Cô bé “Dũng sỹ diệt Mỹ” và những lần gặp Bác Hồ

Bây giờ, dù đã bước sang tuổi 65, chị Hồ Thị Thu (ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), cô bé “Dũng sỹ diệt Mỹ” năm nào vẫn còn nhớ như in câu chuyện về những lần gặp Bác, lưu giữ những hình ảnh quý giá về Bác.

 Tấm ảnh chụp kỷ niệm lần thứ 3 cô bé Thu ngày ấy (ngoài cùng, bên phải) với Bác Hồ.

Nhắc đến danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, chị Thu cười hiền, nhớ lại: “Ngày đó, tinh thần vì Tổ quốc cao lắm. Những cô bé, cậu bé như mình khi mới 12, 13 tuổi đã hăng hái góp sức đánh giặc”. Mới 9 tuổi nhưng cô bé Thu ngày ấy đã làm nhiệm vụ liên lạc đưa tin cho bộ đội, 13 tuổi tham gia cách mạng với vai trò du kích, nắm tình hình quân địch để báo về cho cơ sở cách mạng, dẫn đường cho cán bộ cách mạng. Nhỏ nhắn, lanh lẹ và dũng cảm, Thu đã bàn với các bạn đánh lạc hướng địch rồi bỏ cát sỏi vào họng súng của chúng. Nhờ vậy, sau đó quân địch không sử dụng được súng để tấn công du kích và bị tổn thất nặng nề phải rút về căn cứ. Chính cô bé Thu cũng là người “cả gan” bò vào nơi địch ở để “trộm” súng mang về cho cách mạng. Lại có lần, Thu và các bạn chôn những quả mìn tự tạo chờ địch di chuyển đến nơi là cho phát nổ, nhờ vậy đã tiêu diệt được 15 tên địch…

Với những chiến công đó, Thu đã 2 lần được nhận danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và vinh dự cùng 6 thành viên trong đoàn “Dũng sĩ diệt Mỹ tí hon” từ miền Nam ra Bắc học tập gặp Bác Hồ vào năm 1968. Chị Thu nhớ lại, khi đó xe dừng ở Phủ Chủ tịch, các dũng sỹ tí hon xuống xe và đứng quây quần bên Bác. Bác ôn tồn hỏi thăm từng cháu. “Đến lượt tôi, Bác hỏi học lớp mấy. Khi biết tôi không biết chữ vì cha mẹ mất sớm, nhà lại nghèo, Bác rơm rớm nước mắt, âu yếm bảo: “Vậy thì ra ngoài này cháu sẽ được đi học!”. Tôi xúc động và vui sướng không nói lên lời” – chị Thu nói. Rồi những cô bé, cậu bé “Dũng sỹ diệt Mỹ” thay nhau kể cho Bác nghe những câu chuyện đánh Mỹ ở miền Nam. Nghe xong, Bác cười hóm hỉnh, hỏi: “Thằng Mỹ to lớn như vậy, còn cháu thì nhỏ bé. Cháu không sợ Mỹ à?”. Các bạn đều đồng thanh trả lời: “Không sợ ạ!”.

Chị Thu nâng niu những tấm ảnh chụp kỷ niệm với Bác Hồ.

Lần thứ hai, cô bé Thu được gặp Bác là vào ngày 20/12/1968 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi Thu và các bạn đến nơi Bác ở, Bác hỏi thăm từng đứa, sau đó quay sang Thu: “Cháu Thu khỏe không? Mỗi bữa ăn được mấy bát?”. “Dạ 3 bát ạ” – bé Thu trả lời. “Thật không ngờ Bác bận nhiều việc như thế mà vẫn còn nhớ tên và quan tâm đến từng đứa trong chúng tôi” – chị Thu xúc động nói. Rồi các bạn kể chuyện học tập cho Bác nghe. Bác bảo, mỗi bạn thường xuyên viết thư cho Bác và gửi về địa chỉ ở Ba Đình.

Và, lần thứ 3, chị Thu được gặp Bác là vào ngày 13/2/1969. Hôm đó, Bác gặp chị Thu và các bạn trước lúc tiếp đón Đoàn đại biểu Cu Ba. Và, đó cũng là lần cuối cùng chị được gặp Bác. Người đã ra đi mãi mãi, để lại ước mong vào thăm đồng bào miền Nam còn chưa trọn vẹn…

Bây giờ, sau nhiều năm công tác tại Đoàn Không quân B72, chị Thu đã nghỉ hưu và sống cùng gia đình tại căn nhà ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Đã nhiều lần, dù đêm hay ngày, cả khi mưa gió, chị vẫn giúp đỡ hàng xóm, những người thân quen, hoặc ai đó biết đến chuyên môn ngành Y của chị mà nhờ chị. Những gia đình có người vừa qua đời, chị liền giúp khâm liệm; thậm chí, còn hỗ trợ chi phí mua đồ khâm liệm, hương hoa. Tham gia vào Hội Cựu chiến binh, chị lại cùng đồng đội lên rừng tìm và bốc mộ, giúp đỡ gia đình đồng đội khó khăn và gia đình chính sách…

Chị bảo, những lần gặp Bác là ký ức đẹp nhất, quý giá nhất mà chị có được trong cuộc đời. Những lời dạy của Bác và tấm gương sáng ngời về đạo đức của Người đã thấm sâu vào mỗi lời nói, việc làm của chị, giúp chị đứng vững trong những lúc khó khăn của cuộc sống.

Thảo Nguyên

Bài viết liên quan