Ký ức hào hùng
KÝ ỨC HÀO HÙNG
Không người con Thủ đô Hà Nội nào quên được thời khắc sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân tiên phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô vừa được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào.
Dẫu cho thời gian trôi đi gần 7 thập kỷ nhưng thành quả của ngày vui: “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”… còn đọng mãi trong lòng những người dân được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ấy.
Vào những ngày thu lịch sử này, trên những con phố lớn của Hà Nội, không khí kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô đang rộn ràng, náo nức. Còn trong căn phòng nhỏ ở phố Hàng Đào, cạnh Hồ Gươm, Hà Nội, vợ chồng ông Lê Sửu và bà Lan Hương năm nay đều đã ngoài 80 tuổi vẫn không khỏi rưng rưng khi nhắc lại khoảnh khắc lịch sử đặc biệt 68 năm về trước khi bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954.
Ông Lê Sửu đưa chúng tôi xem một tấm ảnh đen trắng khổ dọc có dòng chữ “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản, tháng 10-1954” được ông treo trang trọng trên tủ ngay cạnh bàn tiếp khách. Đây chính là bức ảnh ông đã ghi lại khoảnh khắc bộ đội trong ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội khi đi qua phố Hàng Đào cách đây 68 năm về trước, vẫn luôn được ông nâng niu, trân trọng.
Mân mê tấm ảnh, ông Lê Sửu chậm rãi kể lại từng chi tiết trong tấm ảnh chụp và không khí hân hoan của Ngày Giải phóng Thủ đô năm ấy. Ông Lê Sửu vẫn nhớ như in: “Bầu trời hôm đó cũng xanh trong vắt, nắng cũng nhuộm vàng như hôm nay! Còn người dân thì náo nức, rộn ràng, vỡ òa hạnh phúc!”
Khi ấy, ông Lê Sửu là chàng thanh niên 17 tuổi, gia đình có điều kiện nên đã được bố mẹ sắm cho chiếc máy ảnh. Ông bảo, những đêm trước ngày 10-10-1954, Hà Nội thao thức không ngủ. Khi đó, thực dân Pháp đã bắt đầu rút khỏi Hà Nội nhưng quân đội của ta lại chưa về, tâm trạng người dân vừa phấp phỏng chờ đợi, vui mừng nhưng cũng có những âu lo.
Sáng 10-10-1954, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khi thấy bộ đội ta bắt đầu tiến vào tiếp quản Hà Nội, niềm vui như vỡ òa; tất cả đều mở cửa rồi chạy ào ra đón Bộ đội Cụ Hồ. Không khí lúc đó vui và nhộn nhịp lắm!
“Đó cũng là lúc tôi ghi được khoảnh khắc đầu tiên khi đoàn quân bộ đội đi qua phố Hàng Đào. Lúc đó, đường phố còn vắng vẻ, chứ chỉ ít phút sau là người dân tràn ra hai bên đường. Ai cũng đều hân hoan, vui sướng. Đây cũng là bức ảnh được gia đình tôi lưu giữ tới ngày nay”, ông Lê Sửu nói với chúng tôi.
Chia sẻ thêm về thời khắc đặc biệt ấy, bà Hoàng Lan Hương (vợ ông Lê Sửu) cho biết, những ngày trước khi các cánh quân ta vào tiếp quản Thủ đô, mọi gia đình đều cửa đóng, then cài vì bấy giờ quân Pháp đã bắt đầu rút đi nhưng quân ta chưa về.
“Những đêm trước ngày giải phóng, tôi cùng mọi người may cờ, cắt chữ, làm hoa… chuẩn bị cho ngày chiến thắng. Chúng tôi may rất nhiều dây ngũ sắc để trang trí nhà cửa. Không khí âm thầm nhưng sục sôi, náo nức!”, bà Lan Hương nói.
Trước ngày 10-10 mùa thu năm đó, mỗi gia đình thường dùng một chiếc gương soi qua khe hở của chiếc cửa sắt để xem tình hình ở bên ngoài.
Thế rồi, sáng ngày 10-10-1954, khi bộ đội tiến về các đường phố Thủ đô, mọi người mới ùa ra ngoài, đứng hai bên đường chào đón đoàn quân giải phóng. Người già, trẻ nhỏ đều ra đường.
“Khi đó, tôi mới là cô bé 12 tuổi nên phải phải bắc ghế trèo lên, đứng trước cửa nhà để xem. Có những em nhỏ hơn tôi thì trèo lên cả cột đèn xung quanh. Người dân đứng hai bên đường chật ních trong không khí vui sướng, vỡ òa vì hạnh phúc. Những cô cậu học sinh quần áo ngay ngắn cầm theo cờ đỏ, sao vàng vẫy chào bộ đội. Bộ đội đi đến đâu, tiếng hò reo vang lên tới đó. Xúc động lắm! Bởi biết bao ngày mong ngóng, chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày giành lại được tự do!”, bà Hoàng Lan Hương vẫn bồi hồi khi nhắc nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ấy.
Không thể quên ngày đặc biệt ấy!
Là người có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10 gần 70 năm về trước, bà Hoàng Lan Dung (88 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vẫn không giấu nổi xúc động mỗi khi nhắc nhớ lại: “Làm sao có thể quên một ngày đặc biệt như thế!”
Giữa năm 1954, bà Hoàng Lan Dung được Thành ủy Hà Nội cử ra Vân Đình, Hà Tây (nay là thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) để học lớp tiếp quản Thủ đô, học về những chính sách của Đảng đối với nhân dân Thủ đô. Chẳng hạn, đối với những người buôn bán, phải tạo điều kiện cho họ phát triển; đối với công chức, viên chức thì xem xét, phân loại thế nào.
Ngoài ra, bà Hoàng Lan Dung cùng với các hội viên đi rải truyền đơn, tuyên truyền cho nhân dân về ngày chiến thắng, huy động người dân may cờ Tổ quốc chờ ngày giải phóng…
Và rồi vào ngày 10-10-1954, bà Lan Dung được cử cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 từ hướng Xuân Mai về tiếp quản Thủ đô.
“Không khí lúc đó tưng bừng lắm, không gì có thể kể xiết được niềm vui mừng của người dân Hà Nội lúc bấy giờ khi đang trong vùng tạm chiếm, chịu biết bao áp bức, dồn nén, nay được đón những người kháng chiến trở về, cuộc sống được tự do!”, bà xúc động kể lại.
Rồi bà kể tiếp: “Chúng tôi đi từ Vân Đình về qua phố Trần Hưng Đạo, phố Cửa Nam, rồi tập kết ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhân dân Thủ đô, từ người già tới trẻ nhỏ, vẫy cờ hoa đón chào, gương mặt hân hoan, thật đúng như câu hát: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Được về tiếp quản và làm chủ chính mảnh đất mình đã được sinh ra và lớn lên qua nhiều gian khó, đấu tranh, là cảm xúc không thể nào diễn tả hết được trong tôi!”
Cho đến giờ, mỗi khi xem lại những hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô trên các phương tiện truyền thông, báo chí, bà lại thấy bồi hồi như vừa mới hôm qua và càng thêm yêu thương, trân quý một Hà Nội bình yên hôm nay.
Báo QĐND