DIỄN ĐÀN “THANH NIÊN ĐÀ NẴNG VỚI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0” VÀ “LỄ TRAO GIẢI CUỘC THI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TP ĐÀ NẴNG NĂM 2017”.

Sáng nay 2/12/2017; Thành Đoàn, Hội sinh viên thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn “Thanh niên Đà Nẵng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” và “Lễ Trao giải Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2017”.
Đây là hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu mở ra thêm những sân chơi, diễn đàn, giúp thế hệ trẻ Đà Nẵng được tiếp xúc, trao đổi và có thêm thông tin mới về những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp, qua đó, cũng giúp các bạn nhận ra được cơ hội của mình tại đúng thời điểm cho bản thân, cống hiến nhiều cho thành phố nói riêng và đất nước nói chung”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn sáng nay, 500 đoàn viên-thanh niên đến từ các trường đại học-cao đẳng, một số cơ quan sở, ban, ngành đã nghe 2 Báo cáo viên: Tiến sỹ Nguyễn Đình Thanh – Giảng viên bộ môn Tự động hóa và Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống Nhúng (Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng) trình bày về “Smart Campus: Cơ hội và thách thức” ; Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ chủ đề “Đà Nẵng – Thành phố thông minh với cách mạng công nghiệp lần thứ IV: Cơ hội và thách thức”. “Trong bài nói chuyện của mình, cả hai Báo cáo viên đều đề cập đến “Internet of things (IoT)” – một xu thế công nghệ trong tương lai, làm thay đổi cuộc sống của con người và kết nối thế giới. IoT và những kết nối thông minh là một phần không thể thiếu trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đến và chắc chắn sẽ đem theo nhiều sự đổi mới thú vị mà chúng ta không ngờ đến. Cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ tác động đến nhiều thành phần trong xã hội, trong đó thanh niên là lực lượng quan trọng với đặc tính dễ dàng tiếp cận và tiếp thu với những giá trị, kết quả mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Nhất là những áp dụng khá gần gũi trong công việc, học tập, vui chơi. Bên cạnh đó, cộng đồng luôn kỳ vọng đóng góp của chính các bạn trẻ vào sự phát triển của TP Đà Nẵng nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nói chung qua cuộc cách mạng này. Tuổi trẻ Đà Nẵng, không gì hơn, phải nỗ lực học tập, rèn luyện trau dồi kỹ năng, phát huy tính năng động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu, đặc biệt hình thành khả năng vận dụng tiến bộ và thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Hãy chuẩn bị và sẵn sàng, với sự chủ động tham gia nắm bắt, đón đầu các xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thực hiện Quyết định số 88/QĐ-UBND, ngày 5/1/2017 của UBNDTP, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015” giai đoạn 2017 – 2018 và nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ những ý tưởng mới, độc đáo, sáng tạo của sinh viên, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học với chủ đề “Khơi nguồn ý tưởng – Chìa khóa thành công”. Cuộc thi năm nay thu hút được sự quan tâm của hơn 150 sinh viên đến từ 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn với tổng cộng 43 đề tài thuộc 6 lĩnh vực.

Hầu hết các đề tài đều có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhóm nghiên cứu. và từ 43 đề tài nêu trên, Ban tổ chức đã lựa chọn 16 đề tài xuất sắc nhất để tiếp tục tham gia vòng chung kết cuộc thi.


Bạn Mai Thị Thanh Mai – sinh viên trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng – đã giành giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu các phương pháp thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm”. Đề tài được đánh giá cao khi tích cực thu hồi lại lượng Protein trong máu cá (tái sử dụng cho mục đích khác một cách hữu ích), đồng thời lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giành giải Nhì là đề tài “Hệ thống giám sát chất lượng không khí” của 2 bạn Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước hướng tới vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí – một vấn đề nóng tại các đô thị hiện nay. Hệ thống có thể giúp phát hiện và cảnh báo khi không khí bị ô nhiễm. Từ đó giúp cho người dân có những biện pháp chủ động trong việc phòng tránh. Đề tài nếu được đầu tư nghiên cứu sẽ có khả năng phổ biến rộng rãi hơn (không  dừng lại mức độ hộ gia đình hoặc một tổ dân cư) cho cộng đồng.

Không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên các lĩnh vực khác cũng thu hút nhiều sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên như: Đề tài trong lĩnh vực Y tế “Nghiên cứu tỷ lệ tiêm vắc xin HPV và các yếu tố liên quan ở sinh viên nữ tại các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2017” của nhóm các bạn đến từ trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng và “Máy bán tự động các sản phẩm phòng the của nhóm các bạn sinh viên Đại học Duy Tân (2 đề tài giải Ba).


Đáng chú ý còn có đề tài trong lĩnh vực Nông nghiệp như:  “Hệ thống thủy canh thông minh cho hộ gia đình” của nhóm các bạn sinh viên trường Đại học Bách khoa (giải Khuyến khích); hay lĩnh vực Khoa học xã hội: đề tài “Nghiên cứu thực trạng và các yếu tố liên quan đến việc sử dụng rượu bia của sinh viên nam các  đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2017” của các bạn đến từ Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng (giải Khuyến khích).

Ngoài ra, một giải Khuyến khích khác được trao cho đề tài “Giải pháp Mô hình hệ thống Nhà thông minh” của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng.

Thành Đoàn Đà Nẵng cùng Sở Khoa học và công nghệ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong nhiệm vụ ươm mầm ý tưởng mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên tiếp cận với khoa học và công nghệ. Hy vọng các đội thi, dù đạt giải hay không đạt giải, cũng vẫn tiếp tục trên con đường nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp mới cho các vấn đề nan giải của TP quê hương.


Tin, ảnh: BBT.

Bài viết liên quan