Quan điểm của Hồ Chí Minh về những phẩm chất của nhà ngoại giao
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý đó là tấm gương phẩm chất sáng ngời của một nhà ngoại giao. Người luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo và chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Trong những năm kháng chiến, dân tộc Việt Nam phải đối phó với thù trong giặc ngoài vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc, lúc này Hồ Chí Minh đã sử dụng ngoại giao như một công cụ tài tình để phân hóa kẻ thù, sự chỉ đạo sáng suốt và hoạt động ngoại giao mẫu mực của Người đã giúp chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thử thách cam go quyết liệt để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Không chỉ là nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc trên thực tiễn, Hồ Chí Minh còn xây dựng hệ thống tư tưởng ngoại giao toàn diện, sâu sắc với tầm tư duy chiến lược và tư tưởng đổi mới. Đặc biệt, Hồ Chí Minh quan tâm đến đội ngũ những người làm công tác ngoại giao, Người từng nói: “Do ta làm ngoại giao chưa được bao lâu nên cái gì đối với ta cũng mới, do trình độ văn hóa và tri thức ngoại giao của chúng ta còn hạn chế nên người làm công tác ngoại giao phải cố gắng nhiều. Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước”1.
Nhà ngoại giao phải có lòng yêu nước và biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu quê hương đất nước luôn gắn liền với thương dân, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”2. Lòng yêu nước là cội nguồn, động lực để Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước. Và dựa trên nền tảng ấy, với những phẩm chất, trí tuệ được hình thành từ thời thơ ấu, trên những chặng đường hoạt động cách mạng, Người đã nhận thức được những vấn đề quốc tế quan trọng và lấy đó làm định hướng cho cuộc đấu tranh ngoại giao của mình. Yêu nước của nhà ngoại giao phải thể hiện trong vai trò của người chủ đất nước, phát huy hết nội lực, có khi hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đất nước.
Với mục tiêu giành độc lập dân tộc, xuất phát từ nhu cầu cháy bỏng của một dân tộc bị mất nước và khát vọng giải phóng dân tộc của một người yêu nước, năm 1930 Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo mà tư tưởng cốt lõi là độc lập tự do. Hồ Chí Minh khẳng định ý chí đấu tranh cho độc lập tự do bằng câu nói bất hủ: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”3. Người đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc, một dân tộc sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập thì nền độc lập ấy sẽ mãi trường tồn. Ngày 02-9-1945, ngay sau khi nước nhà vừa được giải phóng, Người thay mặt Chính phủ lâm thời công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”4. Thông qua bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định hướng đối ngoại độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong quan hệ chính trị quốc tế vì chỉ những quốc gia độc lập, tự do mới có quyền quyết định đường lối đối ngoại của dân tộc mình. Khi thực dân Pháp quay lại Việt Nam và quyết tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”5. Người thay mặt nhân dân bày tỏ nguyện vọng chân thành mong muốn có hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do.
Một dân tộc độc lập thì phải có quyền tự quyết định trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn các nhà ngoại giao: Muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc, phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo. Người tuyên bố: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”6. Đây cũng là tiêu chí để Hồ Chí Minh phân biệt bạn – thù là lợi ích cao cả và chân chính của dân tộc.
Nhà ngoại giao phải giỏi ngoại ngữ, am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của nhiều dân tộc và thể hiện bản lĩnh văn hóa của mình
Mang trong mình truyền thống văn hóa phương Đông, lại được tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã trở thành “biểu tượng và người mang chở những giá trị văn hóa Đông, Tây, kim, cổ”7. Dựa trên nền tảng văn hóa phương Đông, Người sang phương Tây để tìm hiểu cội nguồn và bản chất của nền văn hóa phương Tây. Ngay từ khi mới mười ba tuổi, Người đã nảy ra ý muốn làm quen với nền văn minh Pháp và tìm xem những gì ẩn náu đằng sau các chữ: Tự do, bình đẳng, bác ái của Đại cách mạng Pháp năm 1789 đồng thời nêu bật những hạn chế và tính không triệt để của những cuộc cách mạng ấy. Đặc biệt, những tư tưởng bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp đã được Người đi sâu phân tích, trong đó khẳng định những giá trị chân chính, những nhân tố tích cực, tiến bộ của cách mạng dân chủ tư sản, nhất là tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng nhân văn, giải phóng con người khỏi thần quyền và sự thống trị của những quan hệ phong kiến.
Vốn có tư chất thông minh, có tinh thần ham học hỏi, trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc và am hiểu về con người, truyền thống lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị của nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Người đã biết vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của các dân tộc khác vào thực tiễn ngoại giao Việt Nam. Do từng sống và hoạt động ở Liên Xô, Hồ Chí Minh am tường lịch sử ngoại giao Xô Viết và vận dụng tài tình những sách lược ngoại giao của họ vào cách mạng Việt Nam, khẩu hiệu “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” của V.I.Lênin đã giúp Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sự hiểu biết kinh nghiệm ngoại giao của các nước khác đã giúp Hồ Chí Minh có được bài học về nghệ thuật tránh đối đầu cùng một lúc với nhiều loại kẻ thù. Người từng nói: “Ở Pháp tôi học được kinh nghiệm đấu tranh của phong trào công nhân, ở Nga tôi học được kinh nghiệm xây dựng đảng cách mạng, về Trung Quốc tôi học được kinh nghiệm đấu tranh để giành chính quyền”8.
Từ thời niên thiếu, Hồ Chí Minh đã tích cực học ngoại ngữ, vì biết ngoại ngữ là phương tiện cực kỳ quan trọng để thực hiện ý định tìm đường cứu nước của mình. Sống trong gia đình nho học, Người được học chữ Hán khá nhiều nhưng Người luôn trau dồi tiếng Pháp với ý định phải đi đến nơi và tìm hiểu về con người, về đất nước, nền văn hóa của một dân tộc đang đô hộ mình. Với tinh thần miệt mài, chăm chỉ, trên hành trình tìm đường cứu nước, đi đến đâu Người đã chinh phục thêm rất nhiều thứ tiếng khác như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức v.v.. Người cho rằng không biết hoặc không thông thạo tiếng nước sở tại thì khả năng giao tiếp sẽ bị hạn chế, thiếu tự tin dẫn đến mặc cảm trong hoạt động đối ngoại. Người đã sử dụng các ngôn ngữ khác nhau để viết báo, viết văn, làm thơ và trong các hoạt động ngoại giao. Trong nhiều cuộc phỏng vấn với phóng viên nước ngoài, Người đã trực tiếp trả lời bằng tiếng nước ngoài, mọi ý nghĩa về cuộc đấu tranh của dân tộc được truyền tải đầy đủ đến nhân dân thế giới mà không cần phải qua bất cứ một phương tiện chuyển ngữ nào, biết tiếng nước ngoài cũng sẽ gây thiện cảm và có ảnh hưởng rất tốt. Trong quá trình đấu tranh, ngoại ngữ chính là một trong những vũ khí quan trọng của công tác đối ngoại đồng thời tạo nên bản lĩnh ngoại giao của Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn đó, Người căn dặn cán bộ ngoại giao “phải chăm học ngoại ngữ, phải xem được, nói được tiếng nước sở tại” bởi công tác ngoại giao mà không thông ngoại ngữ thì khó mà tiếp xúc tốt với nhân dân địa phương, khó làm tốt nhiệm vụ được giao.
Nhà ngoại giao phải giữ gìn đoàn kết nội bộ và giữ bí mật quốc gia
Đoàn kết nội bộ cũng là mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn công tác tốt trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Tại Hội nghị cán bộ ngành ngoại giao, ngày 08-3-1962, Bác nhấn mạnh: Nội bộ phải đoàn kết. Muốn đoàn kết tốt, thì phải thẳng thắn trên tinh thần đồng chí mà tự phê bình và phê bình nhau. Đồng chí cấp cao không gương mẫu, không khéo thì sẽ không đoàn kết, mà không đoàn kết thì công việc không chạy. Tại Hội nghị cán bộ ngoại giao, ngày 14-01-1964, Bác nói về vai trò của cán bộ phụ trách cơ quan đại diện: “Muốn công tác tốt, trước hết, nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Muốn đoàn kết chặt chẽ, thì mọi người phải trau dồi đạo đức cách mạng, làm đúng nội quy cơ quan và những điều quy định của Đảng và Nhà nước, thực hiện dân chủ nội bộ, phê bình và tự phê bình, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Người phụ trách cơ quan và người phụ trách từng bộ phận phải gương mẫu mọi mặt: Công tác, đạo đức, tiết kiệm, đoàn kết”9. Bác không những quan tâm giáo dục cán bộ, đặc biệt đối với cán bộ cấp cao, mà còn nhắc nhở đối với gia đình, vợ cán bộ. Bác nói: Đại sứ, tham tán được đem vợ đi theo. Hạn chế ở mức đó là do dân mình còn nghèo. Nhưng những người được đem vợ đi, nếu không khéo sẽ thành vấn đề. Các ông đi đâu thường đưa các bà đi. Không khéo, thì anh lái xe suy tị nói tôi chỉ phục vụ đại sứ, tham tán, chứ không phục vụ các bà. Còn các bà lại cứ đòi đi. Do các bà, nên ảnh hưởng đến các ông. Tình trạng này có thể giải quyết được nếu cán bộ cao, trung cấp xử sự cho khéo. Các cô, các chú cố gắng khắc phục, nhất là các đồng chí đại sứ phải chăm lo đến đời sống của anh em về vật chất cũng như về tình cảm và tinh thần. Phải đồng cam cộng khổ với anh em như trong thời kỳ kháng chiến. Làm được như thế, hiện tượng mất đoàn kết sẽ bớt đi nhiều10.
Đặt trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, giữ bí mật là điều quan trọng nhất vì nếu dò được tin tức của địch thì ta thắng và ngược lại nếu địch dò được tin tức của ta thì địch thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở: “Ta biết giữ bí mật, thì bọn việt gian mật thám khó mà hoạt động. Ta biết giữ bí mật, thì dù địch có trăm tai, ngàn mắt, cũng không dò được tin tức và đoán được sự hành động của ta. Biết giữ bí mật, tức là ta đã nắm chắc một phần lớn thắng lợi trong tay ta”11. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho mỗi cán bộ ngoại giao nâng cao tinh thần cách mạng, phải giữ bí mật, cảnh giác từ cách đi lại, làm việc, nói năng, lúc nào cũng phải cẩn trọng nếu mình sơ hở là sẽ bị lộ.
Nhà ngoại giao phải nắm vững nghệ thuật đàm phán, nghệ thuật giao tiếp, ứng xử
Hồ Chí Minh là bậc kỳ tài về khả năng cảm hóa, thuyết phục, thu phục nhân tâm. Người cũng rất khéo léo trong việc lôi kéo đồng minh khi đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh. Theo chuyện kể: “Bác Hồ và viên phi công Mỹ”12 của đồng chí Hoàng Quốc Việt – nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cho thấy cách Người đối xử với viên phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát trong cuộc nhảy dù xuống Cao Bằng do máy bay rơi, đã khiến viên phi công xúc động đến rơi lệ. Phong thái điềm tĩnh tự tin và tài ngoại giao khéo léo của Người đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người Mỹ quay sang đánh Nhật. Trong giai đoạn đất nước hiểm nguy thù trong giặc ngoài 1945-1946, Người đã sử dụng ngoại giao rất tài tình để phân hóa kẻ thù, lúc hòa với Tưởng để tập trung chống Pháp ở miền Nam (từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946) và lúc hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước (từ tháng 3-1946 đến tháng 12-1946). Chủ trương “Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức”13 trong đàm phán của Người cho thấy sự mềm dẻo, mưu lược, linh hoạt để nhân nhượng và thỏa hiệp. Hồ Chí Minh căn dặn người ta cương thì mình phải nhu, phải khôn khéo lấy nhu thắng cương thì mới là biết mình biết người, phải làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ động linh hoạt, mềm dẻo trong hoạt động đối ngoại theo tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự, sử dụng nhuần nhuyễn chữ “biết: Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến. Phong cách đó đã hình thành trong cuộc đời hoạt động cách mạng, phản ánh phẩm chất trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách của Người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”. Năm 1967, khi tiếp vị khách nước Mỹ đến Việt Nam, Hồ Chí Minh đã mời họ uống trà, Người nói: “Chúng ta gặp nhau uống nước chè với nhau như thế này, có phải tốt hơn đánh nhau hay không?” và vị khách Mỹ trả lời: “Uống trà tốt hơn”. Người nói tiếp: “Nếu ông Jonhson đồng ý thì tôi mời ông ấy sang Hà Nội, trải thảm đỏ đón ông và cũng mời ông uống nước chè như chúng ta hôm nay; chỉ có một điều kiện là các ông phải rút quân khỏi đất nước tôi”. Khi đón Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Phó Thủ tướng Trần Nghị sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm, Người đã bày tỏ tình cảm hữu nghị thắm thiết, chân tình bằng hai câu thơ:
“Mối tình thắm thiết Việt – Hoa,
Vừa là đồng chí vừa là anh em”14.
Ngoài những phẩm chất nêu trên, Hồ Chí Minh còn quan tâm đến tiết kiệm trong ngành ngoại giao. Người nói rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”15. Lời Người dạy về phẩm chất tiết kiệm trong ngành ngoại giao mãi mãi mang tính thời sự nóng hổi khi đất nước còn nghèo, những nghi thức ngoại giao trong nước cũng như ở nước ngoài cần phải trang trọng nhưng tiết kiệm, không khoa trương hình thức, lãng phí vượt quá khả năng của đất nước mình. Hay khi đi ra những nước có điều kiện hơn nước mình sẽ bị cám dỗ, lôi kéo, Người căn dặn phải luôn giữ vững lập trường, giữ lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm. Mỗi lần tiếp khách nước ngoài, Người đều mặc bộ quần áo ka-ki quen thuộc nhưng trước khi bước vào phòng khách Người nhìn lại cán bộ ngoại giao và nhắc nhở quần áo phải tươm tất và phải phẳng phiu, Người nói: Bác mặc quần áo ka-ki là việc của Bác, các chú là cán bộ ngoại giao phải chỉnh tề. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, không tốn kém mà lịch sự không nên xa xỉ, lãng phí vô ích. Năm 1957, Người thăm Liên Xô và một số nước Đông Âu, sau buổi chiêu đãi ở sứ quán, Người nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có miếng mà ăn. Vì vậy, để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”.
Trong quá trình tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đi đến mục tiêu độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của ngoại giao nên ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng, Người đã căn dặn ngành ngoại giao phải có quan điểm, lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và đề ra cho người làm công tác ngoại giao những quan điểm toàn diện, hài hòa giữa tài và đức, hồng và chuyên. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao rất cụ thể, giản dị mà lại vô cùng sâu sắc, và vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Kế thừa những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về ngoại giao, tại Đại hội XII, Đảng ta đã xác định: “Nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ đối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”16.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải có những phẩm chất tốt, vững vàng trước mọi khó khăn thử thách phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng: “Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”17. Có như vậy, ngoại giao Việt Nam mới sẵn sàng cho mọi thử thách trong năm tới và sẽ tiếp tục phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước, phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời.
Nguyễn Thu Giang, Phòng Kỹ thuật, Bảo vệ
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)