Vũ Trọng Hoàng: Người con đất Quảng kiên trung
(Dangbodanang.vn) – Đó là tiêu đề tập sách, vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với gia đình đồng chí Vũ Trọng Hoàng tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản.
Cuốn sách gồm hai phần: Phần thứ nhất (ký sự): Giới thiệu về quê hương, gia đình và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Vũ Trọng Hoàng. Phần thứ hai: Gồm những bài viết, ghi chép theo ký ức của các đồng chí, đồng đội – những người từng gắn bó, công tác, chiến đấu với đồng chí Vũ Trọng Hoàng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, khái quát tương đối đầy đủ về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng; những phẩm chất cao quý của đồng chí Vũ Trọng Hoàng – người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
Việc xuất bản và phát hành tập sách thể hiện sự tri ân với những công lao, những cống hiến, hy sinh của đồng chí Vũ Trọng Hoàng – người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người con trung hiếu của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng cho sự nghiệp cách mạng của quê hương.
Đồng chí Vũ Trọng Hoàng, tên thường gọi là Bốn Hương, sinh ngày 01/5/1923, tại làng Phương Trì, tổng Xuân Phú, nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1939, lúc mới 16 tuổi,đồng chí đã tham gia hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi dân sinh – dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng.Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đầu năm 1942, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Quế Sơn, Hội An, bị đày đi căng an trí Ly Hy, rồi nhà lao Thừa Phủ – Huế. Trong nhà lao, mặc dù bị tra tấn dã man dưới đòn roi của quân thù nhưng đồng chí vẫn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, động viên anh em tù chính trị giữ vững tinh thần, tin tưởng và đoàn kết cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, đế quốc. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được trả tự do. Ngay sau khi ra tù, đồng chí đã chủ động bắt liên lạc với tổ chức Đảng và tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng tín nhiệm giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam công tác, được phân công làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn. Từ năm 1963, đồng chí được cử làm Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Khu ủy viên – Phó Trưởng Ban Tổ chức Khu ủy 5. Mặc dù cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng gian khổ và ác liệt nhưng đồng chí vẫn kiên cường trụ bám xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà từng bước vượt qua khó khăn, tiến lên giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần cùng nhân dân miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đồng chí được phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 – 1981). Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ năng nổ, gương mẫu, đầy trách nhiệm với công việc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí có cuộc sống giản dị, liêm khiết, chí công vô tư; đặc biệt đồng chí rất gắn bó và có nhiều công hiếncho công tác xây dựng Đảng, nhất là trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng về tổ chức và cán bộ.
Năm 1983, tròn 60 năm tuổi đời với gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, do sức khỏe suy giảm, đồng chí được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện, tỉnh và khu 5, đồng chí tích cực tham gia góp ý hoàn thiện lịch sử Đảng bộ địa phương và các tỉnh khu 5, nhất là lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng giai đoạn 1930 – 1975. Mặt khác, đồng chí không quên cùng bạn bè, đồng đội thăm lại các chiến trường xưa, thăm hỏi ân cần và biết ơn những đồng bào, đồng chí đã cưu mang, nuôi gấu, đùm bọc, giúp đỡ mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt để mình có được như ngày hôm nay. Trước khi nhắm mắt, đồng chí Vũ Trọng Hoàng đã dặn dò Trung tướng Nguyễn Huy Chương những lời tâm huyết: “Chương cố gắng chứng nhận cho các đồng chí bị bắt, bị tù mà chúng ta biết rõ để các đồng chí ấy không bị thiệt thòi, được hưởng quyền lợi xứng đáng với công lao đã đóng góp. Ở Quế Sơn, số cán bộ cựu trào đã đi hết rồi, chỉ còn lại tôi và cậu. Cậu cố gắng tham gia với Quế Sơn viết lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và của quân dân Quế Sơn. Chắc từng trải trường đời cậu hiểu, con người sống đã khó, sống trọn vẹn càng khó. Về hưu chưa hẳn đã xong đâu. Cuộc sống còn nhiều phức tạp lắm. Đừng chủ quan, cố giữ mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay…”.
Theo Trung tướng Nguyễn Huy Chương, thì“Bốn Hương là một người có tình, có nghĩa với dân, với bạn bè, đồng chí, là người kiên trì, tận tụy với công việc, luôn trong sáng, liêm khiết và giản dị. Với kẻ thù thì bất khuất, không khoan nhượng. Bốn Hương không đầu hàng với phận nghèo của gia đình. Không đầu hàng trước sự tàn bạo của kẻ thù, sự khốc liệt của chiến tranh…”. Đó là những lời nhận xét, đánh giá không thể đầy đủ hơn đối với đồng chí Vũ Trọng Hoàng – người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn vẹn nghĩa tình.
Với những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Vũ Trọng Hoàng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 60, 50, 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lê Năng Đông