Cao Lãnh được Unesco công nhận là thành phố học tập
CAO LÃNH ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ THÀNH PHỐ HỌC TẬP
Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã giới thiệu nhiều phần mềm sáng tạo và tổ chức các hội thảo, hội nghị, cuộc họp liên quan đến giáo dục và đọc sách.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, mới đây Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố 77 thành phố thuộc 44 quốc gia được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (GNLC).
Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực đặc biệt của các địa phương này, nhằm biến ước mơ học tập suốt đời trở thành hiện thực cho tất cả mọi người. Thành phố Cao Lãnh của Việt Nam đã lọt vào danh sách năm nay.
Thành phố Cao Lãnh, thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, đã được UNESCO công nhận là thành phố học tập. Thông tin này đã được UNESCO công bố ngày 2/9, theo đó, 77 thành phố thuộc 44 quốc gia đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm nay, nâng tổng số lên 294 thành phố ở 76 quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng của họ.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, giải thưởng được trao lần đầu tiên vào năm 2015, vinh danh hai năm một lần.
Ngoài Cao Lãnh, Việt Nam còn có 4 thành phố học tập khác là Hải Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Sa Đéc và Vinh (2020).
Để thích ứng với những thách thức mới và duy trì văn hóa đọc tốt đẹp, thành phố Cao Lãnh đã giới thiệu nhiều phần mềm sáng tạo và tổ chức các hội thảo, hội nghị, cuộc họp liên quan đến giáo dục và đọc sách.
Đồng thời, địa phương này còn tích cực phát huy vai trò của hội sinh viên, thanh niên các cấp để tập hợp, đoàn kết, xây dựng thế hệ người Việt Nam đam mê học tập, kinh doanh, khoa học công nghệ, ham đổi mới, góp phần vào sự phát triển của giáo dục.
Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh: “Với hơn một nửa nhân loại sống ở các khu vực đô thị, các thành phố có khả năng thúc đẩy các chính sách học tập suốt đời bằng cách thực hiện và hỗ trợ các sáng kiến của địa phương, mang lại sự thay đổi từ dưới lên.”
Bà cũng cho biết: “Các thành phố học tập được ghi danh năm nay đều được đánh giá cao về điều này và cam kết biến quyền được giáo dục thành hiện thực cho mọi người ở mọi lứa tuổi.”
Các thành phố muốn gia nhập Mạng lưới học tập toàn cầu phải được Ủy ban UNESCO của các quốc gia có liên quan đề cử và được xem xét bởi một Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia.
Cam kết từ lãnh đạo và chính quyền thành phố chú trọng việc học tập suốt đời, cũng như hồ sơ thành tích về thực hiện tốt các sáng kiến, chính sách giáo dục và học tập là những điều kiện tiên quyết để trở thành một thành viên của Mạng lưới.
Ngoài ra các thành phố này còn phải duy trì được sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và văn hóa, huy động được sự tham gia của nhiều đối tác đại diện cho khu vực công, xã hội dân sự và doanh nghiệp, huy động hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy học tập có chất lượng từ giáo dục cơ sở đến giáo dục đại học, duy trì tốt việc học tập trong gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tại nơi làm việc, đồng thời ứng dụng rộng rãi công nghệ học tập hiện đại.
Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO có sứ mệnh hỗ trợ và thúc đẩy thực hành học tập suốt đời ở các thành phố trên thế giới bằng cách khuyến khích đối thoại chính sách và học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên, tạo liên kết, thúc đẩy quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và phát triển các công cụ khuyến khích và công nhận sự tiến bộ trong giáo dục.
Theo TTXVN