Gia đình là động lực lớn lao

GIA ĐÌNH LÀ ĐỘNG LỰC LỚN LAO

Nhắc đến Thượng tá Trần Quốc Trung, Trợ lý Phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), đồng đội luôn dành cho anh những tình cảm yêu thương và trân trọng người đồng đội dù gặp hoàn cảnh đặc biệt nhưng luôn nhiệt huyết, năng nổ, tận tình, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Trần Quốc Trung không nói về những thành tích bản thân từng đạt được mà khiêm tốn chia sẻ: “Truyền thống gia đình là động lực lớn lao để tôi cố gắng và phấn đấu trưởng thành như ngày hôm nay. Cùng với đó là sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp; chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng”.

Hồi tưởng lại những tháng ngày ấu thơ, Trần Quốc Trung không giấu được dòng cảm xúc trào dâng. 18 tháng tuổi, Trần Quốc Trung đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Đến bây giờ, hình ảnh về người mẹ thân yêu chỉ được lưu giữ trong ký ức qua những câu chuyện mà người thân kể lại và bức ảnh đặt trang trọng trên ban thờ. Mẹ anh – bà Hoàng Thị Nguồn (sinh ngày 21-9-1949) khi ấy là cán bộ Công ty xăng dầu Hà Bắc (thuộc Công ty Xăng dầu khu vực phía Bắc). Theo lời người thân và các nhân chứng kể lại, tháng 9-1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chúng điên cuồng rải thảm bom bằng máy bay B52 tại các điểm trọng yếu nhằm phá hủy và cắt đứt mọi chi viện cho chiến trường miền Nam; trong đó, có hệ thống kho, trạm vật tư, xăng dầu. Ngày 15-9-1972, trong khi làm nhiệm vụ, mẹ anh và một đồng đội đã hy sinh ngay tại kho xăng dầu Bắc Giang. Theo lời người thân kể lại, mẹ anh và đồng đội đã được đơn vị tổ chức chôn cất tại nghĩa trang nhân dân (gần công ty, thuộc phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang ngày nay), sau đó mới cử người đến gia đình thăm hỏi và làm công tác tư tưởng trước khi báo tin.

Chuyện mẹ Trần Quốc Trung hy sinh cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn không giấu được sự xót xa, bởi hai tuần sau khi bà mất, người thân trong gia đình mới lên thắp hương tại mộ được. Cũng trong thời điểm đó, cha Trần Quốc Trung (là sĩ quan tên lửa được đào tạo tại Nga) đang tham gia chiến đấu tại trung đoàn tên lửa phòng không đóng quân ở Thanh Hóa, bảo vệ sân bay Sao Vàng và đánh chặn B52 từ xa để bảo vệ Hà Nội… Khi nhận được tin vợ mất, ông cũng không thể về thắp cho vợ nén nhang mà chỉ gửi lời nhắn qua đồng đội nhờ bố mẹ chăm sóc cậu con trai bé bỏng.

Vậy là sau ngày mẹ mất, Trần Quốc Trung được ông bà nội đón về quê ở xã Hưng Đạo (Tiên Lữ, Hưng Yên) để nuôi dưỡng. Có lẽ bản tính tự lập đã thấm vào con người anh từ lúc ấu thơ, để rồi Trần Quốc Trung luôn nỗ lực hết mình trong học tập. Anh luôn cố gắng đạt kết quả cao trong học tập và coi đó là món quà dành khoe với ông bà và bố khi có dịp ghé qua nhà. Tốt nghiệp lớp 12, theo định hướng của người chú ruột, Trần Quốc Trung nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng kỹ thuật Hóa chất 1 (nay là Trường Đại học công nghiệp Việt Trì) học chuyên ngành máy hóa. Năm 1993, tốt nghiệp ra trường, Trần Quốc Trung được tuyển vào làm công nhân quốc phòng tại Xưởng A4, Xí nghiệp 92 thuộc Ban Quản lý công trình 3 (tiền thân của Nhà máy Z195, Tổng cục CNQP).

Vốn có ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, quá trình công tác, Trần Quốc Trung luôn nỗ lực phấn đấu. Được sự tin tưởng của đảng ủy, chỉ huy các cấp, năm 2002, Trần Quốc Trung được đơn vị cử đi thi và đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 2005, tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí, chuyên ngành đạn của Học viện Kỹ thuật Quân sự với tấm bằng khá, Trần Quốc Trung lại trở về công tác tại Nhà máy Z195. Trong 7 năm công tác trên cương vị là Tổ trưởng Tổ Đo lường, Phòng KCS của Nhà máy Z195, bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cùng thái độ cầu thị, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 11-2012, anh được điều chuyển công tác về Ban Kế hoạch tổng hợp, Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục CNQP.

Ngót 29 năm công tác, dù ở bất kỳ cương vị nào, Trần Quốc Trung luôn tận tâm, hết mình trong thực hiện nhiệm vụ. Bản thân anh đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong quá trình sản xuất, góp phần làm lợi kinh tế cho đơn vị. Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, Thượng tá Trần Quốc Trung được các cấp ghi nhận và tặng nhiều bằng khen, giấy khen, tiêu biểu là Bằng khen của Tổng cục CNQP về thành tích xuất sắc 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014-2017; 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2014-2016); Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2017.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, không nói về những thiệt thòi, vất vả của bản thân khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ thuở ấu thơ, Thượng tá Trần Quốc Trung dành nhiều tình cảm khi nói về bố. Anh bảo: “Bố mới là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Khi ông về hưu (năm 1982) cho đến khi mất (năm 2017), tôi không có nhiều thời gian ở gần để chăm sóc bố. Tôi phải cảm ơn bố bởi ông là người biết “biến” những thiệt thòi, mất mát của tôi thành động lực để tôi luôn cố gắng, nỗ lực như hôm nay”.

Nguồn: Báo QĐND

Bài viết liên quan