Về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

– Sáng tạo nổi bật trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Phân tích sự cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương được thực hiện bằng bạo lực, đàn áp đẫm máu những người yêu nước, phản kháng lại sự cai trị đó, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: cần dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng dưới hình thức cuộc khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền. Lực lượng thực hiện cuộc khởi nghĩa đó là lực lượng chính trị của quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang được xây dựng trong các phong trào của quần chúng. Trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1941-1945, đầu tiên, Hồ Chí Minh lựa chọn những du kích tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn lập ra đội tự vệ. Năm 1944 Người chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, xác định nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền, vận động quần chúng, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh cùng với nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ cách mạng. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 12 ngày với sức mạnh áp đảo của quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang hỗ trợ, chúng ta đã giành được chính quyền trong cả nước và hầu như không phải sử dụng đến vũ khí, không đổ máu, chết người…


– Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tư tưởng quân sự trong xây dựng quân đội quốc gia Việt Nam của Hồ Chí Minh là kết hợp giữa chính trị và quân sự. Người khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại”. Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng sức mạnh tinh thần, giác ngộ của quân đội với quan điểm “người trước, súng sau”. Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ Đội Việt Nam tuyên truyền, giải phóng quân, kết hợp nhiệm vụ tuyên truyền và nhiệm vụ chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực sự là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”…
– Sáng tạo trong tư tưởng quân sự nổi bật của Hồ Chí Minh thể hiện trong quan điểm xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương, chiến tranh nhân dân và xây nền quốc phòng toàn dân. Điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng là “trận địa lòng dân”, “có dân là có tất cả”, nơi ở “gần dân không gần đường”. Trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, từ bản Cốc Pó, căn cứ địa của cách mạng đã không ngừng được mở rộng, trở thành vùng rộng lớn Cao – Bắc – Lạng, Thái – Hà – Tuyên, cùng với các “an toàn khu” ngay sát các đô thị lớn, làm cơ sở cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với tầm nhìn xa rộng, sau Cách mạng Tháng Tám, các cơ quan đảng, chính phủ, đoàn thể chuyển về Hà Nội, Người đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại Tuyên Quang để xây dựng căn cứ địa “nhờ đồng bào một lần nữa” trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội III của Đảng, tháng 9 năm 1960 đã xác định xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.
– Sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ trong tư tưởng chỉ đạo “dám đánh, quyết đánh, biết đánh”. Đứng trước sức mạnh quân sự hùng hậu của thực dân Pháp vào năm 1946 hay sự hung hăng, tàn bạo của đế quốc Mỹ năm 1966, Hồ Chí Minh không hề nao núng, khẳng định quyết tâm chiến thắng cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược của chúng với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “…Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, Không có  gì quý hơn độc lập tự do”… Đó là tư tưởng sáng tạo của chiến tranh nhân dân “trường kỳ kháng chiến”, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; “lấy yếu đánh mạnh”, “lấy ít đánh nhiều”, “lấy nhỏ đánh lớn”; “càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng”. Trong đánh địch, với truyền thống lấy đại nghĩa thắng hung tàn của dân tộc, Người không cho rằng trận thắng mà để chết nhiều người (cả ta và địch) là trận thắng hay; đề cao công tác địch vận, “đánh mà chiếm được đồn là giỏi, nhưng không đánh mà chiếm được đồn thì còn giỏi hơn…”
– Sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh còn thể hiện trong khởi đầu, kết thúc chiến tranh và con đương đi đến thắng lợi. Biểu hiện đầy đủ nhất của tư tưởng này là các câu thơ trong bài thơ chúc tết năm 1969: Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn. Thực tế giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước dã diễn ra đúng như thế.

Bài viết liên quan