Nhớ về Bác trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Tết đến, Xuân về, trong không khí của mùa Xuân Canh Tý 2020, mỗi người dân đất Việt lại nhớ về Bác, nhớ về trái tim bao la nhân ái “nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người luôn dành hết thảy cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung, nhân dân Hà Nội nói riêng, nhất là ở vào thời khắc đất trời chuyển sang Xuân.


Phút Giao thừa là lúc chúng ta nhớ Bác hơn mọi thời khắc

Tết Nhâm Ngọ năm 1942, lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Tết cổ truyền ở quê nhà sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Đón Xuân mới, Người viết bài thơ “Mừng Xuân năm 1942” đăng trên Báo “Việt Nam độc lập” số 114, ra ngày 1/1/1942 và chúc:

“Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc trong năm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Năm này là năm rất vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Tết Bính Tuất năm 1946 là Tết độc lập đầu tiên, có lẽ là Tết lòng Người hoan hỉ nhất. Chiều 30 Tết, tại Bắc Bộ phủ, nữ thi sĩ Ngân Giang tặng Người bức thêu bằng lụa đỏ, thêu bài thơ thất ngôn bát cú, nhan đề Kính tặng các bậc Anh hùng dân tộc. Người làm hai câu thơ tặng lại: “Gửi lời cảm tạ Ngân Giang/Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Tối 30 Tết, trong niềm vui của Tết độc lập đầu tiên, Người đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách cũ ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa, nay là ngõ Lương Sử C; một gia đình buôn bán ở phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông; một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng, nay là phố Lê Duẩn và thăm Cố vấn Vĩnh Thuỵ.

Đêm 30, Người và một nhà báo Mỹ cải trang đến thăm đền Ngọc Sơn, hòa trong niềm hân hoan của nhân dân Hà Nội đón khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Sáng mùng một Tết Bính Tuất, 7 giờ 30, Người sang nơi làm việc. Trên đường đi, Người ghé thăm và chúc Tết Sở Cảnh sát Trung ương ở phố Hàng Trống. Sau đó, Người đến Nhà hát Thành phố chúc Tết đồng bào và đọc lời Chúc mừng năm mới. Trước khi ra về, Người ra bao lơn Nhà hát vẫy chào đồng bào mít tinh trên Quảng trường. Buổi trưa, Người dự tiệc tại Bắc Bộ phủ cùng anh em Vệ quốc đoàn. 14 giờ, Người đến thăm thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Quân y 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức). 16 giờ, Người đến Ấu trĩ viên chia kẹo và ăn Tết cùng các cháu nhi đồng rồi trở lại nơi làm việc và sau đó về nhà.

Ngày mùng 2 Tết, Người đến thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại Chùa Láng (xã Yên Lăng, huyện Từ Liêm, Hà Nội); tại đó, Người nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, biểu dương nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, sốt sắng tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống Pháp và chúc toàn thể nhân dân hưởng Tết độc lập đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc và tiết kiệm.


Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, ngày 2/2/1965. Ảnh: Tư liệu

Tết Đinh Hợi năm 1947 là Tết của những quyết định lịch sử. Tối 19/12/1946, trong khi đồng bào và chiến sĩ cả nước chuẩn bị đón Tết kháng chiến đầu tiên, bộ chỉ huy tối cao của dân tộc đứng đầu là Người cũng đang họp bàn về vận nước tại Vạn Phúc (Hà Tây) – cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội (nay là Hà Nội). Đêm 30 Tết, mặc dù trời mưa rét, Người đã họp phiên tất niên cùng Hội đồng Chính phủ tại Phủ Quốc Oai. Sát cánh cùng Người và các vị Bộ trưởng trong không khí chuẩn bị đón Giao thừa là một vị Thượng thư của triều Nguyễn và một vị Giám mục của Giáo hội Thiên chúa giáo, cùng một câu nói rất Hồ Chí Minh, đậm đà bản sắc dân tộc Việt, đó là: “Tôi chỉ lo hai cụ không đến được. Hôm nay có mặt thế này là thắng lợi! Đại thắng lợi!”[1]. Sau khi gửi những lời chúc mừng năm mới đến các vị tham dự cuộc họp, Người đã thông báo vắn tắt tình hình chiến trường và những thành tích mà nhân dân ta đã giành được trong năm qua. Trước khi phiên họp đêm tất niên kết thúc, mọi người đều được nghe bài thơ chúc Tết Đinh Hợi của Người.

 


Bác Hồ chúc Tết

Đêm khuya, Người rời Quốc Oai đến chùa Trầm, đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước; khẳng định niềm tin tất thắng vào cuocj kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Sau đó, Người nói chuyện thân mật với anh chị em công tác tại Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đang đóng tại chùa Trầm. Sư cụ chủ trì chùa Trầm sau khi xin yết kến Người đã tặng Người mâm bánh chưng, bày tỏ chút lòng thành của nhà chùa. Người cảm ơn Sư cụ, xin nhận bánh và nói: “Chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”[2]. Trong giờ khắc thiêng liêng của đất trời, của lòng thành tâm, Sư cụ thưa với Người: “Thưa cụ Chủ tịch, chẳng mấy khi Cụ đến, nhân năm mới, xin Cụ mấy chữ để dán trước cửa chùa. Bác vui lòng dùng bút lông và nghiên mực đã được mài sẵn, viết mấy chữ Hán trên giấy hồng điều thành đôi câu đối: “Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành”[3] và một dòng chữ nhỏ: Đinh Hợi nguyên đán bên trái câu đối. Mặc dù câu đối không đề tên người viết, nhưng trong câu đối đó, hai chữ Tất Thành đã nói lên tất cả niềm tin và hy vọng của Người vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc nhất định thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xuân Giáp Ngọ 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được nhiều thắng lợi. Trên cơ sở nhận định âm mưu mới của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương; nhiệm vụ của quân và dân cả nước, Bác Hồ đã gửi thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước.
“Ngày Nguyên đán năm Giáp Ngọ

Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng, khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông,

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

(Báo Nhân Dân, số 163 từ ngày 1-5/2/1954)

Những lời thơ chúc Tết của Bác vừa mừng Xuân, vừa nêu nhiệm vụ, căn dặn cụ thể mà khái quát sâu xa, sâu lắng, tác động đến mỗi người dân đất Việt, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tết Ất Mùi năm 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên ở thủ đô Hà Nội sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Ngày 30 tết, báo Nhân dân đăng bài Chúc mừng năm mới của Người: “Năm mới, với tinh thần và cố gắng mới, chúng ta quyết làm tròn nhiệm vụ để tranh lấy thắng lợi mới trong công cuộc hoà bình. Vậy có câu đối Tết nôm na là “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ – Tam dương khai thái/ Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm – Ngũ phúc lâm môn”.

Ngày 1 Tết, Người dành thời gian đi thăm công trường xây dựng đập Thác Huống, Thái Nguyên; công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam quan; một đơn vị quân đội thuộc trung đoàn 141(Đại đoàn 312) và một số gia đình nông dân xã Cam Giá, Đồng Hỷ- một xã đã haonf thành cải cách ruộng đất. Ở đập Thác Huống, Người chúc Tết anh chị em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại công trường. Ở đơn vị bộ đội, Người căn dặn phải đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa chiến sĩ với nhau, giữa quân và dân. Vì chỉ có đoàn kết và đoàn kết chặt chẽ thì cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước mới giành được thắng lợi trọn vẹn.

Mừng Xuân Canh Tý 1960, dự cảm được những niềm vui lớn về một năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt, Người viết bài “Thơ mừng năm mới” đầy khí thế, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam – Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh!

Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!

Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,

Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,

Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.

Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên,

Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”

(Báo Nhân Dân số 2116, ngày 1/1/1960)

Tết Kỷ Dậu năm 1969 Tết cuối cùng nhân dân Hà Nội được đón Tết với Người. Ngày 30 Tết, Người gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, đơn vị ở Hà Nội; trong đó có khối 30 khu phố Đống Đa, Phân đội 5 Đoàn công an vũ trang bảo vệ Thủ đô. Năm đó, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, song Người vẫn đặt ra chương trình đi thăm và chúc Tết khá dài. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của Người, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã bố trí để 6 giờ 30 sáng ngày mùng 1 Tết nguyên đán, Người cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc tết cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân tại sân bay Bạch Mai – Hà Nội. Tại Hội trường lớn, Người đã gặp gỡ, nói chuyện với đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

11 giờ trưa ngày mùng 1 Tết, Người đến thăm và chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Người cùng nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi của xã. Buổi trưa, dưới bóng cây bạch đàn trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương và: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”[4], để lại màu xanh muôn đời cho đất nước và con cháu các thế hệ mai sau. Chiều cùng ngày, Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ăn cơm với chị Tạ Thị Kiều. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng năm mới tới Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhân dịp đầu xuân mới năm Kỷ Dậu.

Người đã đi xa, nhưng mỗi người dân đất Việt nói chung, nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn cảm nhận và ghi nhớ những câu chuyện kể về Người mỗi khi Tết đến, Xuân về. Đó là, để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, kể từ Tết nguyên đán năm 1946, thường trước Tết ba tháng, Người đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho nhân dân; còn riêng mình, Người cũng tự chuẩn bị sớm ba việc nhằm phục vụ dân đón Tết: Viết thư, làm thơ chúc mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc Mừng Năm Mới” để kịp gửi đến bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài, định kế hoạch thăm dân trong những ngày Tết…

Trong 24 năm ở vị thế nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những những năm 1946,1947,1955,1956,1957, 1958, 1960, 1961, 1962, 1963, 1964, 1965, 1966, 1967, 1969 đón Tết cổ truyền đáng nhớ với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
——————————-

[1] Sự kiện & Nhân chứng, tháng 2/1997, tr.37

[2] Báo Thanh Hoá, 20/2/1997

[3] Báo Hải Dương cuối tuần, Xuân Ất Dậu 2005

[4] Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.88-89

Theo http://www.tuyengiao.vn

Bài viết liên quan