Một số bài thơ của Nhật ký trong tù
Bài 11: Vấn thoại
Xã hội đích lưỡng cực,
Pháp quan dữ phạm nhân;
Quan viết: Nhĩ hữu tội,
Phạm viết: Ngã lương dân;
Quan viết: Nhĩ thuyết giả,
Phạm viết: Ngã ngôn chân;
Pháp quan tính bản thiện,
Giả trang ác ngân ngân;
Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần;
Giá lưỡng cực chi gian,
Lập trước công lý thần.
Lời hỏi
Hai cực trong xã hội,
Quan toà và phạm nhân;
Quan rằng: Anh có tội,
Phạm thưa: Tôi lương dân;
Quan rằng: Anh nói dối,
Phạm thưa: Thực trăm phần;
Quan toà tính vốn thiện,
Vờ làm bộ dữ dằn;
Muốn khép người vào tội,
Lại ra vẻ ân cần;
Ở giữa hai cực đó,
Công lý đứng làm thần.
Hai cực trong xã hội,
Quan tòa và phạm nhân;
Quan rằng: Anh có tội,
Phạm nhân: Tôi lương dân;
Quan rằng: Anh nói dối,
Phạm nhân: Thực trăm phần;
Quan tòa tính vốn thiện,
Vờ làm bộ dữ dằn;
Muốn khép người vào tội,
Lại ra vẻ ân cần;
Ở giữa hai cực đó,
Công lý đứng làm thần.
Bản dịch của Huệ Chi – Nguyễn Sĩ Lâm
Bài 12: Ngọ Hậu
Nhị điểm khai lung hoán không khí,
Nhân nhân ngưỡng khán tự do thiên;
Tự do thiên thượng thần tiên khách,
Tri phủ lung trung dã hữu tiên?
Quá trưa
Hai giờ chiều, nhà lao mở cửa đổi không khí,
Mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do;
Khách thần tiên trên trời tự do,
Biết chăng trong tù cũng có tiên?
Hai giờ ngục mở thông hơi,
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do;
Tự do tiên khách trên trời,
Biết chăng trong ngục có người khách tiên?
Nam Trân dịch
Bản dịch khác
Hai giờ ngục mở thay không khí,
Ai nấy nhìn lên: Trời tự do!
Tiên khách tự do trên thượng giới,
Biết chăng, tiên cũng ở trong tù?
Vũ Huy Động dịch
Bài 13: Vãn
Vãn xan ngật liễu, nhật tây trầm,
Xứ xứ sơn ca, dữ nhạc âm;
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất,
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.
Chiều hôm
Cơm chiều xong, mặt trời lặn về tây,
Khắp nơi, rộn tiến ca dân dã và tiếng nhạc;
Nhà ngục u ám huyện Tĩnh Tây,
Bỗng thành một viện hàn lâm nghệ thuật nhỏ.
Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm,
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm;
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
Nam Trân dịch
Bài 14: Tù lương
Mỗi xan nhất uyển hồng mễ phạn,
Vô diêm, vô thái, hựu vô thang;
Hữu nhân tống phạn, ngật đắc bão,
Một nhân tống phạn, hán gia lương.
Cơm tù
Mỗi bữa một bát cơm gạo đỏ,
Không muối, không rau cũng chẳng canh;
Có người đem cơm được ăn no,
Không người đem cơm, đói kêu cha kêu mẹ.
Không rau, không muối, canh không có,
Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là;
Có kẻ đem cơm còn chắc dạ,
Không người lo bữa đói kêu cha.
Nam Trân – Bằng Thanh dịch
Bài 15: Nạn hữu xuy địch
Ngục trung hốt thính tư hương khúc,
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu;
Thiên lý quan hà vô hạn cảm,
Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu.
Người bạn tù thổi sáo
Trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương,
Âm thanh trở nên thê lương, tình điệu trở lên sầu muộn;
Nước non xa cách nghìn trùng, cảm thương vô hạn,
Người chốn phòng khuê lại bước lên một tầng lầu.
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Nam Trân dịch
Bản dịch khác
Trong lao vẳng khúc nhạc tình quê,
Âm chuyển sầu thương, điệu tái tê;
Nghìn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó chốn phòng khuê.
Huệ Chi dịch