cho truyền thống lì xì bằng tiền, hành trình của Lương Ngọc Đức đều chỉ hướng về việc trao cho cộng đồng nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống, gieo mầm tử tế, nhân văn và tình yêu thương. Trong đó, những câu chuyện cổ tích được viết lại cũng không nằm ngoài mục tiêu này.
Trích đoạn: Báo Tuổi trẻ

Bài viết liên quan