Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc (ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

 

Sinh thời, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”[1].

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Kể từ ngày thành lập, 94 năm qua (1930 – 2024), Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng sự phát triển, không ngừng tự hoàn thiện nhận thức, lý luận về vấn đề dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ.

Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ I (tháng 3/1935), Đảng đã đề ra Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số. Nghị quyết có đoạn nêu rõ: “Đảng Đại hội xét rằng lực lượng tranh đấu của các dân tộc thiểu số là một lực lượng rất lớn”… và “sự miệt thị công tác trong các dân tộc thiểu số là một lầm lỗi chính trị rất to lớn”[2]

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Đảng chỉ rõ: “Các dân tộc trên đất nước Việt Nam được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đánh đổ âm mưu gây chia rẽ dân tộc của đế quốc và bè lũ tay sai. Cải thiện đời sống đồng bào, giúp họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục địa phương thiểu số”.

Tháng 8/1952, Bộ Chính trị có nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”.

Ngày 22/6/1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Đại hội IV (1976), Đảng chủ trương: “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam… Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ít người với dân tộc đông người; đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp; làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội VI (1986) là Đại hội của đường lối Đổi mới đất nước, song với vấn đề dân tộc, Đảng ta kiên trì chủ trương: “Phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể, kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội”.

Qua các kỳ Đại hội VII đến XII, Đảng ta đều tiếp tục khẳng định lại và bổ sung, đổi mới trong việc đề ra chủ trương, đường lối để lãnh đạo về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc.

Như vậy, có thể thấy rất rõ, qua các thời kỳ khác nhau, với những nhiệm vụ cách mạng khác nhau nhưng quan điểm của Đảng ta về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn nhất quán quan điểm: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển”[3], Việt Nam không ủng hộ phân biệt đối xử giữa các dân tộc.

Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên cơ sở nhận định sâu sắc tình hình trong nước, thế giới cũng như tầm quan trọng của vấn đề dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ 7 khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương đề ra 5 quan điểm, đó là:

Thứ nhất, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

Thứ ba, phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trước hết, tập trung phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.

Thứ năm, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị.

Riêng đối với Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, Đảng ta đã 2 lần tiến hành tổng kết. Lần đầu vào năm 2009, sau đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Lần tổng kết thứ hai vào năm 2019, sau đó, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, trong đó Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối cho công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá.

Đến Đại hội XIII (2021), Đảng đã khẳng định chủ trương về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc cho giai đoạn 2021 – 2025, đó là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi[4]”.

Không lâu sau Đại hội XIII, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ngày 23/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích và nêu rõ: một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”…; “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo”.

Cùng với đó, trong bài viết “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”[5]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới”[6]

Như vậy, về mặt đối nội, hệ thống các quan điểm, đường lối vấn đề dân tộc của Đảng là mục tiêu, căn cứ, cơ sở chính trị để Nhà nước thể chế thành Hiến pháp, pháp luật và các chính sách dân tộc, huy động các tổ chức chính trị – xã hội cùng phối hợp thực hiện, tạo ra sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị cùng nhau xây dựng các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng của Việt Nam.

———————————————-

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập.10, tr.608

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2013, tr.15,

[3] Chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, Nxb. Văn hoá dân tộc Hà Nội – 2000, Tr 127

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2021, tr.140 – 141

[5] Nguyễn Phú Trọng, Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2023, tr.15

[6] Nguyễn Phú Trọng, Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2023, tr.21

Theo: ĐCS