Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh – Một tấm gương về tinh thần hiếu học và trí thức dấn thân

(Dangbodanang.vn) – Trong suốt chiều dài lịch sử khoa cử Quảng Nam, tại huyện Hòa Vang, duy nhất chỉ có một vị tiến sĩ, đó là Đỗ Thúc Tịnh. Đáng nói hơn, ông là đại diện tiêu biểu cho tinh thần hiếu học, ý chí dấn thân của một trí thức nho giáo mang đậm phong cách xứ Quảng.

Đón nhận bằng ti tích lịch sử cấp Quốc gia mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh – 2008.

Có thể nói, cuộc đời của cụ Đỗ Thúc Tịnh được dẫn dắt bởi tinh thần hiếu nghĩa, thực học, thực tài và hành xử trước thời cuộc theo tính cách và giá trị phổ quát “dám dấn thân” chung của nhân sĩ xứ Quảng. Hai nhân tố dễ nhận thấy điều này ở Đỗ Thúc Tịnh, chính là tinh thần hiếu học và sự dấn thân theo hướng phụng sự quốc gia, dân tộc là rất rõ. Bài viết này, xin tìm hiểu về Đỗ Thúc Tịnh ở các khía cạnh vừa nêu.

Quảng Nam nổi tiếng là một vùng đất học[1], điều này được Quốc sử quán triều Nguyễn từng công nhận: “Núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói nhưng vì thổ lực không hậu và thế nước chảy gấp, nên tánh người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy có người học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”[2]. Hàng trăm năm sau, khi nhận xét về người Quảng, trong đó có Hòa Vang, các sử gia triều Nguyễn đã khen tặng rằng: “Học trò chăm chỉ học hành, nông phu chăm nghề làm ruộng, siêng năng sản xuất, vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Dân ven núi thì sinh nhai nghề hái củi đốn cây, tính tình chất phát; dân ven biển thì sinh nhai nghề tôm, tính tình nóng nảy”[3].

Đỗ Thúc Tịnh sinh ra ở một vùng quê nghèo tại Hòa Vang – trong không gian chung của văn hóa xứ Quảng, vùng đất đó dù nghèo song vẫn hiển hiện tinh thần hiếu học, “học trò chăm chỉ” đúng như ghi chú của Quốc sử quán triều Nguyễn trong công trình “Đồng Khánh dư địa chí” chép về Hòa Vang rằng: “Đất xấu, dân nghèo, ăn mặc, tiêu pha tằn tiện, số lượng kẻ sĩ ít hơn các huyện lân cận nhưng tiến sĩ (ý chỉ Đỗ Thúc Tịnh, vì Hòa Vang có duy nhất mình ông đạt học vị này – Tác giả), cử nhân, tú tài thỉnh thoảng cũng có”[4]. Từ chiếc nôi ấy, xuất thân từ một gia đình khoa cử, ngay từ nhỏ Đỗ Thúc Tịnh đã có tư chất thông minh, hiếu học hơn người.

Đỗ Thúc Tịnh, tự là Cấn Trai, người xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ông sinh vào giờ tuất ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (20/2/1818). Trước khi thi đậu tiến sĩ, ông có tên là Đỗ Như Chương, tên, họ và chữ lót này phù hợp với danh tánh của cha ông: Đỗ Như Tùng, tự là Mậu Hiên, đậu sinh đồ, hàm Hàn lâm viện thị giảng. Mẹ ông là bà Đinh Thị Thoại, một phụ nữ đảm đang, cần kiệm trọng chữ nghĩa. Nguyên họ Đỗ gốc ở tỉnh Quảng Ngãi, vì cuộc chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, nên đã ra lập nghiệp tại La Châu, Quảng Nam. Sau khi đến Hòa Vang, ông Đỗ Như Tùng, trú tại làng La Châu, tổng Phước Tường thượng. Ông Tùng đỗ hai khoa sinh đồ (tú tài) năm (1819) và (1821). Theo cuốn Hòa Vang huyện chí thì Đỗ Như Tùng là “tú tài khai khoa (đỗ đầu tiên – Tác giả) của huyện Hòa Vang”. Ông được triều đình Huế bổ làm tri huyện, huyện An Định.

Đỗ Thúc Tịnh mồ côi cha từ sớm, song ông lại có được một hiền mẫu vô cùng đức hạnh, chính bà là người chăm sóc, dạy dỗ để Thúc Tịnh có được tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa hiếm thấy như sau này. Gia phả tộc Đỗ và nhân dân trong làng vẫn còn truyền rằng: bà Đinh Thị Thoại luôn “Chăm sóc việc nhà, mỗi khi thấy giấy chữ Nho bỏ rơi, bà tiếc vô cùng, liền bỏ công thu nhặt, sắp xếp lại, thường đem việc trung hiếu, kinh sử dạy dỗ các con. Do ảnh hưởng đó, Thúc Tịnh nổi tiếng nuôi mẹ, thờ anh hết lòng thảo kính”. Tinh thần hiếu học, hiếu để của Đỗ Thúc Tịnh cũng đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận là: “Thúc Tĩnh lúc nhỏ mồ côi cha, nhà nghèo mà chăm học, thờ mẹ và anh rất cẩn thận, có tiếng hiếu hữu”[5]. Cuốn Hòa Vang huyện chí còn chép về ông rõ hơn là: “Ông thuở nhỏ thông minh, hiếu học. Ngoài nho học, ông còn thông cả y, lý, bốc (làm thuốc, xem tướng số, bói toán), không chỗ nào là không biết. Thờ mẹ, vâng lời anh, rất có hiếu đễ”[6].

Càng lớn lên, Đỗ Thúc Tịnh càng học giỏi, thông minh nức tiếng khắp vùng. Gia phả tộc Đỗ có chép một chi tiết đáng lưu ý: “Khi Như Chương (tức Thúc Tịnh) lớn lên, học giỏi đỗ đạt và trở thành mối bận tâm cho những “dân chánh cư” trong làng, hào lý địa phương gây khó cho gia đình “ngụ cư” này, họ định truất tên trong bộ đinh của làng. Mẹ của Đỗ Thúc Tịnh bèn đưa các con Như Khê, Như Chương và Như Bích tạm sang ở nhà thông gia ở làng bên. Đến năm 1841 – 1842, tiến sĩ Lê Thiện Trị người xã Long Phương, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, gởi lời lên Tỉnh đường Quảng Nam, tỉnh thần mới khẩn sức cho làng La Châu phải ghi tên anh em nhà Đỗ Thúc Tịnh vào bộ đinh.

Nhờ thông minh hơn người và tinh thần hiếu học, Đỗ Thúc Tịnh đã đỗ tiến sĩ vào năm 1847[7]. Về sự kiện này, sách Đại Nam thực lục có chép: “Mùa hạ, tháng 4, Tự Đức năm thứ nhất (1848), nhà vua chuẩn cho 8 người đỗ kì thi Hội năm này, trong đó có Đỗ Thúc Tịnh được vào sân điện Cần Chánh chiêm bái. Trong kì thi Điện (thi đình), Đỗ Thúc Tịnh được Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân[8]. Điều đáng nói hơn, nếu cha ông là “tú tài khai khoa” của Hòa Vang thì ông lại là “tiến sĩ khai khoa của Hòa Vang”[9]. Một vị quan lớn gốc Quảng, là bạn tri kỷ với ông là cụ Phạm Phú Thứ cũng đã chép trong sách Giá viên toàn tập rằng: “Thúc Tĩnh họ Đỗ, người cùng tỉnh (với ta). Ông người huỵện Hòa Vang. Năm Đinh Mùi triều Thiệu Trị (1847) thi đỗ đồng Tiến sĩ”[10].

Sau khi nhận bảng vàng, bia đá[11], năm Tự Đức thứ 3 (1850), Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm tri phủ huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Được một thời gian ngắn, ông phải xin về vì mẹ đau nặng. Gia phả tộc Đỗ tại La Châu có chép: “Suốt ngày ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút”. Nhưng mẹ già đã bỏ ông, bà mất năm Tân Hợi (1851) thọ 67 tuổi. Theo tinh thần lễ giáo phong kiến, lại là một người con hiếu nghĩa, Đỗ Thúc Tịnh ở nhà để tang mẹ trong ba năm. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), ông lại được gọi ra, bổ tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Điều đáng nói là, trong 3 năm để tang mẹ tại quê nhà, ông đã khởi xướng việc xây dựng Văn chỉ Hòa Vang như ta thấy còn dấu tích cho đến hiện nay. Chính trong khoảng thời gian ở nhà thọ tang cho mẹ, ông đã gặp gỡ và bàn bạc với các thân hào, nhân sĩ trong hội tư văn huyện Hoà Vang, nhất là với tri huyện Nguyễn Huy Bính, xúc tiến xây dựng Văn chỉ La Châu (cấp huyện). Công việc tiến hành đến cuối mùa xuân năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành, và cũng chính Đỗ Thúc Tịnh là người chấp bút viết bài văn bia dựng  trước Văn chỉ. Trong văn bia dựng lại năm Khải Định thứ 4 (1919), cho biết công lao của Đỗ Thúc Tịnh trong việc nêu cao tinh thần hiếu học, động viên hậu bối tiếp tục theo con đường khoa cử nhằm lập thân, giúp nước tại quê nhà như sau: “Thánh từ chi thiết hữu tự lai hỉ. Hoàng triều Tự Đức ngũ niên, La Châu xã, Tuần phủ Đỗ Tiên Công, xướng tạo từ, nhân binh hoả phần ư Thành Thái gian. Bản tổng hương thân cúng tiền lập văn hội, tiền hậu cụ hữu bi chí, phụng sự”. Nghĩa là: “Đền thánh được lập ra đã có từ trước rồi. Năm Tự Đức thứ năm, ngài Tuần phủ người xã La Châu là Đỗ Tiên Công (tức Đỗ Thúc Tịnh) là người đề xướng tạo dựng đền thờ. Trong thời Thành Thái vì binh lửa nên đã bị cháy trụi. Các bậc hương thân trong tổng (tổng An Phước) cúng tiền lập lại văn hội, trước sau đều có ghi trong văn bia”1Điều này cho thấy, Đỗ Thúc Tịnh là người có vai trò lớn đối với sự hình thành Văn chỉ La Châu. Văn chỉ La Châu, lúc bấy giờ, là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân, đồng thời là nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hoá của dân tộc ở địa phương.

Mộ của Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh.

Văn chỉ La Châu là hình thái “Văn miếu” cấp phủ, huyện. Trong 6 phủ, huyện của tỉnh Quảng Nam xưa, đều có xây Văn chỉ, với qui mô nhỏ hơn Văn miếu tỉnh, nhưng nhìn chung cách bài trí cũng không khác Văn miếu tỉnh. Về văn miếu này, sử triều Nguyễn có chép: “Văn miếu La Châu có một tòa chính đường, gian giữa xây lầu cổ và 3 gian tiền đường đều lợp ngói, Phía trước làm cửa tam quan và trụ biểu. Nguyễn trước thuộc huyện Hòa Vang”[12]. Năm Ất Dậu (1885), nhân có biến cố phong trào Cần Vương tỉnh Quảng Nam, quân Pháp đã thiêu huỷ Văn chỉ, đến năm Thành Thái thứ 16 (1904) Văn chỉ mới được trùng tu, sửa chữa và đến năm Bảo Đại thứ 17(1942), Văn chỉ tiếp tục được trùng tu, tôn tạo một lần nữa, trong dịp này một văn bia bằng đá cẩm thạch trắng được khắc dựng nhằm ghi công đức, tài lực nhân dân và thân hào địa phương đóng góp1. Sau này, khi làm quan tại Khánh Hòa, Đỗ Thúc Tịnh cũng là người chủ trì thực hiện việc xây Văn chỉ Diên Khánh, hiện còn khá nguyên vẹn tại thành phố Nha Trang.

Tinh thần hiếu học của ông là tấm gương cho học nghiệp của Hòa Vang, mà trước hết là những người trong gia đình ông như: Đỗ Bùi Trị, là con trai út của Tuần vũ Đỗ Thúc Tịnh. Năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 32, được tập ấm được vào Tọa giám với danh hiệu: Thượng hạng ấm sinh. Đỗ Thúc Đảnh, là con trai thứ của Đỗ Thúc Tịnh, năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 được nhận danh hiệu Ấm sinh vào hậu bổ ở tỉnh.

Như đã nói, sau 3 năm chịu tang mẹ, năm Tự Đức thứ 6, Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm Tri phủ, phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Sử cũ chép, lúc bấy giờ phủ Diên Khánh là nơi quan lại thoái hóa, trộm cướp hoành hành khắp nơi, cọp dữ chuyên rình bắt người qua đường, dân tình đói khổ, tiếng ta thán trong dân gian khá dữ. Với trách nhiệm của một trí thức và tinh thần dấn thân đặc trưng của nhân sĩ xứ Quảng, Đỗ Thúc Tịnh đã có hàng loạt công việc cần kíp, nhanh chóng ổn định tình hình: “Dân phủ này từ xưa đã chịu nhiều nỗi khổ cực của miền núi rừng, đường xá ngăn cách đi lại không thuận lợi, dân thường bị cọp dữ bắt, nên cư dân phải lưu tán nhiều nơi. Khi ông đến nhận nhiệm sở, đích thân đốc suất dân làng săn bắt cọp dữ, sửa sang đường xá. Sau thời gian ngắn cọp rừng đã lánh xa, dân cư được chiêu mộ từ các nơi về có đến vài trăm hộ. Họ bắt đầu xây dựng xóm làng qui tụ thành từng vùng. Nhà nước còn giúp họ mua sắm nông cụ, trâu bò, khai khẩn đất hoang. Người già được nuôi nấng. Người ốm đau được cho thuốc chữa. Những nhà nghèo khổ được chẩn cấp. Bọn cường hào gian ác được trừng trị. Bọn du thủ du thực được răn đe để trở về với nghề nông, lấy tang làm gốc”[13]. Đọc những chính sách mà ông đã thực thi tại Diên Khánh cho thấy tinh thần “thực học, thực tài”, chuộng tính hiệu quả của người Quảng thông qua con người Đỗ Thúc Tịnh là rất rõ.

Với thái độ dấn thân, thanh liêm và tinh thần thương dân như con của Đỗ Thúc Tịnh, nhân dân trong phủ (Diên Khánh) rất biết ơn ông, nên khi triều đình điều chuyển ông đi hạt khác, thì họ nhiều lần xuống tỉnh yêu cầu ông ở lại cho dân được nhờ. Các tỉnh thần đề đạt ý dâng lên, vua Tự Đức đã châu phê: “Người này ở chức giữ vẫn nghèo mà trong sạch, không làm việc trái lương tâm, hết lòng lo việc dân. Mấy lần tỉnh thần đề đạt lên cũng đồng một lời giống nhau. Xét thấy người này thanh liêm, mẫn cán, thật là người tốt trong hàng phủ huyện, thì cũng phong cho Hàn lâm viện thị độc, nhưng ở lại lãnh tri phủ phủ đó (Diên Khánh) để làm lời khuyên cho những người ra làm việc dân!”. Vua Tự Đức đồng ý phong chức và cho ông được tiếp tục ở lại nhiệm sở. Phạm Phú Thứ – một người bạn, là đồng hương Quảng Nam đã nói về ông là: “Thúc Tĩnh thi ân huệ ưu ái với nhân dân, thời đó nổi tiếng là bậc chăn dân tối ưu. Vua cất nhắc ông liên tiếp làm Án sát Khánh Hòa rồi lên Bố chính”[14]. Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi nhận lời vua Tự Đức khen ngợi ông là: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ, huyện”[15].

Khi quân Pháp đánh chiếm Nam kỳ, vua Tự Đức ban chiếu kêu gọi sĩ phu, quan lại khắp nước hiến kế đánh giặc, Đỗ Thúc Tịnh đã nhiều lần tình nguyện xin vào Nam đánh giặc song vua vẫn chưa ưng thuận. Ở đây, chúng ta nhận thấy tinh thần khẳng khái, nghĩa khí cương cường, đúng chất sĩ phu đất Quảng qua hành động này của ông. Bởi, giữa bối cảnh lịch sử đương thời, chủ trương trong triều ngoài nội giằng xé nhau giữa “hòa” hay “chiến”, thì nổi lên hai nhân vật “quyết lòng đánh Tây”, “mộ dân phu đánh giặc” là Phạm Văn Nghị ở tỉnh Nam Định và Đỗ Thúc Tịnh ở tỉnh Quảng Nam. Phạm Văn Nghị, thì khẳng khái mộ nghĩa dân kéo vào Trà Sơn (Đà Nẵng) đánh Pháp; Đỗ Thúc Tịnh thì xin vua cho mình trực tiếp vào Nam kỳ, để mộ dân binh đánh giặc. Bối cảnh ông tình nguyện vào Nam kỳ được cụ Phạm Phú Thứ nêu rõ: “Nhằm lúc thuyền Tây dương lấn lướt dữ ở Gia Định, đại đồn thất thủ, quân thứ rút lui giữ các tỉnh Biên Hòa, Vĩnh Long, (ông) nhiều lần dâng sớ xin cứu viện, nhưng đường sá bị ngăn trở. Vua muốn sai lĩnh mệnh đi trước, đến nơi làm việc phủ dụ an ủi tướng sĩ, tập hợp binh dân về quân thứ, gây thanh thế mưu tính thu phục lại (đất đai), nhưng không tìm ra được người làm việc đó. Đỗ cả quyết xin được cho đi. Vua cảm khái sai tiễn đưa, dặn riêng hãy bí mật đến Vĩnh Long rồi tùy cơ tính việc chiêu thảo”[16]. Về việc ông tình nguyện vào Nam kỳ đánh giặc, cuốn Hòa Vang huyện chí có một đoạn đáng chú ý: “Đến khi Pháp đã lấy Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long cũng theo đó mà mất luôn. Triều đình nghị giảng hòa, ông thẳng thắn dâng sớ xin tự thân tới biên thùy để vỗ an tướng sĩ, rao mời khắp binh dân, tính toán lấy lại mấy tỉnh đã mất. Nhà Vua khen ý ông hùng tráng, mời vào bên ngai, hỏi kế đánh giặc để lấy lại mấy tỉnh. Trước mặt Vua, ông tâu xin vận dụng sức của, sức người của sáu tỉnh (Nam Kỳ) để lấy lại bờ cõi cho sáu tỉnh, không phải hao tốn đến binh lương của triều đình. Vua rất đẹp lòng, khen thưởng, lập tức trao ông chức tuần phủ Định Tường, đặc sai khâm phái hội biện quân vụ, ban cho ấn gươm”[17]. Nhận xét về việc các quan tâu bày cách thức đánh giặc, vua Tự Đức thấy: “Nay cứ các tập tâu bày, xem ra đều biết cố gắng cả, nhưng dùng được thì có ít. Trong ấy có Hồng lô tự khanh biện lý công việc bộ Binh là Đỗ Thúc Tịnh…xin đi theo quân thứ. Lòng nghĩa khái của viên ấy thực là đáng khen. Trẫm đã chước lượng chiểu theo lời xin, để cổ động sĩ khí và yên lòng dân. Nay chuẩn cho Đỗ Thúc Tịnh lấy chức hiện làm…sung làm Khâm phái quân vụ”[18]. Nhà vua còn căn dặn ông: “Đỗ Thúc Tĩnh…có lòng khẳng khái biết phấn khởi, nên thể theo lòng trẫm, đều đem hết tài giỏi mưu mô, cốt phải điều khiển việc quân cho được thoả đáng. Khiến cho giặc khiếp sợ, nghe thấy bóng gió đã lui chạy để thu lại đất cũ. Như thế là…ngươi, lời nói việc làm đúng nhau, trẫm tất ban khen mà cất nhắc lên. Trẫm hằng ngày mong đợi đấy”[19].

Vậy, Đỗ Thúc Tịnh đã tâu bày “thẳn thắng”, “ý ông hùng tráng” như thế nào để thuyết phục vua Tự Đức? Sử cũ không chép rõ, song qua ý tứ của các nhà chép sử lúc đó, ta thấy tinh thần “Quảng Nam tính” hiển hiện trong lời tấu của Đỗ Thúc Tịnh và được vua Tự Đức chuẩn y là: “Phàm mọi việc đều tùy tiện mà làm: Binh lương cho phép trù định lấy, viên biền cho phép cắt đặt lấy, lính dõng cho phép tổ chức huấn luyện lấy, tiền thóc cho phép quyên phát lấy, đến như tướng sĩ ai có công được khen thưởng, sợ hãi rút lui thì bị chém đầu đem rao để thị uy”[20]. Việc vua Tự Đức kết luận, giao quyền cho Thúc Tịnh như vừa nêu, cho thấy ông chỉ xin vua “chủ trương”, “phương lược” để hành động, còn mọi việc còn lại ông tự xoay xở, gánh vác lấy. Nếu nhìn vào hành xử của Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm, hay gần đây là Nguyễn Bá Thanh ta sẽ thấy sự tương đồng lý thú giữa họ: Xin vua (trung ương) cho cơ chế, còn mình tự tìm hướng đi! Sĩ phu xứ Quảng là vậy! Không phải ngẫu nhiên, vua Tự Đức: “Đặc cách cho có quyền to, để bắt buộc phải làm được thành hiệu. Công việc ở quân thứ, trừ ra những việc quan hệ khẩn cấp lập tức phải làm tờ đệ tâu thì không kể, còn các việc giữ giặc, lấy lương bắt lính, cho mỗi tháng một lần tâu báo để Trẫm được biết rõ”. Qua đó, mới thấy lời tâu “thẳng thắn”, “hùng tráng” của cụ Đỗ tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của vua Tự Đức đến mức nào.

Bộ các Khám thờ bằng gỗ Trắc do Tổ Đỗ Thúc Tịnh cúng tặng khi ông còn làm quan,
hiện còn tại nhà thờ tộc Đỗ ở làng La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Vừa đến Nam kỳ, Đỗ Thúc Tịnh đã bắt tay vào việc chiêu mộ dân phu, kêu gọi phú hào đóng góp tiền của, cử quân lính thu thập tin tức của giặc…Cho nên: “Khi ấy ở Định Tường thất thủ, ông dâng sớ xin đến chiêu mộ quân nghĩa dũng để toan khôi phục; trong tuần nhật, mà người ứng mộ kể đến số ngàn”[21]. Về vấn đề này sử nhà Nguyễn có ghi: “Sau khi viên ấy đến nhận chức, nhiều lần tuân Dụ, khám xét tình hình, trù nghĩ phương lược, mọi khoản đều có thể khả quan”. Vua Tự Đức rất đẹp lòng: “Nhưng cái lòng vì nước đuổi giặc, sẵn có mưu mô như thế chắc là đến chỗ hiểm cũng như đất bằng, có thể cổ vũ được sĩ khí mà giúp ích cho uy thế của Nhà nước vậy. Có tiết tháo trong khi gian nan, thương ngươi là kẻ hiền lao”[22]. Ông còn bày ra nhiều phương lược để đánh Tây, nhiều tài liệu cho thấy Đỗ Thúc Tịnh đã chủ trương phối hợp hành động cùng Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương…lập nên chiến công lớn trong việc đột kích dùng hỏa công đốt cháy chiến thuyền “Hy vọng” (Espérance) và đánh đắm chiếc “Ma-Nha” trên sông Nhật Tảo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Đại Nam thực lục có chép: “Thự tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, lãnh tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tịnh đều nói trận này là trận xuất sắc nhất cho nên mới được thưởng cho hậu”[23]. Phạm Phú Thư trong bài thơ tặng Đỗ Thúc Tịnh cũng đã viết:

“Ông biết vì nghĩa phẫn

Ông hiến một mưu sâu

Trên bộ phá lũy giặc

Dưới sông chặn đốt tàu

Thưởng công thơm chén rượu

Đất nước phục hồi mau”[24]

Tinh thần dấn thân vì dân, vì nước đã được triều đình ghi nhận: “Năm Tự Đức thứ 14, ông được điều về kinh thăng chức Hữu Thị lang Bộ Binh, vì có công lao và tinh thần chống giặc, ông được thưởng một tấm huy chương “RỒNG VÀNG””[25]. Tiếc thay, ngày 25 tháng Giêng năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15, chẳng may ông bị chứng thổ tả và qua đời tại quân thứ. Được tin các biên thần tâu về, vua Tự Đức rất đỗi đau buồn và than rằng: “Người tôi trung và mẫn cán chẳng may bị đoản mệnh, chẳng biết sự cơ rồi sẽ như thế nào? Vả lại, khi con người mà bị mất cả “chân tay” (ý nhà vua muốn chỉ Đỗ Thúc Tĩnh mất đi là mất một cánh tay đắc lực của mình – Tác giả) thì đâu có khả năng làm được lớn!”[26]. Quốc sử quán cũng chép: “Thúc Tịnh thấy Gia Định không giữ được, xin đi tuyên Dụ vỗ về tướng sĩ, chiêu mộ binh dân, để mưu thu khôi phục lại. Có chí nhưng chưa làm xong. Vua tiếc lắm!”[27]. Sau khi ông mất đi, vua Tự Đức đã: “Nay cấp một tấm gấm thêu, năm tấm lụa, mười tấm vải, tám chục (80) lạng bạc. Các quan tỉnh thần tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ đưa về tận nguyên quán. Khi linh cữu ông được đưa về đến nhà, các quan tỉnh phải chuẩn bị lễ phẩm, vâng mệnh ta xin gia đình tổ chức lễ tế để an ủi linh hồn ông và để giữ tròn hậu đạo quân thần. Sau khi mọi việc xong xuôi, các tỉnh thần phải xuất hai trăm (200) quan tiền để lo việc nuôi nấng con ông. Khi con ông đến tuổi trưởng thành bộ sẽ phúc tấu, để được lục dung. Hãy kính cẩn vâng mệnh!”. Thể theo mệnh vua, ba người con trai của ông đều được ân tứ: Người con trai trưởng là Hữu Điển được tập ấm ra làm quan đến chức Tri phủ. Người con trai thứ là Thúc Đảnh được ân thụ ấm sinh làm việc ở tỉnh. Người con trai út là Thúc Viên được bổ vào ngạch Thượng hạng ấm sinh tòng học Quốc Tử Giám.

Cuộc đời của Đỗ Thúc Tịnh quả là một tấm gương sáng của tinh thần hiếu học, tinh thần trí thức dấn thân, hết lòng hy sinh vì đại nghĩa, ông xứng đáng là một danh nhân của lịch sử dân tộc, là mẫu hình lý tưởng của tinh thần khẳng khái, nghĩa khí cương cường của nhân sĩ xứ Quảng trong hoạt động công vụ từ xưa đến nay.

Tin, bài: Trang Đảng bộ TP Đà Nẵng

Bài viết liên quan