Bác Tổ trưởng ơi
Trong những ngày dịch Covid bùng phát, hình ảnh người Tổ trưởng dân phố vốn dĩ đã quen thuộc nay lại càng trở nên thân thương, ấm áp vô cùng đối với người dân Đà Nẵng nói chung và Liên Chiểu nói riêng. Sự tận tụy của họ đã làm bao người cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn trong mùa dịch.
Nhiều người dân không ngại bày tỏ sự cảm kích của mình đối với Tổ trưởng trên các trang mạng xã hội
Đặc biệt, từ ngày 16/8/2021, khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, toàn dân thực hiện nghiêm biện pháp “Ai ở đâu, ở yên chỗ đó”, thì tổ trưởng có lẽ là cái tên được người dân nhắc đến nhiều nhất. Bởi giờ đây, ngoài những công việc thường ngày, thì họ còn đảm đương thêm một nhiệm vụ đặc biệt – đó là trực tiếp làm cầu nối cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Người thì đăng kí mua lương thực, người nhờ mua thuốc men, người lại yêu cầu giấy đi đường, người hết gas, chập điện… Tất tần tật mọi thứ đều có thể gọi tên “Tổ trưởng ơi”…
Từ đây, những người chưa bao giờ biết nội trợ là gì, chưa bao giờ biết buôn bán là gì, nay bỗng nhiên lại ngập chìm trong vô vàn mớ hỗn độn, nào là: thịt, cá, rau, củ, quả, bỉm, sữa, ..v.v. Và cũng chính bởi cái chưa quen việc này mà không ít lần mua hàng bị nhầm lẫn, rơi vỡ…, Tổ trưởng lại phải “bù” bằng tiền túi trong âm thầm lặng lẽ, bởi vì , “dịch bệnh người dân đã khổ rồi, nỡ lòng nào để người ta phải chịu” (Trích lời anh Bùi Văn Sỹ, Tổ trưởng tổ dân phố 44, phường Hòa Minh).
Những ngày ấy, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, họ đều luôn thường trực một tinh thần sẵn sàng… chạy. Chạy khi có văn bản, thông báo mới; chạy khi có đơn hàng của người dân yêu cầu; chạy khi có hàng cứu trợ, tiếp tế; chạy khi tổ chức xét nghiệm hộ gia đình; chạy khi phát hiện ca nhiễm mới…
Tối đến, có khi mới chỉ vừa chợp mắt, có khi là giữa đêm yên giấc, điện thoại Tổ trưởng lại reo lên vì người dân có nhu cầu khẩn cấp. Thế là, họ lại bật dậy, khoác vội chiếc áo rồi lao vào bóng đêm tịch mịch để kịp thời hỗ trợ cho bà con… Người dân xóm tôi vẫn thường nói đùa rằng, Tổ trưởng như có thuật biến hóa. Lúc thì là cửu vạn bốc vác, phân chia hàng hóa; lúc lại là shipper, lúc thành người nội trợ; lúc lại thành kiểm kê, kế toán..v.v.
Khi tôi hỏi về chú Tổ trưởng dân phố, chị Trịnh Thị Chiêu, người dân Tổ 27, phường Hòa Hiệp Nam, như có dịp để trải lòng: “Thương lắm. Chống dịch mình ở nhà, nắng không tới nơi, mưa không tới mặt; còn ổng cứ lang thang cả ngày ngoài đường miết vậy đó. Có những buổi trưa nắng chang chang mình sắp đi nghỉ ngơi, thì ổng vẫn rong ruổi với thùng hàng nặng để tiếp tế. Có hôm tối muộn, mưa gió, ổng cũng mặc áo mưa, đi đôi dép rọ gõ cửa từng nhà, đưa từng mớ rau củ. Thực sự rất thương và biết ơn các cô chú Tổ dân phố đã luôn hết lòng chăm lo cho người dân chúng tôi trong mùa dịch”.
Người chị Chiêu nhắc đến ở trên là ông Lê Bá Châu, tổ trưởng Tổ dân phố 27, phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu. Vốn làm nghề cho thuê Coppha xây dựng, nhưng từ cuối tháng 7/2021, ông đã tạm ngưng việc và dùng chiếc xe bán tải – công cụ làm ăn của gia đình để hỗ trợ địa phương phòng chống dịch. Lúc thì thiết kế thành xe tuyên truyền, lúc lại chuyên chở hàng tiếp tế, cứu trợ miễn phí cho người dân.
Ông Châu đi mua hàng hóa giúp dân
Trong đợt cao điểm 16/8, ông thường thức dậy từ 4h30 sáng, sau đó đến UBND phường chở hàng cứu trợ đến các tổ dân phố trên địa bàn phường. Có hôm chở hàng tấn gạo, rau củ phải đi hàng chục chuyến xe, xong xuôi lại quay về phụ Tổ phân phát; mua sắm, giải đáp thắc mắc… cho bà con đến 9,10h tối mới xong việc. Về nhà mệt lã chỉ muốn đi ngủ, nhưng lại nghĩ rằng: “Mình mà bỏ ăn thì sợ bị ốm, công việc lại phải bỏ dở giữa chừng, người dân sẽ khổ. Nên mệt mấy cũng phải ráng nuốt để còn có sức ngày mai tiếp tục những hành trình”. Ông Châu chia sẻ.
Còn đối với ông Bùi Văn Sỹ, 2 năm bén duyên với “nghề Tổ trưởng” là 2 năm gặp phải dịch Covid. Công việc gấp đôi, gấp 3 so với thường ngày khiến người quen việc đôi khi cũng không nén được tiếng thở dài, nhưng với sự tận tâm, nhiệt huyết, ông Sỹ đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Sỹ hỗ trợ nhu yếu phẩm cho cho bà con tạm trú có hoàn cảnh khó khăn
“Ông Sỹ là một Tổ tưởng rất tuyệt vời. Nhất là trong đợt dịch vừa rồi, ngoài việc vận động mạnh thường tài trợ, ông thường tự bỏ tiền cá nhân ra mua đồ cho bà con. Ổng còn sáng kiến tổ chức phiên chợ 0 đồng, bà con nào đăng kí mua đồ dưới 200.000 đồng thì đều không lấy tiền. Lo dân chủ quan, ổng vác loa đi nhắc nhở từng nhà đến khàn cả tiếng. Trung thu vừa rồi, ông cũng chở loa kẹo kéo mở nhạc rộn ràng cả xóm, rồi đến tận nhà phát quà cho các em nhỏ”. Ông Trần Thanh Lý, người dân tổ 44 cho biết.
Chị Trương Thị Mười Em, người dân tổ 44, làm nghề bán hàng lagim cũng chia sẻ: “Trước đó, tôi có nhập hàng để bán nhưng vì giãn cách phải đóng cửa nên tồn hàng. Biết được, ông Sỹ đã mua hết giúp tôi cả sạp hàng gần 5 triệu đồng, rồi đem tặng cho bà con trong khu phố để dùng trong những ngày chợ búa khó khăn.”
Vợ anh Sỹ kể rằng, từ ngày 16/8 đến nay, số lần vợ chồng anh chị cùng ăn chung bữa cơm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng thấu hiểu được tâm huyết của chồng, nên chị cũng không cảm thấy buồn, mà ngược lại, luôn sẵn sàng hỗ trợ chồng trong công việc.
Cũng như ông Châu, ông Sỹ, hàng trăm người Tổ trưởng dân phố khác cũng ngày ngày “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” để chăm lo cho bà con khu phố từ những điều nhỏ nhặt nhất. Mỗi người một phong cách, một lề lối làm việc riêng, song đều chung lòng nhiệt thành đáng quí. Họ thực sự là cánh tay nối dài đắc lực, sát cánh cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy lùi dịch bệnh từ cơ sở, để người dân sớm được trở lại cuộc sống thường ngày.
Kim Hiếu.