Tóc bạc giữ “lửa” làng nghề

Đến với nghề khi mới 8 – 10 tuổi. Nay, khi tóc đã bạc trắng, họ vẫn lặng thầm nhóm “lửa” nơi các làng nghề truyền thống trên mảnh đất Đà thành và xem đó như duyên, như nghiệp vận vào đời mình.

Bà Đồ làm chiếu Cẩm Nê

Nghề làm chiếu ở Cẩm Nê nay đã mai một, hỏi ra thì chỉ còn bà và một hộ gia đình nữa là còn gắn bó với cái nghề đã làm nên tiếng tăm của mảnh đất này. Bà là Phan Thị Đồ, 78 tuổi, hiện đang sinh sống tại thôn Cẩm Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Chiếu do bà Đồ làm ra viền chắc chắn, màu sắc đẹp nên chiếu chưa kịp ra lò đã có người đặt mua.

Bén duyên với nghề dệt chiếu lát kể từ khi mới chỉ là đứa trẻ 8 tuổi. 20 tuổi lấy chồng, cùng với nghề nông, nghề dệt chiếu lát là một trong những nghề chính không chỉ của gia đình bà mà còn của cả làng Cẩm Nê lúc bấy giờ. Ngày ấy, ai đi xa về khuya, bước vô làng đều không khỏi ngạc nhiên vì nhà nhà châm đèn cần mẫn ngồi dệt chiếu. Đó là “thời hoàng kim” của làng nghề chiếu lát Cẩm Nê. “Bây giờ, đi lượm chai bao ngày kiếm cũng được trăm ngàn. Hôm nào trúng mẻ sắt có khi đến mấy trăm. Chứ cái nghề này lặt vặt, không có ngày công nên dần dần người ta cũng bỏ để đi kiếm kế sinh nhai khác” – bà ngậm ngùi chia sẻ.

Các nguyên liệu như sợi lát, sơn, phẩm màu đều đặt mua ở Bàn Thạch (Hội An – Quảng Nam). Vật giá ngày càng lên, một kí sợi hiện tại đã hơn 2.500 đồng, đó là chưa kể lắm khi gạch, đá được độn vào bên trong để cho tăng kí. Sợi sau khi mua về được phơi cho đủ 5 nắng. Nắng phải to để sợi không bị ẩm, mốc. Tiếp đến là công đoạn phân loại các loại sợi 1m6, 1m4, 1m3, 1m2 ra riêng, đem đi nhuộm màu, tiếp tục phơi khô sau đó mới đem đi dệt.

Tuổi già, sức yếu, một mình làm không xuể, nên cứ mỗi lần đến công đoạn dệt, bà phải gọi thêm người. Do vậy mà trừ tiền nguyên liệu ra, tiền nhân công ra nhẩm tính tiền lời cũng không còn bao nhiêu. Đấy là chưa kể vốn bỏ ra lâu thu hồi. Làm nghề thủ công mà như thế thì không có đồng lời. Thế nhưng, khi hỏi bà có ý định từ bỏ nghề không, bà Đồ quả quyết: “Không! Mấy thằng con tôi không cho làm vì thấy tôi lọ mọ sớm khuya hoài cực quá. Nói ba mất rồi, tụi con lo cho má không nổi hay sao mà còn làm. Nhưng mà không làm buồn tay buồn chân lắm cô ơi! Tôi già rồi, ngồi chỗ không khéo lại sinh bệnh”. Nói rồi bà khẽ thở dài, lẳng lặng nhìn lên bàn thờ chồng. Khói hương bảng lảng, tiếng kinh cầu vang vọng trên bàn thờ khiến cho tuổi già của bà thêm hiu quạnh.

Với bà, việc ngồi dệt chiếu giờ đây đã là cuộc sống, là khoảng thời gian nhắc nhớ bà những kỷ niệm về người chồng quá cố. Đó cũng là một trong những nguyên do khi đã đến cái tuổi này rồi nhưng bà vẫn cặm cụi với nghề. Những năm tháng cực nhọc, cái ăn cái mặc phải tằn tiện chắt bóp từng đồng, cùng chồng sớm khuya dệt chiếu, nghĩa tình vợ chồng cũng khắn khít hơn từ đó.

Chiếu do bà làm ra màu đẹp, đường viền chắc chắn, được gấp mí kỹ càng nên khi sản phẩm chưa ra lò đã có người đến đặt hàng. Bà Đồ bộc bạch: “Phải yêu mới gắn bó được với cái nghề gia truyền này. Nếu chạy theo số lượng thì không còn là chiếu của làng Cẩm Nê nữa. Sinh ra ở Cẩm Nê, chết đi cũng trên mảnh đất này, không làm thì thôi, đã làm thì mình phải làm cho đúng với quê hương mình”.

Ngon nức tiếng nước mắm Bà Cử

Đến đất Nam Ô, hỏi nhà bà Cử làm nước mắm, người dân ai cũng rành rọt: “Có phải bà Dương Thị Cử làm nước mắm lâu đời ở đây không?” rồi chỉ tường tận như người trong nhà.

Lấy chất lượng làm đầu nên không cần mang đi đâu xa, khách tự tìm đến với nước mắm Bà Cử.

Bà là Dương Thị Cử, 74 tuổi, hiện đang sống P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu. Vùng đất Nam Ô xưa nay vốn nổi tiếng với hai nghề: làm pháo và làm nước mắm. Kể từ khi Nhà nước cấm đốt pháo, nghề làm pháo theo đó cũng không còn. Duy chỉ có nghề làm nước mắm thủ công là vẫn còn sống và được người dân tin dùng bởi vị đậm đà không lẫn vào đâu được. Nhưng làng nghề giờ cũng không còn như xưa, nhẩm đi nhẩm lại cũng chỉ còn khoảng mươi hộ làm mắm để bán.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ bà là Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Tâm, chồng bà là liệt sĩ, bản thân bà được Nhà nước trao tặng HCKC chống Mỹ hạng III. Bà kể, năm 1965, khi đế quốc Mỹ càn quét thôn Trường Định, xã Hòa Liên – nơi bà đang sống, bà cùng gia đình phải di tản xuống Nam Ô lánh nạn và sống đến tận bây giờ. Cái duyên đến với nghề làm nước mắm cũng khởi đầu từ đó. Cha mẹ chỉ có mình bà, nên bao nhiêu bí quyết để làm ra được hủ mắm ngon đều truyền lại cho cô con gái rượu. 18 tuổi, bà bắt đầu làm quen với con cá cơm, hạt muối, với chum, vại,…của nghề làm nước mắm.

Mắm của vùng đất Nam Ô này nhất định phải làm từ cá cơm than. Loại cá chỉ thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6 Âm lịch, năm nào may mắn được mùa thì có khi kéo dài đến tháng 7. Cá phải tươi, to bằng ngón tay, có thể nhỏ hơn. Cá mang từ bến về không được rửa, nếu rửa thì phải là nước mặn. Loại muối làm cá phải to, chắc hạt, được phơi ngoài nắng dài ngày cho rõ nước chát.

Bí quyết để nước mắm được thơm, ngon bà Cử cho biết: “Cứ 10 kg cá là 4 kg muối. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Mắm càng để lâu càng ngon, mắm của tôi toàn để hơn một năm mới lấy mắm. Năm này muối năm sau lấy mắm. Đừng vì lợi nhuận mà làm mất đi hương vị đặc trưng của nước mắm Nam Ô mà cha ông mình đã gầy dựng”. Cứ khoảng 4 tấn cá, bà thu được khoảng 2 tấn nước mắm loại I. Mắm của bà chỉ lấy một nước nên chỉ cần chấm đầu ngón tay nếm thử, vị mặn mòi, mùi vị thơm nồng đặc trưng của cá đọng lại nơi cuống họng sẽ làm người khác nhớ mãi.

Tuổi cao, gia đình lại neo người, nên mắm bà làm ra chỉ bán qua những cú điện thoại. Khách mua hoài thành quen, chỉ cần điện dặn trước ngày là mai có mắm. “Mua ăn, mua biếu mấy cũng tới nước mắm bà Cử mua thôi. Tôi ăn mắm bà ấy mấy chục năm nay rồi” – một vị khách nhà ở tận Phước Tường chia sẻ.

Bà cho biết, hiện nay dân trong làng làm nước mắm để ăn thì hầu như nhà nào cũng có nhưng làm bán thì ít lắm, làm cho được mắm ngon lại càng ít hơn. Bà Cử sống một mình, sớm hôm lọ mọ làm mắm cũng một mình. Duy chỉ những lúc đầu mùa cá bà mới gọi thêm người làm. Hỏi tại sao bà không an hưởng tuổi già, làm gì cho cực khi hai đứa con đều đã lớn và có thể lo cho bà được. Bà chẳng nghĩ ngợi nhiều, lặp đi lặp lại: “Phải làm chứ cô! Phải làm chứ cô! Đến đời tôi đã là đời thứ 3 làm mắm. Cha mẹ chỉ có mình tôi. Khi họ qua đời, không ai bắt buộc tôi phải gắn cả đời với nghề. Nhưng tự tôi cảm thấy nghề này như đã ăn sâu làm máu thịt của mình rồi. Không làm thì nhớ lắm. Tôi lớn lên và sống được đến giờ này cũng nhờ vào cái nghề làm mắm. Tôi nguyện rồi, làm tới cuối đời thì thôi”.

Bà Cử gan ruột: “Phải đam mê, phải thật sự yêu nghề mới theo được cái nghề làm mắm này chứ không phải dễ đâu. Tôi già thì già thật nhưng tình yêu của tôi với nghề làm mắm gia truyền của mảnh đất Nam Ô này chưa bao giờ vơi!”.

Bình An

Bài viết liên quan