Học tốt và dạy tốt

Trong các bức thư gửi ngành Giáo dục, Bác đều thể hiện ước vọng tha thiết về một nền giáo dục đào tạo học sinh, sinh viên thành những công dân hữu ích để kiến thiết một đất nước hùng mạnh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

hoc tot

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục – sự nghiệp trồng người, một trong những yếu tố tiên quyết để xây dựng tương lai của dân tộc. Chỉ sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ đúng một ngày, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong 6 nhiệm vụ cấp bách mà Người đề ra, “nạn dốt” là vấn đề cấp bách thứ hai ngay sau “nạn đói”. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ân cần viết thư cho ngành Giáo dục, mà còn trực tiếp phát biểu ở các hội nghị, soạn thảo văn kiện, chỉ thị, đăng báo,… đề cập những lĩnh vực liên quan đến hoạt động dạy và học, nhà trường, nhà giáo và học sinh.

TỪ BỨC THƯ ĐẦU TIÊN

“Thư gửi các học sinh” tháng 9/1945 nhân dịp khai trường đầu tiên của một đất nước có chủ quyền độc lập, Bác viết trong một tâm thế xúc động: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi…”. Cũng trong bức thư đầu tiên này, Người đã xác định: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đó chính là quan điểm giáo dục tự chủ, hiện đại, hướng tới mục tiêu đào tạo các thế hệ công dân mới trên cơ sở phát triển tiềm năng sẵn có của chính đối tượng người học: Giáo dục vì học sinh và bằng học sinh. Trong bối cảnh nước nhà vừa giành được độc lập, Người đặt kỳ vọng lớn lao của cả dân tộc vào các thế hệ học sinh: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”, và Người khích lệ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Như vậy, ngay sau khi giành được độc lập, cùng với sự khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội mới, bức thư đầu tiên gửi ngành Giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc phấn đấu, rèn luyện, họctập của các thế hệ học sinh có ý nghĩa quyết định rất quan trọng đối với tương lai, vị thế quốc tế của dân tộc.

ĐẾN BỨC THƯ CUỐI CÙNG

“Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới” (đăng trên Báo Nhân dân, số 5299, ngày 16/10/1968) là bức thư cuối cùng – được xem như “di chúc” của Bác đối với ngành Giáo dục – gần một năm trước khi Người vĩnh viễn đi xa. Đó cũng là thời gian giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, mở rộng chiến tranh lấn chiếm vùng giải phóng miền Nam. Mặc dù trong tình trạng sức khoẻ không được tốt, Bác đã dành thì giờ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu báo cáo tình hình sơ tán trường lớp, bảo đảm an toàn, phong trào thi đua dạy và học dưới làn bom đạn của quân thù, trong tình hình lương thực thực phẩm thiếu thốn. Bác đọc lại rất kỹ bức thư đã được đánh máy, sửa chữa một số câu chữ, sau đó chuyển Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên xem kỹ và thêm ý kiến (bút tích còn lưu trữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh). Mở đầu bức thư, Bác ghi nhận sự cố gắng của ngành giáo dục và động viên:

“Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết…”.

Bác vui lòng biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khǎn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất một trường cấp III. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc vǎn hóa. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tǎng gần gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức.

Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ”.

Đồng thời, Bác ân cần nhắc năm điều: Nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng; tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt; bảo đảm sức khoẻ và an toàn; phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa; các ngành, các cấp Đảng và chính quyền phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, chăm sóc nhà trường về mọi mặt…

Có thể nói, với trọng trách của một người đứng đầu đất nước trong bối cảnh muôn vàn công việc của một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm sâu sắc và toàn diện đối với sự nghiệp trồng người.

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU ĐỐI VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HIỆN NAY

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn sách “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” (NXB Sự thật,1990) đã khái quát: “Hồ Chí Minh là một hiện thân của nhân sinh quan và thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, thể hiện trong cuộc sống, trong hành động, trong mọi trường hợp của một cuộc đời biết bao phong phú”. Nghiên cứu và học tập nội dung những bức thư, bài nói, bài viết và văn kiện của Bác về giáo dục, càng thấm nhuần những bài học vô cùng quý báu và phong phú của Bác đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Trước hết, về mục tiêu phát triển giáo dục gắn với sự phát triển lâu dài của đất nước, Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; và Người nêu cụ thể hơn: “Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Đồng thời, việc học tập suốt đời cũng được Người chỉ rõ: “Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”.

Về vị trí, vai trò của việc học tập, Bác phân tích: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”.

Về phương pháp giáo dục, theo quan điểm của Bác thì phải “lấy tự học làm cốt”, “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.

Về nhiệm vụ vẻ vang của nhà giáo, Bác chỉ rõ: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”; đồng thời khẳng định: “Anh chị em là những người vô danh anh hùng”…

Thực hiện di huấn của Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, trong suốt 50 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo sâu sắc sự phát triển toàn diện một nền giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ phát triển đất nước. Gần đây nhất, ngày 04/11/2013 tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Đồng thời, chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với ngành Giáo dục: “Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”. Những nội dung trên cũng là những nhiệm vụ và giải pháp thiết thực nhằm không ngừng học tập và làm theo quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục; lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay./.

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 9/2018

TS. Nguyễn Trọng Hoàn
Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bài viết liên quan