Mùa hè tình nguyện của tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng
Hè này, 800 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên đến từ các cơ sở giáo dục thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tiếp tục đem nhiệt huyết tuổi trẻ đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong tháng 7 vừa qua, các đoàn viên, thanh niên của ĐHĐN đã thực hiện nhiều hoạt động tình nguyện trong chương trình Chung sức cộng đồng của Chiến dịch tình nguyện hè 2018, với nhiều hoạt động mới gắn với chuyên môn, thế mạnh của các đơn vị như xây dựng đề án phát triển du lịch, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các tổ hợp tác thanh niên, các mô hình liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho người dân, xây dựng và thực hiện dự án đường bích họa ven biển,…
Ứng dụng Internet of Things trong chuyển giao mô hình nuôi trùn quế tự động kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi
Tại một xã miền núi cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 20km về phía Tây Bắc, nơi 100 sinh viên tình nguyện đến từ Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN đóng quân, trong suốt 2 tuần liền, đội chuyển giao khoa học công nghệ gồm một nhóm sinh viên các khoa Môi trường, Cơ khí và Điện tử viễn thông đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu để tiến hành chuyển giao mô hình nuôi trùn quế tự động kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi cho trang trại gia súc của ông Lê Ngọc Anh (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Điểm đặc biệt của mô hìnhnày là có chế độ phun tưới tự động, độ ẩm được giám sát ổn định một cách thông minh bởi Internet of Things. Thông qua điện thoại có kết nối Internet, người nông dân dễ dàng điều khiển bật, tắt máy bơm phun từ xa với thao tác đơn giản. Nhờ vậy mà con trùn sinh trưởng và phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn với lượng phân trùn tăng gần 3 lần. Bên cạnh đó, lượng trùn thịt và trùn sinh khối cũng tăng trung bình từ 20 – 40% so với cách thức nuôi trùn thủ công.
Một điểm mới khác của mô hình chính là kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi, bằng cách sử dụng các loại rác hữu cơ được được phối trộn theo tỉ lệ thích hợp để làm thức ăn chăn nuôi cho trùn, thay vì cách nuôi truyền thống là sử dụng phân bò.
Ông Lê Ngọc Anh chia sẻ, ưu điểm của mô hình nuôi trùn quế tự động là giúp giảm bớt sức lao động của người nông dân mà vẫn cho năng suất cao. Qua đây, ông hy vọng rằng, trong thời gian tới, nhiều mô hình hợp tác tương tự sẽ được nhân rộng một cách hiệu quả hơn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và sạch.
Chuyển giao mô hình trồng nấm
Trong khi đó, các cán bộ trẻ và nhóm sinh viên Khoa Sinh – Môi trường của Trường ĐH Sư phạm – ĐHĐN cũngđã chuyển giaomột mô hình trồng nấm bào ngư, gồm toàn bộ quy trình công nghệ, các thao tác kỹ thuật khử trùng, cấy giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản cho hộ dân ở thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Đội tình nguyện chuyển giao mô hình trồng nấm (ảnh: Đoàn Trường ĐH Sư phạm)
Mô hình trồng nấm đã chuyển giao có diện tích 20m2 và đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm.Nguyên liệu trồng nấm là mùn cưa cao su kết hợp với phụ gia như cám bắp, cám gạo, bột nhẹ.Để bàn giao mô hình trồng nấm cho nông dân thôn Mỹ Phước trong Chiến dịch tình nguyện hè 2018, trước đó, khâu chuẩn bị và hấp nguyên liệu đã được thực hiện tại trại nấm Điện Bàn, Quảng Namvà giống do nhóm sinh viên tình nguyện của Khoa Sinh – Môi trường nhân giống tại phòng thí nghiệmkhoa trong vòng 20 ngày. Với 500 bịch nấm có khối lượng trung bình từ 1,4-1,6kg và 15 kg giống, mô hình chuyển giao dự kiến sẽcho năng suất từ 30 – 35%.
Theo anh Trương Trung Phương – Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm, ĐHĐN, mô hình trồng nấm được chuyển giao nhằm tận dụng lao động trái vụ và đất bỏ hoang tại địa phương, giúp cung cấp thêm nguồn thực phẩm sạch và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.
Sau 45 ngày trồng và chăm sóc, nấm sau thu hoạch được bảo quản lạnh từ 3-5 ngày trong túi ni lông hoặc túi giấy, được dùng để bán cho người dân địa phương,hoặc có thể đem phơi khô chế biến thành bột nấm và bán cho các cơ sở làm bánh quy nấm, chế biến nấm sấy tẩm, …Nguồn kinh phí thu đượctừ việc bán nấm có thể giúp các hộ gia đình tái đầu tư hoặc mở rộng quy mô, cũng như chuyển giao cho các hộ gia đình khác.
Anh Trương Trung Phương (phía sau, thứ nhất từ phải sang) cùng cán bộ và sinh viên Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐHĐN với mô hình nấm chuyển giao
(ảnh: Đoàn Trường ĐH Sư phạm)
Được biết, các nghiên cứu về công nghệ sinh học nấm của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Sư phạm đã đạt nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo và được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước.
Anh Trương Trung Phương cho biết thêm, trong Chiến dịch tình nguyện hè 2017, Đoàn Trường ĐH Sư phạm đã chuyển giao 2 vườn cây dược liệu có diện tích 150m2 và 2 mô hình nấm bào ngư (gồm 1.000 bịch nấm)cho các hộ gia đình tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Với thế mạnh nghiên cứu về công nghệ sinh học nấm, trong suốt thời gian qua, Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm – ĐHĐN đã chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho các hộ gia đình, cũng như cung cấp các giống nấm cho nhiều cơ sở sản xuất nấmtrên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam.
Chuyển giao mô hình nấm cho hộ dân địa phương (ảnh: Đoàn Trường ĐH Sư phạm)
Phát triển du lịch vùng cao
Ở một vùng cao khác thuộc địa phận của tỉnh Quảng Nam, tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, các tình nguyện viên Trường ĐH Kinh tế cũng phát huy kiến thức chuyên môn nhằm giúp người dân nơi đây tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, thương mại hóa và giải quyết bài toán tiêu thụ một số đặc sản của Huyện.
Theo anh Lê Đình Quang Phúc – Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế, ĐHĐN, đề án phát triển du lịch huyện Nam Giang đã được các bạn sinh viên tình nguyện xây dựng và triển khai thực hiện từ trước khi chiến dịch bắt đầu. Những công việc như thiết kế nền tảng web, xây dựng kịch bản quảng bá đã được các bạn sinh viên lên ý tưởng từ cuối học kỳ. Ngay khi đến địa điểm đóng quân, nhóm thực hiện đề án bắt đầu triển khai cácphần việc còn lại như thu thập thông tin và hình ảnh.
Sinh viên ĐH Kinh tế với các ấn phẩm phát triển du lịch huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
(ảnh: Đoàn Trường ĐH Kinh tế)
Trong hơn 2 tuần từ ngày 2 – 15/7/2018 của chiến dịch tình nguyện hè, các đội chuyên môn với hầu hết sinh viên đến từ các ngành khác nhau như Du lịch, Quản trị kinh doanh, Kinh tế chính trị, … đã tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu vàđánh giá khả năng thương mại của rượu đặc sản Tà Vạt; hoàn thiện và chuyển giao đề án phát triển du lịch cho địa phương với các sản phẩm như: bản đồ, sổ tay, video hành trình du lịch và website quảng bá du lịch cho huyện Nam Giang.
Anh A Lăng Trượp – Huyện đoàn Nam Giang cho biết, mặc dù Huyện đã có đề án và nhiều nỗ lực để phát triển du lịch nhưng do thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhiều khó khăn khác, nên chưa thể khai thác hết tiềm năng du lịch của Huyện. Qua những nghiên cứu, khảo sát của sinh viên tình nguyện đến từ Trường ĐH Kinh tế – ĐHĐN đã giúp đề án được hoàn thiện hơn, đóng góp cho địa phương những sản phẩm với kết quả ngoài mong đợi chỉ trong thời gian ngắn.
Anh cũng cho biết thêm, trong Lễ hội Văn hóa – Thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần XIX – 2018 (đang diễn ra tại huyện Nam Giang), cũng như các sự kiện trong tương lai, những ấn phẩm này sẽ góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Huyện đến với các địa phương khác.
Dự án Đường bích họa ven biển Lý Sơn
Ngay từ đầu hè 2018, các sinh viên Khoa Kiến Trúc – Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN đã nghiên cứu, thiết kế các phương án thực hiện dự án vẽ tranh bích họa trên bờ kè chắn sóng ven biển tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Từ ngày 02/7/2018, hơn 40 tình nguyện viên gồm các sinh viên và giảng viên Khoa Kiến Trúc, Trường ĐH Bách khoa đã lên đường đến với huyện đảo Lý Sơn, thực hiện dự án vẽ bích họa trên bờ kè chắn sóng ven biển Lý Sơn với chủ đề “Tuyên truyền chủ quyền biển đảo và bảo vệ môi trường”. Đây được xem là con đường bích họa ven biển đầu tiên của Việt Nam và cũng là công trình thanh niên của Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng nhằm chào mừng Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2018 – 2023).
Với những gam màu tươi sáng cùng thông điệp ý nghĩa được gửi gắm qua từng mảng màu, con đường bích họa dài nhất tại miền Trung đã thu hút sự rất đông du khách và người dân địa phương đến tham quan.
Dự án bích họa trên bờ kè chắn sóng có chiều dài gần 1,5 km
Song song với các hoạt động kể trên, Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ Kỹ năng sống cho các em thiếu nhi tại Làng Hy Vọng và Làng trẻ em SOS của sinh viên ĐH Ngoại ngữ; lớp Bồi dưỡng Tin học văn phòng cho 26 cán bộ thuộc các xã của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, hỗ trợ kỹ thuật sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng cho các hộ nghèo thuộc xã Tà Bhing của sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật; hay khám và cấp phát thuốc, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm của sinh viên Khoa Y Dược và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh; … là những hoạt động vừa mang tính thiết thực, vừa phù hợp với chỉ tiêu mà Đoàn ĐHĐN đặt ra trong Chiến dịch tình nguyện hè 2018, đó là 100% cơ sở Đoàn trực thuộc có các hoạt động tình nguyện tham gia phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, TS. Dương Nguyễn Minh Huy – Bí thư Đoàn ĐHĐN nhấn mạnh.
Lớp bồi dưỡng tin học cho cán bộ xã (ảnh: Đoàn Trường ĐH Sư phạm)
Tin, bài: Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn