Sinh viên Đà Nẵng khởi nghiệp vì môi trường

VOV.VN – Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng có nhiều sinh viên tự nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, thân thiện với môi trường và tạo cơ hội khởi nghiệp thành công. Trong đó, phải kể đến “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên” của nhóm sinh viên Khoa Sinh- Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Nhóm nghiên cứu này gồm 15 thành viên đã xuất sắc giành giải Nhất hội thi Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức. Thành viên Trần Đình Trí, sinh viên năm 4, Khoa Sinh- Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ, với mong muốn giúp nông dân địa phương có thêm việc làm từ trồng nấm dược liệu, cải thiện đời sống, nhóm đã nghiên cứu và chuyển giao cách trồng nấm đơn giản mà hiệu quả.

Nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm là mùn cưa gỗ cây cao su, nhưng cao su lại không phải loại cây sẵn có ở thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam mà chính là các loại cây keo lá tràm. Khi người dân thu hoạch bán cho các nhà máy chế biến giấy, phần phế thải rất nhiều. Mặt khác, bão số 9 năm ngoái đã làm hàng loạt cây keo lá tràm chưa đến kỳ thu hoạch ngã, đổ người dân không thể bán được. Nhóm sinh viên nghĩ ngay việc chủ động nguồn nguyên liệu và tận dụng các cây hỏng này để thử nghiệm trồng nấm và đã thành công.

Trần Đình Trí cho biết, hiện phương thức trồng nấm của nhóm đã được ứng dụng tại một số hộ dân ở thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cho người trồng.

“Đầu tiên, chúng em trồng trên mùn cưa cao su, dần dần đã đạt được ứng dụng. Xuất phát thêm là từ các phế phẩm nông nghiệp như gỗ keo mà con người bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, chúng em sử dụng các phế phẩm đó để trồng nấm. Một phần để cải thiện được nguồn sinh kế cho người dân và cũng góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay”, Trần Đình Trí nói.

Tháng 4 năm ngoái, khi nhóm sinh viên Khoa Sinh- Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tìm kiếm thông tin khoa học thì được biết ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện vẫn chưa có sản phẩm trà nào có sự kết hợp giữa nấm và hoa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên Khoa Sinh- Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã cùng nhóm sinh viên bắt tay vào việc nghiên cứu đề tài. Nguyên liệu chính của sản phẩm này là nấm linh chi, nấm vân chi, hoa cúc chi, hoa atiso, cỏ ngọt. Khó khăn lớn nhất của nhóm là khâu chọn nguồn gốc, chất lượng các loại nguyên liệu sao cho phù hợp, giữ hương lâu và phải bảo đảm an toàn. Vậy là cả nhóm đã mất 6 tháng để nghiên cứu sản phẩm “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên” không sử dụng chất bảo quản và đã được kiểm định tại Trung tâm Kiểm định chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 2 và Quatest 2.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng cho biết, hiện nay sản phẩm này cần quảng bá rộng rãi để đến tay người tiêu dùng: “Thế mạnh của nhóm là nghiên cứu cho nên cần kêu gọi các nhà đầu tư mà quan tâm đến ý tưởng của sản phẩm để thúc đẩy sản phẩm này ra thị trường, nhóm sẽ chịu trách nhiệm về mặt nghiên cứu đạt chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế. Cần có một chiến lược để phát triển thị trường để nhân rộng mô hình trồng cây hoa cúc tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên vừa phục vụ cho du lịch và phục vụ cho sản phẩm nữa, thứ 2 là đa dạng cây trồng nông nghiệp cho bà con nông dân”.

Ông Nguyễn Vinh San, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, sản phẩm “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên” được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như chuyên môn. Vừa qua, trường đặt hàng hơn 1.000 sản phẩm dùng làm quà tặng cho các đơn vị, tổ chức và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

“Nhà trường chúng tôi dành một không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ các bạn trong công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm và cũng có kết nối với vườn ươm thành phố Đà Nẵng, các trung tâm đào tạo khởi nghiệp của thành phố để triển khai sản phẩm này ra thực tế”, ông Nguyễn Vinh San cho biết thêm./.

Bài viết liên quan