Bác Hồ với xứ Quảng kiên trung
Bác Hồ với xứ Quảng kiên trung
08:53, 19/05/2022 (GMT+7)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt cho miền Nam gian khổ đi trước về sau, đau thương mà anh dũng. Những ngày cuối đời mình, Bác vẫn hằng mong vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.
Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 5-3-1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong thời gian 4 năm Bác Hồ viết Di chúc (10-5-1965 đến ngày 10-5-1969), không một ngày nào Bác không nghĩ đến miền Nam, trong đó có mảnh đất xứ Quảng “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Vào dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của Người, sinh nhật mà Bác bắt đầu đặt bút viết những dòng Di chúc đầu tiên để lại cho thế hệ mai sau, một buổi sáng ngày 19-5-1965, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác – dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, ra vườn hái một đóa hoa nhỏ, bước đến phòng Bác để chúc thọ Bác. Bác mỉm cười, đưa cả hai tay đón lấy bó hoa từ đồng chí Vũ Kỳ, niềm xúc động hiện lên nét mặt hiền từ của Bác. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo với Bác những nét chính tình hình chiến sự miền Nam. Tin cho biết: ở Đà Nẵng, bọn chỉ huy lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ căn cứ không quân Đà Nẵng đang ngày đêm lo sợ cuộc tấn công của Quân giải phóng, nhất là sau chiến thắng lớn của Quân giải phóng từ phòng tuyến sông Bé. Bọn Mỹ đang nghĩ đến một Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng[1].
Thiếu tướng Mỹ M.Ca-sơ, Chỉ huy lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 9 được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Đà Nẵng đã thú nhận rằng quân của họ sẽ không ngăn chặn được những cuộc tiến công bằng súng cối của Quân giải phóng từ các làng gần đó hoặc từ một nơi kín đáo nào đó ở ngay trong thành phố vào căn cứ Đà Nẵng.
Trong dịp sinh nhật lần thứ 79, đúng ngày 19-5-1969, Bác cho gọi chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và chị Nguyễn Thị Châu, người con gái bất khuất của miền Nam, cùng vào ăn cơm với Bác. Trước khi gặp hai cô gái miền Nam, Bác hỏi đồng chí thư ký riêng: “Cháu Trỗi hy sinh cách đây đã gần 5 năm rồi đấy chú nhỉ?”.
Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác: “Anh Trỗi hy sinh ngày 15 tháng 10 năm 1964, đến nay đã gần 5 năm”. Bác trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Cháu phải làm cách nào để cháu Quyên bớt buồn. Bác còn dặn đồng chí Vũ Kỳ nói với đồng chí Cần nấu món ăn theo kiểu Nam Bộ để hai cháu miền Nam ăn cho ngon miệng”[2].
Bữa cơm trưa hôm đó, ngày 19 tháng 5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ đã diễn ra thật ấm cúng. Bác ngồi ở đầu bàn, Phan Thị Quyên ngồi bên trái Bác, cạnh đồng chí Vũ Kỳ, Nguyễn Thị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thế là gồm đủ ba thế hệ, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hôm ấy, Bác ăn ngon miệng, được hơn hai lưng bát, vừa ăn vừa nói chuyện rất vui.
Theo đồng chí Vỹ Kỳ kể, trong thời gian Bác điều trị bệnh, có một hôm Bác tỏ ra rất buồn. Không ai biết duyên cớ vì sao. Sau này, Bác thổ lộ với các bác sĩ chăm sóc sức khỏe Bác là chính lúc đó Bác đang suy nghĩ đến những chiến sĩ biệt động bị bọn địch tra tấn ở Đà Nẵng. Chúng chặt chân, cưa tay các chiến sĩ ta. Bác nhớ lần gặp chị Huỳnh Thị Kiền, người con gái Điện Ngọc – nơi có bảy dũng sĩ diệt Mỹ lừng danh. Kiền kể cho Bác Hồ nghe lần chị bị địch bắt hồi cuối năm 1967. Chúng đưa chị về nhà lao tỉnh tra tấn hết sức dã man. Kiền một mực không khai dù bị bọn chúng đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi nhục hình. Chúng đem Kiền ra chặt bớt một chân để “con nhỏ này không còn hoạt động cách mạng, không còn thờ phụng Ông Hồ” nữa. Huỳnh Thị Kiền đã thưa với Bác: “Thưa Bác, cháu cũng như các bạn cháu ở miền Nam cứ nghĩ rằng, trong chiến đấu, dù bị cụt hết chân tay, mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng được nhìn thấy Bác thì thật là vui và hạnh phúc”[3].
Theo nhà báo Đinh Chương, tờ báo Nhân dân số ra ngày 17-5-1969 – tờ báo đặt trên cùng của một chồng báo mà Bác đã đọc, trên trang nhất có đăng tin chiến thắng ở quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, với những dòng chữ in đậm nét. Bản tin nêu rõ: “Theo Thông tấn xã Giải phóng, đêm 11 rạng ngày 12 tháng 5, Quân giải phóng Nam Quảng Nam tiến công mãnh liệt vào hàng loạt nơi đóng quân của Mỹ – ngụy ở Núi Quế, Núi Ngang, Gò Gai, Dương Bồ, khu vực Tiên Phước… Quân giải phóng đã diệt và bắt gần một nghìn tên địch (có hơn 720 tên Mỹ), diệt gọn hai sở chỉ huy tiểu đoàn bảo an, một chi đoàn xe bọc thép ngụy, bắn rơi 16 máy bay, bắn cháy 29 xe bọc thép, thu 100 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự”[4].
Trong những giờ phút cuối cùng của đời mình, Bác Hồ vẫn giữ trong lòng hình ảnh miền Nam kiên cường bất khuất, trong đó có dấu ấn sâu đậm của xứ Quảng kiên trung.
VÕ HÀ
[1] Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng (2021), Học theo Bác từ những điều bình dị, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 98.
[2] [3] Học theo Bác từ những điều bình dị, đã dẫn, trang 99.
-
[4] Báo Quảng Nam – Đà Nẵng, số 1051, ngày 2-9-1989.