Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

Chuyển đổi số quốc gia chính thức được khởi động từ năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 được xác định là giai đoạn tăng tốc với những hành động cụ thể… Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia là dịp để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số đã và đang tác động sâu rộng, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Quốc gia tiên phong chuyển đổi số

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước khi đặt ra các mục tiêu cụ thể: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh… Đến nay, tất cả 22 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17 bộ, ngành và 57 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.

Hơn một năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân không ngừng được nâng cao.

Nền móng phát triển chuyển đổi số, như: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển nền tảng số, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến và an toàn thông tin cũng đã được chú trọng hơn. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương tiếp tục được làm giàu dữ liệu; đã cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám, chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM. Khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến… Nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện, cả nước có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Bên cạnh những doanh nghiệp hàng đầu, có thành công lớn thì cũng có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang phát triển mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số. Jager là một trung tâm sản xuất đồ nội thất 4.0 trong chuỗi cung ứng của nhiều đối tác là các chủ đầu tư, nhà thầu, công ty thiết kế, công ty nội thất khác…

Giám đốc điều hành Jager Lê Quốc Khánh cho biết: “Việc đầu tiên mà đơn vị ưu tiên triển khai là định vị về thương hiệu, tiếp đến là định vị về đầu tư. Những công nghệ mới nhất của ngành sản xuất đồ nội thất đã được chúng tôi đưa về; hệ thống máy móc nhập ngoại và có trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cánh tay robot… đã giúp nhà máy gia tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm nguồn lực. Các đối tác, khách hàng có thể tự thiết kế, đặt hàng và theo dõi quá trình sản xuất từ xa qua máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh”.

Phú Lũng là một xã miền núi thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Địa hình đi lại khó khăn, bị chia cắt bởi các dãy núi đá; 80% số dân là người dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, thực hiện Kế hoạch thí điểm chuyển đổi số, xã đã hoàn thành giai đoạn 1 của đề án chuyển đổi số cấp xã ở cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với lĩnh vực chính quyền số, xã đã triển khai tăng cường hệ thống quản lý văn bản dùng chung của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử, nâng cấp hệ thống mạng LAN tại địa phương để bảo đảm tính an toàn trong quá trình sử dụng của cán bộ, công chức; lắp toàn bộ hệ thống camera an ninh trên địa bàn xã; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát các bản tin phát thanh của xã…

Ông Triệu Quý Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Lũng cho biết: “Tỷ lệ văn bản đi có ứng dụng chữ ký số được phát hành trên phần mềm đạt 70%; tỷ lệ chữ ký số cá nhân trên văn bản đi được phát hành trên hệ thống đạt 50%… Các trang thiết bị phục vụ công việc của cơ quan được bảo đảm, mạng truyền số liệu chuyên dùng luôn được duy trì để đáp ứng việc vận hành. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục triển khai, sử dụng hệ thống văn bản và điều hành VNPT-ioffice, hệ thống thư điện tử công vụ, tăng cường trao đổi văn bản dưới dạng điện tử; phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…”.

“Tổng tấn công về chuyển đổi số”

Để tăng tốc hơn nữa, công cuộc chuyển đổi số cần khắc phục ngay những yếu kém, hạn chế, đó là xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội số còn nhiều vướng mắc; từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách; đầu tư chưa tương xứng; môi trường pháp lý cần hoàn thiện hơn nữa; một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự coi trọng chương trình chuyển đổi số…

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: năm 2022 là năm “tổng tấn công về chuyển đổi số”. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ, đó là hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển hạ tầng số và các nền tảng số quan trọng. Riêng về thể chế chính sách, sẽ tập trung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi; Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech…

Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, nếu như Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương giữ vai trò thúc đẩy Chính phủ số; các doanh nghiệp và giao dịch điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số thì xã hội số cần được thúc đẩy từ người dân. Riêng tháng 6/2022, có khoảng 200 triệu lượt tải mới các ứng dụng di động, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 7 toàn cầu về tổng số lượt tải mới; có hơn 100 triệu lượt người dùng hằng tháng trên tất cả các nền tảng số di động Việt Nam. Có 8 nền tảng số Việt Nam đạt trên 10 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, là rào cản cho sự phát triển xã hội số: Các nền tảng xuyên biên giới vẫn chiếm thị phần đáng kể về số lượng người dùng thường xuyên ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; kỹ năng số của người dân chưa cao; người dân cũng không thật sự quan tâm đến các nền tảng có chứa tri thức trên không gian số, và việc tự bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ được tổ chức hằng năm để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đáng chú ý, chương trình Tháng 10-Tháng tiêu dùng số là một trong những sáng kiến hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, được hưởng thụ lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát động chương trình Tháng 10-Tháng tiêu dùng số với các ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số nhắm đến hai nhóm đối tượng: nhóm đã và đang sử dụng dịch vụ số (nhằm tăng thêm thời lượng sử dụng) và nhóm đối tượng người dùng mới (nhằm khuyến khích người dân tham gia kênh số, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số).

Báo Nhân dân

Bài viết liên quan