Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của Đảng ta. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặc biệt này thì công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có tài, có tâm, có tầm nhìn và bản lĩnh, ý chí cách mạng được xem là nhân tố đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ là gốc của mọi công việc. Đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận, việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ sẽ là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm sự ổn định và phát triển của Đảng, của chế độ.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng cán bộ tuyên giáo các cấp là nòng cốt; đây cũng là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Lịch sử từng chứng minh rằng trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, nhất là cuộc đấu tranh “không tiếng súng” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, yếu tố con người giữ vai trò quan trọng. Khi lực lượng này hùng hậu, tinh nhuệ, nhạy bén, có trình độ, nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực sẽ tạo sức mạnh như những “lá chắn”, “tấm phên dậu” vững mạnh để các thế lực thù địch không thể, không dám tuyên truyền hay có những hành vi kích động, chống phá Đảng, chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến địa phương (cấp huyện) hưởng lương trong biên chế và làm việc trực tiếp trong lĩnh vực đặc thù này. Ở các ban Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thường tập trung ở những cơ quan chuyên trách, như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Bộ Công an (Cục An ninh, văn hóa, thông tin, truyền thông – A87), các học viện (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng…), Tạp chí Cộng sản, các viện nghiên cứu, các khoa chuyên môn ở các trường đại học, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình…
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong quá trình phát triển của Đảng, vì thế đội ngũ cán bộ làm công tác này luôn được quan tâm, bổ sung, tăng cường, làm việc theo chế độ chuyên trách với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã và đang đổi mới, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, lĩnh vực phụ trách, có nhiều đóng góp lớn vào sự ổn định, phát triển của tình hình chính trị – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, có thể thấy đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận hiện nay ở nước ta còn mỏng, thiếu và chưa đồng bộ. Ngoài một số cán bộ chuyên trách còn phần lớn đội ngũ là những cán bộ kiêm nhiệm hoặc được điều chuyển từ những vị trí, chức danh công tác khác, ít liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó, đội ngũ này thường xuyên biến động về số lượng, cơ cấu, thiếu những chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành, có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân.
Để có được những nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này cần thời gian trau dồi, rèn luyện, trải nghiệm thực tiễn và sự tận tâm, tận lực, yêu nghề của mỗi cá nhân. Trong khi đó, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cũng như cơ chế, chính sách ưu đãi cho đội ngũ làm công tác trên lĩnh vực đặc biệt quan trọng, nhạy cảm này lại chưa tương xứng, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút được người tài. Riêng đối với lĩnh vực văn học – nghệ thuật, một lĩnh vực nhạy cảm, tinh tế, muốn hiểu sâu và nắm vững, đòi hỏi người lãnh đạo và làm công tác định hướng, tuyên truyền phải xuất phát, đi lên từ chính đời sống văn học – nghệ thuật. Trong khi đó, thực tế có nhiều cán bộ quản lý văn học – nghệ thuật có chuyên môn từ những ngành, nghề ít liên quan đến văn học – nghệ thuật. Số lượng các nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học – nghệ thuật hiện còn mỏng.
Lĩnh vực tư tưởng, lý luận là lĩnh vực khó, đặc thù, đòi hỏi việc tuyển chọn đội ngũ phải khắt khe với những quy chuẩn về đạo đức, phẩm chất, tư cách và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn cao. Vì thế, việc quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng nhân sự trong các lĩnh vực này là việc làm cần thiết có ý nghĩa cấp bách.
Nguồn: tổng hợp từ tapchicongsan