SEA Games 31: Hoàng Quý Phước với giấc mơ giành Huy chương vàng trên quê nhà
Sau Nguyễn Hữu Việt, Hoàng Quý Phước là tuyển thủ thứ hai giành HCV cho Đội tuyển bơi Việt Nam kể từ ngày chúng ta hội nhập lại đấu trường SEA Games. Hơn 10 năm đã trôi qua, Quý Phước vẫn chưa nguôi khát khao thêm một lần đứng trên bục cao nhất của đại hội.
Hoàng Quý Phước đang nỗ lực tập luyện để đạt thành tích cao nhất tại SEA Games 31. Ảnh: N.K |
Ngày 13-11-2011, tại SEA Games 26 cũng là ngày thi thứ hai của môn bơi, Hoàng Quý Phước bước vào tranh tài nội dung 100m bướm. Trước khi thi đấu, ngay bản thân Hoàng Quý Phước và ban huấn luyện của Đội tuyển bơi Việt Nam cũng không tự tin Phước sẽ làm nên điều kỳ diệu, vì trước đó tay bơi trẻ Joseph Schooling (Singapore) và Gleen (Indonesia) đã có sự thể hiện quá tốt ở nội dung 50m bướm.
Sau lệnh xuất phát, Quý Phước đã lao xuống nước với tốc độ của một quả ngư lôi và bứt như tên bắn về phía trước, rồi liên tục dẫn đầu trong sự đeo bám quyết liệt của hai đối thủ. Với thành tích 53”07, Hoàng Quý Phước đã phá khá sâu kỷ lục SEA Games 53”82 và kỷ lục quốc gia 53”56, đồng thời giúp anh giành chiếc HCV. Năm ấy, VĐV 18 tuổi này đã trở thành tâm điểm của đoàn thể thao Việt Nam, bởi thực tế chiếc HCV giành được ở môn bơi cực kỳ quý hiếm, chưa kể chiếc HCV đầu tiên Quý Phước giành được còn phá cả kỷ lục SEA Games.
Được phát hiện ở một giải bơi phong trào cấp địa phương, Hoàng Quý Phước được tập trung bồi dưỡng ngay từ khi mới 11 tuổi. Sở hữu thể hình lý tưởng của một VĐV bơi lội, Phước dường như sinh ra chỉ để chinh phục đường đua xanh, giờ đây Hoàng Quý Phước đã có đến 15 năm nằm trong đội tuyển quốc gia.
Sinh năm 1993, Quý Phước đã là người anh cả của Đội tuyển bơi Việt Nam hiện tại và đang miệt mài tập luyện. Phần là để cải thiện bản thân, phần là để làm gương thúc đẩy những bạn trẻ tập luyện. “Mình đã không còn trẻ nữa, bởi tuổi tác ngày càng đè nặng và phong độ không còn như xưa, nên càng phải cố gắng để theo kịp các em trẻ. Ngày xưa, một ngày bơi hơn chục cây số chẳng ăn thua, nhưng giờ đã khác, nhất là khi những chấn thương vai và lưng theo thời gian càng lúc càng làm những chuyển động của cơ thể không như ý muốn. Các VĐV bơi như mình thường gặp phải chấn thương này, ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ, nên luôn phải nỗ lực”, Quý Phước chia sẻ.
Thực tế, ngoài Hoàng Quý Phước, ở nội dung bơi bướm và bơi tự do ngắn nam không có VĐV nào đủ khả năng cạnh tranh HCV. Một phần bởi cái bóng quá lớn của Joseph Schooling (Singapore) và ngay cả khi nhà vô địch Olympic Rio không có được phong độ cao thì đoàn Singapore vẫn còn đó Quah Zheng Wen thi đấu bền bỉ khi anh giành tới 6 HCV.
Ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển bơi của chúng ta đều đứng vị trí thứ 2 toàn đoàn. Đó được xem là thành công lớn của những kình ngư Việt Nam bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất, Đội tuyển bơi Singapore vẫn quá mạnh so với phần còn lại của Đông Nam Á. Thứ hai, sau khi để mất ngôi vị Á quân vào tay Việt Nam, những quốc gia khác như: Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều đầu tư rất mạnh những năm gần đây. Chính vì vậy, để mơ về tấm huy chương vàng SEA Games tại quê nhà, Quý Phước chắc chắn cần phải nỗ lực hơn nữa. Sẽ cần một sự bứt phá ngoạn mục cho lần tham dự đại hội thể thao khu vực cuối cùng của mình.
Hiện tại, Quý Phước cùng 8 VĐV khác của Đội tuyển bơi Việt Nam đang tập huấn tại Hungary. Các tuyển thủ bơi Việt Nam đã tham dự giải bơi BVSC Cup mùa Xuân 2022 và được thử sức ở nhiều nội dung bơi với mục đích kiểm tra thành tích để hoàn thiện ý đồ chiến thuật của ban huấn luyện cho những màn tranh tài ở SEA Games 31 vào tháng 5 tới.
NAM KHANG