THỂ LỆ GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” Lần thứ ba, năm 2020 – 2021

– Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;
– Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
– Căn cứ Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên;
– Căn cứ Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 – 2020;
– Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021”;
– Nhằm phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020 – 2021. Thể lệ giải được quy định như sau:
I. NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU
1. Nội dung

Tác phẩm tham dự Giải cần đáp ứng các nội dung sau:

– Phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
– Phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí.
– Phản ánh vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
– Phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xây dựng đạo đức liêm chính. Ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; Bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
– Phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên cả nước trong thời gian tới.
– Phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.
– Đề xuất những giải pháp, ý kiến tốt có hiệu quả nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí và việc tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu đối với tác phẩm báo chí tham dự Giải
– Các loại hình báo chí tham dự Giải: báo in, báo điện tử, báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình).
– Các thể loại: bài nghiên cứu, phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, phóng sự, phóng sự ngắn (phát thanh – truyền hình), phim tài liệu, bản tin, chuyên đề, chuyên mục, tọa đàm, điều tra, bút ký báo chí, bình luận, chuyên luận (không nhận các video clip trên báo điện tử).
– Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục, định hướng dư luận cao.

3. Một số vấn đề cần lưu ý
3.1. Tác phẩm báo in: gửi nguyên bản gốc hoặc photocopy (05 bản), ghi rõ tên báo và thời gian đăng tải (không nhận tác phẩm đánh máy lại), độ dài không quá 5 kỳ. Đối với Tạp chí, không nhận các bài viết có nội dung như tin, bài phản ánh, phỏng vấn, điều tra…về vụ việc thời sự, chỉ nhận các bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn. Độ dài không quá 5 kỳ.
3.2. Tác phẩm báo điện tử: in trên giấy khổ A4 từ giao diện điện tử (05 bản), ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải, kèm theo đường link tác phẩm (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Đối với Tạp chí điện tử, không nhận các bài viết có nội dung như tin, bài phản ánh, phỏng vấn, điều tra…về vụ việc thời sự, chỉ nhận các bài viết mang tính nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn. Độ dài không quá 5 kỳ.
3.3. Tác phẩm báo phát thanh, truyền hình: gửi USB/ổ cứng ghi tiếng, ghi hình có lời viết và lời bình in trên giấy A4 (05 bản) kèm theo đường link tác phẩm trên trang điện tử của đài. Tác phẩm phát thanh và truyền hình có độ dài không quá 60 phút.
3.4. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
3.5. Ban Tổ chức không trả lại tác phẩm dự giải và được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.
II. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI
– Tác phẩm dự Giải phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 15/8/2019 đến 21/6/2021.
– Những tác phẩm đã tham dự các cuộc thi khác ở Trung ương và địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng tác giả phải ghi rõ mức giải đã đoạt, đơn vị tổ chức, thời gian tổ chức giải. Không nhận các tác phẩm đã đoạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).
– Tác phẩm tham dự phải được thể hiện bằng tiếng Việt.
– Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả.
III. ĐỐI TƯỢNG DỰ GIẢI
– Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí, kiều bào ta ở nước ngoài có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên, được đăng, phát trong thời gian nêu ở mục II trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có thể gửi dự Giải.
– Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 05 tác phẩm, phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Số tác giả tối đa một nhóm không quá 07 người.
– Các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên, đơn vị thành viên tham dự Giải.
– Thành viên Ban Giám khảo và Ban Tổ chức không gửi tác phẩm dự Giải.
IV. THỜI GIAN VÀ ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM DỰ GIẢI
1.    Thời gian

– Thời gian tiếp nhận bài: Từ ngày phát động đến ngày 21/6/2021 (tính theo dấu bưu điện).
– Tổng kết và trao Giải: Lễ công bố và trao Giải được tổ chức tại Hà Nội, trong tháng 9 năm 2021 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
– Tác phẩm báo chí dự thi có thể gửi qua các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo hoặc gửi trực tiếp tới Ban Tổ chức Giải.
2.    Địa chỉ nhận tác phẩm
– Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 024.39287401 & 098.5802.555 (ông Vũ Đình Long, Phó Trưởng ban).
– Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam: Số 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội; Điện thoại liên hệ: 024.39351071 & 097 262 8386 (ông Trần Bá Dung, Trưởng ban).
Ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm dự Giải báo chí toàn quốc“Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 3, năm 2020 – 2021. Tác phẩm cần ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ, điện thoại, email… của tác giả.
V. GIẢI THƯỞNG
Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó: giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.
Thể lệ này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các báo, tạp chí và trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam http://www.mattran.org.vn và Trang thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam: http://www.hoinhabaovietnam.vn; Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam: http://vn.

 

Bài viết liên quan