Tiếng Việt và cốt cách dân tộc
- TIẾNG VIỆT VÀ CỐT CÁCH DÂN TỘC
Ngày 2-9-1945, khi đang đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng dừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh đáp lại như sấm rền: “Rõ!”.
Mỗi người Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được học lịch sử về ngày Quốc khánh-ngày Tết Độc lập 2-9, được đọc về chi tiết này. Càng trưởng thành, chúng ta càng xúc động, càng thấm thía câu hỏi mộc mạc mà rất sâu sắc của Bác Hồ và lời đáp ngắn gọn, đầy hào khí của đông đảo đồng bào.
Đó là thông điệp của những người con của dân tộc Việt Nam, dân tộc đã chịu hơn 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đã đập tan xiềng xích nô lệ để nói lên tiếng nói của dân tộc mình, khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền của mình.
Và sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập mấy ngày, trưa 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời, bắt đầu buổi phát thanh đầu tiên bằng câu: “Đây là tiếng nói Việt Nam…”, trở thành câu nói kinh điển đầu mỗi buổi phát sóng của đài đến tận bây giờ. Thời Pháp thuộc, các trường học tại Việt Nam phải giảng dạy bằng tiếng Pháp, dạy văn hóa Pháp, lịch sử nước Pháp, sau khi nước nhà độc lập, các thầy, cô giáo đã tự hào được dạy học bằng tiếng Việt, dạy văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam.
Nhắc lại những câu chuyện này để thấy rằng, dân tộc Việt Nam có được tiếng nói của mình trên thế giới đã phải trải qua hàng nghìn năm lịch sử với bao thăng trầm, với sự nỗ lực, hy sinh của bao thế hệ, đổ máu, đổ mồ hôi và nước mắt.
Thế mà ngày nay, trong đời sống, có không ít những hành động vô tình khiến mỗi chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ. Đó là có gia đình từ lúc con còn nói chưa sõi tiếng Việt-là tiếng mẹ đẻ-mà đã được bố mẹ ráo riết cho học tiếng Anh.
Ở nhiều trường mầm non chất lượng cao, tiếng Anh được đưa vào chương trình giáo dục với thầy, cô giáo ngoại quốc. Có gia đình còn tự hào khoe con nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt, thậm chí giao tiếp hằng ngày với con cũng bằng tiếng Anh để con có phản xạ ngôn ngữ tiếng Anh tốt.
Không ít người coi việc con mình có điểm tiếng Anh cao theo các chuẩn: TOEFL, IELTS, TOEIC, ITP như một kỳ tích, một sự bảo đảm tương lai của con, một vinh dự của gia đình… Còn lỡ trẻ học Ngữ văn, học tiếng Việt kém thì nhiều bố mẹ cũng chỉ cười xòa. Trong đời sống hằng ngày, nhiều bạn trẻ sính đệm tiếng Anh trong trao đổi cả bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, với nào là: “Anh order bàn chưa?”, “Bạn book vé chưa?”… đến nực cười.
Nếu những hành động tưởng chừng vô hại nêu trên diễn ra một cách tràn lan, thiếu kiểm soát thì sẽ dần dần làm xói mòn tiếng Việt, làm tổn hại đến ý thức sử dụng tiếng Việt của chính người Việt Nam.
Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia. Để bảo đảm hội nhập được thì khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, sử dụng ngôn ngữ quốc tế chỉ là công cụ chứ không phải là mục đích.
Từ việc thay đổi thói quen sử dụng ngôn ngữ hằng ngày có thể dẫn tới những thay đổi về cách nghĩ, về lối sống, rồi dần sẽ dẫn tới những thay đổi về văn hóa xã hội. Chúng ta đã nói nhiều về mối nguy hại của xâm lăng văn hóa, nó làm cho một dân tộc, một quốc gia có thể đánh mất chủ quyền, đánh mất mình ngay cả khi chưa có tiếng súng của giặc ngoại xâm.
Trong những nguy cơ của xâm lăng văn hóa thì có lẽ xâm lăng về ngôn ngữ là thứ xâm lăng nguy hại nhất. Do đó, trước hết mỗi người Việt Nam cần phải có ý thức về việc này, đồng thời, các nhà quản lý cần phải suy tính những biện pháp quản lý thích hợp.
Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn thì chỉ giàu có về của cải và mạnh về quân sự là chưa đủ. Dân tộc, quốc gia muốn trường tồn dứt khoát phải gìn giữ được cốt cách của dân tộc, của quốc gia, mà trước hết là cốt cách văn hóa, ngôn ngữ.
Gìn giữ được cốt cách văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thì mỗi người trong dân tộc đó mới tự hào về truyền thống, về văn hóa của dân tộc mình, từ đó sẽ thêm yêu nước, yêu dân tộc, sẵn sàng làm việc cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
-:- Báo QĐND -:-