Người đàn ông nghèo và dịch vụ bơm, vá xe miễn phí

Hầu như giờ nào, ngã tư Điện Biên Phủ – Hà Huy Tập cũng tấp nập người qua lại. Nhất là giờ tan tầm, học sinh từ trường Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng gần đó tỏa ra đông nghịt. Điểm bơm, vá xe nằm ngay giao lộ này bỗng chốc trở thành điểm đến của mấy cô, cậu học trò. “Chú Hùng ơi, bơm giúp con cái bánh trước với”, “Bơm cho con nữa chú, xe con để ngoài nắng cũng xẹp lép rồi nè”, “Con nữa chú ơi”… Cứ thế, người đàn ông đen nhẻm – chủ quán  bơm vá – nở nụ cười nhân hậu, kéo dây bơm hết bánh xe này đến bánh xe khác. Tụi nhỏ lí nhí cảm ơn rồi cứ thế đạp xe đi, chẳng thấy đứa nào trả tiền cho chú bơm vá .

Chuyện ông Trần Viết Hùng hơn 10 năm nay chuyên bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật không còn xa lạ với người dân sinh sống quanh khu vực này. Nó càng thêm ý nghĩa khi gia đình ông Hùng cũng chẳng khấm khá gì, thậm chí từng nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhiều người biết chuyện gọi ông là “Hùng gàn”, “Hùng khùng”, chuyện nhà không lo đi lo chuyện bao đồng nhưng ông chỉ cười, bảo đó là niềm vui không cần phải bỏ tiền ra mua mới có được.

Từ ngày quán sửa xe vỉa hè nằm khiêm tốn ngay ngã tư Điện Biên Phủ – Hà Huy Tập của ông Hùng trưng lên tấm bảng “Bơm vá 325. Honda – Xe đạp. Học sinh, người tàn tật – miễn phí”, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng những cô, cậu học trò quần xanh, áo trắng dắt xe đến nhờ vá khi chẳng may không có tiền trong túi. Người tàn tật, bán vé số cũng tìm đến quán ông như một bến đỗ để uống ly nước trà, nói với nhau đôi điều ba chuyện trong lúc chờ ông sửa giúp chiếc xe. Cứ thế, cuộc sống của người đàn ông nhân hậu này xoay vòng bên quán sửa xe sau khoảng thời gian phụ vợ bán bánh mỳ vào mỗi buổi sáng. “Mấy đứa học sinh nớ cũng như con mình, ba mẹ cho mấy đồng ăn sáng nên lỡ hư xe phải dắt bộ về nhà vì không có tiền. Lúc đầu thấy đứa nào dắt xe đi ngang qua thì tôi ra ngoắt vào, nói chú làm không lấy tiền công vậy mà có đứa lí nhí “cháu định vào nhờ chú làm rồi mai mốt cháu xin tiền mẹ mang ra trả chú sau”. Nghe tụi nhỏ nói vậy ai không thương. Còn người tàn tật, vất vả kiếm đồng tiền từ việc bán vé số, mình không có tiền mua giúp họ thì thôi chớ ai nỡ lấy tiền công của họ”, ông Hùng cho hay.

 

Bài viết liên quan