Quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quý 1-2022, thành phố quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 theo chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong quý 1-2022, thành phố triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nhờ vậy một số ngành, lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt. TRONG ẢNH: Một góc Đà Nẵng hiện đại, hấp dẫn nhìn từ bờ tây sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN |
Một số ngành kinh tế tăng trưởng, phục hồi tốt
Ngay từ đầu năm 2022, bên cạnh triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thành phố tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới; tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2022.
Nhờ đó, các hoạt động kinh tế – xã hội đang dần khôi phục và tăng trưởng khá trên một số lĩnh vực. Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc quý 1-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021; ước đến cuối quý 1-2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt 790 tỷ đồng/5.963 tỷ đồng, đạt 13,2% kế hoạch Trung ương giao và đạt 790 tỷ đồng/7.880,7 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch do HĐND thành phố giao.
Cùng với đó, bằng sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, thành phố tổ chức khánh thành, thi công một số công trình trọng điểm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra và đặt mục tiêu sớm hoàn thành công trình Nhà máy nước Hòa Liên… Nhiều dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ như: tuyến đường vành đai phía tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn, Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành…
Đáng chú ý, hoạt động du lịch đã trở lại sôi động với hàng loạt sự kiện được tổ chức đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo Sở Du lịch, tính đến tháng 3-2022, đã có khoảng 800 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ gần 50%); lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3 đạt hơn 109.000 lượt, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; lượng khách do các đơn vị lữ hành phục vụ đạt 3.800 lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 3 đạt 1.084,4 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước.
Đặc biệt, với chính sách thu hút hiệu quả khách MICE, Đà Nẵng đã đón 4.241 khách du lịch MICE, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Công suất buồng, phòng bình quân vào dịp cuối tuần tại một số khách sạn ven biển đạt 50-60%. Một số khu, điểm du lịch, khách sạn đã thu hút khách trở lại tương đương với thời điểm năm 2019 khi chưa có dịch bệnh như: Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 28.000 lượt khách; khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 30.000 lượt khách.
Nhiều dự án đầu tư mới
Trong quý 1, công tác thu hút đầu tư khởi sắc với việc thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 3.358,6 tỷ đồng, cấp mới 8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,908 triệu USD, có 5 lượt dự án FDI tăng vốn với vốn tăng thêm 1,487 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 350 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 131.400 tỷ đồng; 378 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư 28.624 tỷ đồng và 919 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 3,929 tỷ USD. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.128 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 7.594 tỷ đồng; tăng 4,1% về số doanh nghiệp và giảm 0,46% về vốn so với cùng kỳ 2021. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 59,7% so với cùng kỳ 2021 (tương đương 1.228 doanh nghiệp). Lũy kế đến 31-3, trên địa bàn thành phố có 33.884 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 230.142 tỷ đồng.
Kết quả thu ngân sách 3 tháng đầu năm cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từng bước phục hồi. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: MAI QUẾ |
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố quý 1 là 7.241,8 tỷ đồng, đạt 36,93% dự toán. Trong đó, thu nội địa 5.749 tỷ đồng, đạt 38,05% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu là 1.492,3 tỷ đồng, đạt 33,16% dự toán; thu huy động đóng góp là 204 triệu đồng và thu viện trợ là 320 triệu đồng. Theo Sở Tài chính, trên cơ sở số thu 3 tháng đầu năm có thể đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từng bước phục hồi, thu ngân sách bảo đảm tiến độ dự toán giao.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thời gian đến sở tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương tập trung khôi phục sớm và hiệu quả các hoạt động du lịch. Đồng thời, sở cũng định hướng các doanh nghiệp làm mới các sản phẩm hiện có phù hợp với xu hướng, thị hiếu khách bằng nhiều hình thức, ý tưởng sáng tạo. Dự kiến tới đây, ngành du lịch tổ chức nhiều sự kiện quy mô, hấp dẫn, đặc sắc để thu hút khách như: Cuộc thi IRONMAN 70.3, Sunrise SPRINT và IRONKIDS Việt Nam 2022 vào tháng 5; lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2022”, sự kiện “Đường chạy sắc màu” vào tháng 6; giải đua thuyền buồm trên sông Hàn vào tháng 8… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nâng cấp và đầu tư thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội mới, lạ, đặc sắc tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Thị Thanh Tâm, sở tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm, quan trọng, có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố; các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, trọng điểm, có ý nghĩa vùng, liên vùng như: dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng, Tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan (đoạn Hòa Liên – Túy Loan), nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B (đoạn còn lại qua địa phận Đà Nẵng), dự án mở rộng Cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2)… và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Sở cũng tập trung công tác thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các hạ tầng kỹ thuật hiện đại về công nghệ thông tin. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng, sớm triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Ninh), cụm công nghiệp mới (Hòa Nhơn, Cẩm Lệ giai đoạn 2, sản xuất vật liệu xây dựng, làng đá mỹ nghệ) theo quy hoạch, trong đó đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, khẩn trương triển khai đầu tư cụm công nghiệp Hòa Nhơn.
Đối với công tác thu ngân sách, trên cơ sở kết quả thu ngân sách trong quý 1, Cục Thuế thành phố dự báo khả năng thu ngân sách Nhà nước theo từng nguồn thu, sắc thuế như thu số thuế phát sinh, thu nợ thuế, thu qua thanh tra, kiểm tra và thu theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… Qua đó, thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách như cải cách hành chính, hỗ trợ người nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin…
Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội
Trong quý 1-2022, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là điều trị tại nhà và việc cấp giấy chứng nhận sau điều trị trong tình hình mới. Tập trung công tác rà soát, quản lý các đối tượng chưa tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2, các đối tượng có nguy cơ cao để tổ chức tiêm sớm; xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố; tổ chức phân loại, hướng dẫn cách ly, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thiết lập hệ thống điều trị Covid-19 tại đơn vị. Thành phố tổ chức quyết liệt Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022. Đến nay tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3/tổng số người đã tiêm vắc-xin mũi 2 đạt gần 77%. Nhờ đó, thành phố đã qua đỉnh dịch, số ca mắc mới giảm mạnh, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch thấp. Các ngành, địa phương đã chủ động lập, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ gắn liền với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bảo đảm phù hợp với mục tiêu, chủ trương bình thường mới và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và căn cứ các nghị quyết, quyết định của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND và UBND thành phố triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Trong đó đã tham mưu triển khai đầy đủ các chính sách của Trung ương ngoài ra tham mưu triển khai nhiều chính sách đặc thù của thành phố. Sở tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai đầy đủ 12 chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg. Kết quả đến ngày 31-3-2022 đã thực hiện hỗ trợ với số tiền hơn 268 tỷ đồng. Riêng hỗ trợ đối tượng theo khoản 21, Điều 1, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg (đến ngày 31-3-2022) là 9.254 hộ, với số tiền hơn 27,9 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 28/2021/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn thành phố với tổng số tiền 549,81 tỷ đồng và giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động 28,51 tỷ đồng. Sở tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai các chính sách đặc thù riêng của thành phố để hỗ trợ cho 16 nhóm đối tượng người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng và hỗ trợ cho các đối tượng khác với số tiền hàng tỷ đồng. Trong quý 1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã kịp thời ban hành các hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ và Sở GD-ĐT. Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống Covid-19 tại địa phương; chuyển đổi linh hoạt các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp. P.CHI |
HOÀNG LINH – MAI QUẾ