Nhiều giải pháp giảm nghèo cho người dân
NHIỀU GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Sau khi có Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, các cấp ủy, chính quyền trong vùng đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp. Trong đó, công tác giảm nghèo bền vững được chú trọng và đạt kết quả tích cực.
Nâng cao thu nhập người dân
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Từ khi có Nghị quyết số 54-NQ/TW công tác giảm nghèo bền vững, được các cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều mô hình mới, cách làm hay.
Hà Nam nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhưng do địa hình “chiêm trũng”, sản xuất gặp khó khăn, thu nhập thấp cho nên dù nằm sát Thủ đô, tỉnh vẫn phải nhận trợ cấp từ Trung ương. Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng bộ tỉnh Hà Nam mạnh dạn chuyển hướng trọng tâm phát triển kinh tế sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Phát huy lợi thế nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, Đảng bộ tỉnh Hà Nam chỉ đạo tăng cường thu hút đầu tư. Tỉnh ủy Hà Nam tập trung lãnh đạo đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư theo hướng cởi mở, linh hoạt, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ một tỉnh mà số doanh nghiệp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, tỉnh có tám khu công nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng đã giúp Hà Nam phát triển nhanh, mức sống chung của nhân dân được nâng cao. Theo Tỉnh ủy Hà Nam, sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá; quy mô kinh tế được mở rộng, so với năm 2005, tổng GRDP (giá so sánh 2010) gấp 5,3 lần. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) gấp 12,9 lần; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gấp 25,7 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 21 lần so với năm 2005… Mức sống chung của nhân dân trong toàn tỉnh được nâng cao rõ rệt.
Cùng với tập trung các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, các cấp ủy, chính quyền trong vùng đồng bằng sông Hồng còn quan tâm đến các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau. Tại huyện Đông Hưng (Thái Bình), nhiều hộ nghèo đã chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo khi được chính quyền, đoàn thể giúp xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất. Điển hình như gia đình anh Từ Sa Ny và chị Đặng Thị Miền, thôn Tăng, xã Phú Châu là hộ nghèo của xã. Năm 2015, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ số tiền đó, anh mua sắm dụng cụ làm cơ khí, buôn bán nhỏ. Sau vài năm kinh tế ổn định, gia đình anh đã xây được nhà, cuộc sống khấm khá hơn và được công nhận thoát nghèo. Theo UBND huyện Đông Hưng, giai đoạn 2016-2020 toàn huyện có 559 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 17,7 tỷ đồng; 355 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ hơn 12 tỷ đồng; hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn làm nhà ở, hỗ trợ điện nước… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện giảm dần qua từng năm.
Tại Hưng Yên, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong động viên, khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu. Điển hình là mô hình trồng dưa trong nhà kính của anh Bùi Văn Phương, tại xã Tống Trân, huyện Phù Cừ. Từ gia đình nghèo, năm 2015, được sự động viên của chính quyền xã, anh mạnh dạn thuê hơn 5ha đất vùng trũng cải tạo làm trang trại. Những ngày đầu khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc anh được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay lãi suất ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới. Nhờ vậy, từ việc trồng rau, quả theo phương pháp hữu cơ, anh chuyển sang trồng dưa trong nhà lưới. Đến nay, với diện tích gần 5ha và sáu nhà lưới (5.000m2), sản phẩm dưa sạch cho doanh thu ổn định, mỗi vụ thu hơn 300 triệu đồng.
Qua triển khai đồng bộ các giải pháp, tính đến năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều, vùng đồng bằng sông Hồng còn 45.370 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,8%. Tỷ lệ hộ nghèo của vùng qua các giai đoạn đều thấp thứ hai so các vùng kinh tế cả nước và thấp hơn bình quân tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Với kết quả này, có thể đánh giá các cấp ủy, địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã hoàn thành tốt một nhiệm vụ quan trọng được Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị đề ra là: thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững.
Tiếp tục nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù công tác chăm lo đời sống nhân dân được các cấp ủy, chính quyền chú trọng nhưng hiện tại toàn vùng vẫn còn chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các địa phương, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng. Hiệu quả giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho người nghèo còn thấp.
Các địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Quá trình đô thị hóa và di dân tự do trong vùng làm nảy sinh nhiều thách thức đối với việc bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người di cư, nhất là vấn đề nhà ở, trường học và chăm sóc y tế, dinh dưỡng đối với người nghèo đô thị, người lao động ở các khu công nghiệp. Công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân chưa được chú trọng tại một số địa phương, tình trạng một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Công tác bảo trợ xã hội của vùng cũng còn những hạn chế nhất định như: hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc xã hội tại hầu hết các địa phương trong vùng còn yếu kém, nhất là tại cộng đồng. Hiện tại có rất ít đối tượng bảo trợ xã hội được cung cấp các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ, lập kế hoạch hòa nhập cộng đồng, các dịch vụ trợ giúp xã hội khác tại cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.
Mới đây tại Hội thảo về Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều cấp ủy, địa phương cho rằng từ những kết quả cũng như khó khăn đặt ra trong công tác giảm nghèo sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết cần có giải pháp thiết thực, phù hợp tình hình mới. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đề xuất nếu áp mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Hà Nam sẽ tăng gấp hai, gấp ba lần, thậm chí gấp bốn lần tỷ lệ cũ. Đây là giai đoạn người dân phải đối mặt những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19, các loại dịch bệnh khác và những tác động từ biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với người dân có nguy cơ tái nghèo hoặc chạm mức cận nghèo là giải pháp tối ưu.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng để tiếp tục giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị chúng ta cần tăng cường nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cụ thể hơn, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác giảm nghèo; phân công chi bộ, đảng viên trực tiếp tham gia phong trào giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”, “giảm nghèo theo địa chỉ”, mỗi chi bộ phụ trách ít nhất một địa bàn nghèo, mỗi đảng viên phụ trách ít nhất một hộ gia đình nghèo. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 5 năm và hằng năm.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu còn cho rằng các cấp ủy đảng, chính quyền trong vùng cần tập trung hỗ trợ người nghèo trong đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, sinh kế, đất sản xuất, nhà ở, nâng cao thu nhập và giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và dịch vụ xã hội khác), hoàn thành cơ bản việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, thiếu kiên cố trên quy mô vùng. Bố trí hợp lý khu dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Cùng đó, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. Xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến giảm nghèo.
-:- Báo Nhân dân -:-