Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng
Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!…”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”
Trong cuộc đời cách mạng của Bác, thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…” . Trẻ em như búp trên cành là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc thiếu nhi. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành xum xuê trong tương lai nhưng dễ bĩ gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu. Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bác viết thư gửi các cháu: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô… Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
Trong mùa khai trường đầu tiên của nền giáo dục tự chủ năm 1945, Người đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai:“Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng – đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác từng căn dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, và “giáo dục trẻ em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Và Người cũng ân cần nói với thiếu niên, nhi đồng: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”…
Từ ngày Bác đi xa, lớp trước tiếp lớp sau, lớp này qua lớp khác, các cháu thiếu nhi tiếp tục phấn đấu thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy, noi theo những tấm gương oanh liệt, anh hùng Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc…, hàng triệu các cháu trong phong trào nghìn việc tốt đã đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của Người.
50 năm thực hiện Di huấn của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ Hiến pháp, các Bộ luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (Điều 14, 15 và hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cập, quan tâm đến quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Vấn đề trẻ em được thể hiện tại Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát huy đầy đủ quyền của trẻ em, với cách tiếp cận mới, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan.
Kết luận Hội nghị lần thứ ba của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI ngày 14-9-2018 về “Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022” nhận định: Hiện nay cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có hơn 12 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Thiếu nhi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo; ngày càng có điều kiện, môi trường sống tốt hơn trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí và có sự phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là sự rút ngắn về khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước; những tấm gương tích cực trong học tập, rèn luyện, là con ngoan, trò giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ, hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, phù hợp với lứa tuổi của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước; những tấm gương “nghèo vượt khó” của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đầy nghị lực và ý chí vươn lên ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra,…
Nhận định trên cho thấy, chúng ta đang từng bước thực hiện tốt tư tưởng của Hồ Chí Minh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, mỗi cấp bộ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ..”; “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng