76 năm và tầm vóc Việt Nam
76 năm trước, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm cho thế hệ trẻ khát vọng về một Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người cũng nhận thức sâu sắc rằng vận mệnh Việt Nam gắn với vận mệnh chung của nhân loại và Việt Nam, trước hết, cần “dựa vào sức mình” song cần cả “sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước khác”.
CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Trong 76 năm hào hùng của dân tộc, từ một góc nhỏ ở Đông Nam châu Á, Việt Nam thu hút sự quan tâm của thế giới với hình ảnh một đất nước, một dân tộc anh hùng, kiên cường đứng lên vì chính nghĩa, vì khát vọng hòa bình. Đó còn là một Việt Nam – Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, “một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ 20”.
Cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Người là biểu tượng cho cốt cách và ý chí Việt Nam. Sự yêu mến, kính trọng mà nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình dành cho Việt Nam – Hồ Chí Minh đã tạo nên thế hệ những người nước ngoài yêu mến, tin tưởng và ngưỡng mộ Việt Nam, sẵn sàng vì Việt Nam mà “hiến dâng cả máu của mình”.
Chính hình ảnh một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường với một vị lãnh tụ trí tuệ, nhân ái đã đánh thức “lương tri của nhân loại”, đã khiến hàng triệu người trên toàn thế giới đứng lên ủng hộ sự nghiệp kháng chiến cứu nước chính nghĩa của dân tộc ta. Thắng lợi của Việt Nam đã trở thành niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới; khẳng định vị thế, uy tín và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Sau chiến tranh, từ một đất nước trình độ phát triển thấp, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bằng việc kiên trì, đề cao chính sách độc lập tự chủ, yêu chuộng hòa bình, Việt Nam từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại.
Ngày 22-7-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hiệp quốc. Nỗ lực phá thế bao vây cấm vận bằng chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đất nước ta lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), Mỹ (1995), thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước quan trọng trên thế giới; đồng thời từng bước gia nhập các tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế quan trọng, đáng chú ý là ASEAN (1995), ASEM (1996), APEC (1998), WTO (2007)…
Không những thế, Việt Nam còn tham gia tích cực, có nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn đa phương. Tiêu biểu là năm 2020 vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN và Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA-41) trong bối cảnh hiệp hội và khu vực chịu tác động to lớn của đại dịch Covid-19; vừa đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
HỘI NHẬP TOÀN DIỆN
Cùng với việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong công cuộc đổi mới, với nỗ lực và quyết tâm cao độ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã ra sức xây dựng đất nước, gặt hái những thành tựu phát triển vượt bậc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động và tích cực. Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam luôn tăng mạnh. Giai đoạn 2015-2018, vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 360 tỷ USD, năm 2020 vẫn đạt 26,4 tỷ USD dù thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Việt Nam cũng đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới, có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, trong đó có các hiệp định thế hệ mới tầm cỡ toàn cầu.
Các nguồn lực to lớn đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động với tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 là 6,8%, riêng GDP năm 2020 đạt 2,91% (thuộc nhóm cao nhất thế giới). Việt Nam trở thành hình mẫu của các nước mới nổi, của sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, là một trong những quốc gia tiên phong thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.
Và một lần nữa, vị thế và uy tín được tạo dựng bền bỉ suốt 76 năm qua đã thiết thực góp phần tăng cường sức mạnh cho đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đầy phức tạp, thách thức và gian nan. Cũng từ đây, đoàn kết trong nước đã hòa quyện với đoàn kết quốc tế như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”.
Dù đất nước còn khó khăn, Việt Nam vẫn hết lòng chung tay cùng nhân loại chống đại dịch với những chuyến hàng đầy nghĩa tình, những cử chỉ giàu trách nhiệm. Bạn bè quốc tế cũng sát cánh cùng Việt Nam với những sự ủng hộ, viện trợ quý báu từ trang thiết bị y tế, những liều vaccine quý giá từ khắp mọi nơi trên thế giới. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với sự khan hiếm vaccine do đại dịch diễn biến rất phức tạp, nỗ lực ngoại giao không ngừng với sự chỉ đạo sát sao và trực tiếp tham gia của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã mang hàng chục triệu liều vaccine về phục vụ nhân dân.
Ngày 2-9 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều không khỏi cảm thấy bồi hồi, xúc động nhớ về những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những ngày này, dù đất nước còn đối mặt với nhiều thách thức, song niềm lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh nội sinh của dân tộc với sự ủng hộ của quốc tế, cho phép chúng ta tin rằng: Việt Nam sẽ chiến thắng và sẽ phát triển đi lên mạnh mẽ hơn.
Lê Hải Bình
Nguồn SGGP