Kiên trì theo đuổi ước mơ

CÂU CHUYỆN CỦA NAM SINH HẢI PHÒNG THI 4 NĂM MỚI CHẠM TAY VÀO CÁNH CỔNG ĐẠI HỌC

Nam sinh Nguyễn Linh (sinh năm 2001, Hải Phòng) đã khiến nhiều người bất ngờ khi 4 năm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phải đến lần thứ 4 thì em mới chạm tay vào cánh cổng trường đại học.

Chia sẻ với Infonet về lần đầu thi tốt nghiệp THPT năm 2019, Nguyễn Linh cho biết: “Ước mơ của em là khoác lên mình màu áo xanh của lực lượng vũ trang. Ước mơ ấy bắt nguồn từ lần em chứng kiến sự thất bại của người anh trai ruột khi thi Học viện cảnh sát không đỗ. Đó là lí do em quyết tâm thi để tham gia vào lực lượng vũ trang và em đã chọn Học viện biên phòng là bến đỗ.

Thế nhưng may mắn lại không mỉm cười với em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019 em chỉ được 20 điểm ở khối C00.

Đó là có sốc đầu đời vì trượt đại học. Vì năm đó chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên em đã trượt. Thời điểm đó em cũng rất chán nản, áp lực khi thấy nỗi buồn trong mắt mẹ. Sau đó được sự động viên của bố mẹ, anh chị nên em đã quyết tâm làm lại”.

Nỗ lực đèn sách, kiên trì ôn luyện và chấp nhận thi liên tiếp 4 năm 2019, 2020, 2021, 2022 nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với Linh, mặc dù ở những lần thi sau điểm số của em không phải thấp khi hai năm liền giành 27,75 điểm ở khối C00, năm 2022 là 28,25 điểm.

“Mỗi lần trượt đại học lại là một cảm giác riêng vì trong đó có nhiều công sức, buồn và tiếc nuối. Nhưng rồi em lại tặc lưỡi và tự dặn mình phải đứng dậy đi tiếp. Điều em cảm thấy vô cùng may mắn là có mẹ, người luôn đồng hành cùng em những lúc khó khăn nhất.

Bí quyết nữa là em cũng hay xem những clip tích cực. Từ đó em thay đổi trong suy nghĩ, luôn tự hỏi mình rằng “nếu bố mẹ không còn nữa thì ai sẽ là người động viên mình?”. Vậy là em lại bắt đầu lại từ đầu”, Linh nói.

Năm 2022, nam sinh này quyết định chuyển hướng vì thấy mình không còn hợp vào Học viện Biên Phòng nữa nên đăng ký vào chuyên ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội. Em còn đặt thêm 2 nguyện vọng lần lượt là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Hải Phòng.

Năm nay, Linh đạt số điểm khối C00 gồm các môn Văn, Sử, Địa lần lượt là 8,25; 10; 9,75 và được cộng 0,25 điểm vùng. Tổng điểm là 28,25 nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1 là Trường Đại học Luật Hà Nội theo như ý muốn.

Trượt nguyện vọng 1, Linh cũng trượt luôn nguyện vọng 2 vì thiếu 0,25 điểm mới đỗ vào chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

May thay, số điểm của em đủ đỗ vào khoa Sư phạm – Trường Đại học Hải Phòng. Em xem đây là một niềm an ủi sau nhiều năm miệt mài đèn sách.

Như vậy xuất phát từ 20 điểm của năm 2019 thì qua 4 năm ôn luyện điểm thi của Linh đã tăng lên 27,75 điểm.

Linh chia sẻ: “Theo em thì để thay đổi điểm số, trước tiên phải có thời gian. Học cũng như ăn vậy, phải có thời gian để… tiêu hóa. Để tận dụng thời gian tốt nhất thì cần đến sự tập trung cao độ nữa. Nhưng đối với em thì để tập trung được cũng là cả quá trình rèn luyện.

Cách ghi nhớ của em khi học là mục nào chưa nhớ thì ghi ra quyển vở riêng. Nhớ rồi thì 1 tuần đọc lại 2 lần.

Ngoài ra, một kinh nghiệm em rút ra là sức khoẻ rất quan trọng nên phải ngủ đủ giấc thì học bài mới hiệu quả, tranh thủ thời gian đi thể dục thể thao nữa.

Làm nhiều bài tập, cái nào quên thì bỏ ra đọc lại. Điều em cảm thấy hài lòng nhất trong hành trình 4 năm thi đại học là được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc em ôn thi lại em cũng tranh thủ phụ giúp anh chị bán hàng ở chợ Cát Bi”.

Nói về những tiếc nuối của bản thân, Linh mong Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh về điểm ưu tiên để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh, tránh trường hợp điểm cao vẫn trượt như mình.

“Thời gian tới em sẽ không có gì ngoài cố gắng học thật tốt và làm thêm để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh”, Linh nói về những dự định của mình.

Infonet

Bài viết liên quan