KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC BẢN CHẤT NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp yêu cầu của lịch sử.

Ảnh minh hoạ

Tuy vậy, các thế lực thù địch vẫn đưa ra các nội dung xấu độc, các luận điệu gây nghi ngờ, đầy sự kích động. Trước những luận điệu phi lý, xuyên tạc sự thật và phản động này, cần phải khẳng định rằng:

NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại; là sự vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước; đồng thời được thực hiện xuyên suốt trong tiến trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở pháp luật. Đó phải là một nhà nước tuân thủ nguyên tắc chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân, thực hiện phân quyền, pháp quyền, dân chủ, tôn trọng quyền con người và quyền công dân… Đó phải “là thể chế, là chế độ mà ở đó, mọi chủ thể như nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước, cá nhân hay mọi chủ thể khác trên lãnh thổ đều phải chấp hành, thực hiện, tuân thủ pháp luật đã được ban hành”(1). Song trên thực tế, không có các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền chung, áp dụng thống nhất cho mọi nhà nước nhà nước pháp quyền cụ thể, mà là tùy thuộc từng quốc gia sẽ tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân quyền hay tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo thuyết tam quyền phân lập… Vì thế, việc Việt Nam tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước theo nguyên tắc phân quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản/Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chẳng có gì trái với nguyên tắc tổ chức của một Nhà nước pháp quyền, dù không thực hiện tam quyền phân lập.

Hơn nữa, để đảm bảo Nhà nước pháp quyền trước hết phải là một nhà nước hợp pháp, hợp hiến, không lâu sau khi khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết để bầu Quốc hội khóa I (6/1/1946); để Quốc hội trao quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ chính thức và thông qua Hiến pháp 1946. Theo đó, Điều 1, Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Đây chính là minh chứng cho quan điểm nhân dân là chủ thể tối cao, duy nhất của quyền lực Nhà nước. Cho nên, mọi luận điệu cho rằng, không thể có một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị của các thế lực thù địch đều là xuyên tạc, bôi đen sự thật.

Thực tế, từ bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, ở Việt Nam, khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (29/11/1991); tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (1/1994) là “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”(2) cũng như trong các văn kiện khác của Đảng sau đó như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Đặc biệt, khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp (lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001)(3); đến Điều 2, Hiến pháp năm 2013 thì khẳng định rõ: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” và nhất là vấn đề “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(4) (một nội dung quan trọng của Đại hội XIII)… chính là những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố và tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo. Đó đồng thời cũng là quá trình hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên tinh thần dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực Nhà nước; tất cả vì lợi ích của nhân dân: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức lên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(5).

Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh minh họa bài viết)

Các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA KHẲNG ĐỊNH VÀ ĐẢM BẢO QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam thì quyền và nghĩa vụ của công dân không chỉ được pháp luật thừa nhận, tôn trọng, mà còn được bảo đảm thực hiện, thúc đẩy trong khuôn khổ pháp luật; quyền con người, quyền công dân, sự bình đẳng của mọi cá nhân không chỉ được khẳng định mà còn được bảo vệ, tôn trọng trong việc thụ hưởng và phát triển, không có sự phân biệt đối xử. Những nguyên tắc này không chỉ được khẳng định trong các bản Hiến pháp, mà còn được bổ sung, điều chỉnh và ngày càng hoàn thiện, đảm bảo để mọi người dân đều được tôn trọng, thụ hưởng, bảo vệ ngày càng đầy đủ hơn. Cụ thể, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đứng vị trí thứ hai trong Hiến pháp năm 1946; trong đó ghi rõ công dân Việt Nam có các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật; công dân Việt Nam có quyền bình đẳng trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, nhất là mọi công dân đều có thể tham gia vào chính quyền và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước…

Sau đó, lần đầu tiên thuật ngữ “quyền con người” được ghi nhận chính thức tại Điều 50, Hiến pháp năm 1992: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Quyền công dân ở Hiến pháp năm 1992 cũng được mở rộng hơn so với Hiến pháp 1946, 1959, 1980 rất nhiều; trong đó có nhiều quyền mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội lần đầu được ghi nhận như quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 57); quyền của cá nhân được suy đoán vô tội (Điều 72)…

Khoản 1 Điều 14 tại Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đặc biệt, khoản 2 Điều 14 bổ sung nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây không chỉ là sự phát triển, ghi nhận quyền con người, quyền công dân so với các bản Hiến pháp trước, mà còn là điều kiện để bảo đảm sự cân bằng, minh bạch trong mối quan hệ giữa Nhà nước với con người, công dân phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như hạn chế tối đa sự lạm dụng, tùy tiện quyền con người, quyền công dân…

Vì thế, theo Hiến pháp Việt Nam, thì không có cá nhân hay tổ chức nào có ý kiến tâm huyết nhằm làm cho đất nước phát triển mà “bị Nhà nước vu khống, bắt giam”; đồng thời, cũng càng không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” bị giam giữ, mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Thực chất việc đột lốt dân chủ, giả danh đấu tranh cho dân chủ để vi phạm pháp luật khác về bản chất với những ý kiến tâm huyết, đóng góp vì sự phát triển cảu đất nước. “Tù nhân lương tâm” chỉ là sự đánh tráo khái niệm, là cách gọi của các phần tử cơ hội, phản động dành để gọi những người, bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù. Đó chính là những người đã tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017). Đó cũng là những người lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).

Cho nên, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, không phải trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì mọi ý kiến “phản biện”, “tâm huyết” để “phát triển đất nước”, để “giúp người dân được sống tự do, hạnh phúc” của những người “yêu nước” đều bị bỏ tù như luận điệu phản động của các thế lực thù địch, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật như Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu,  Nguyễn Văn Túc, Huỳnh Trương Ca, Lê Đình Lượng, Bùi Hiếu Võ, Đoàn Khánh Vinh Quang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Hoá… thì phải chịu sự xử lý nghiêm minh của luật pháp. Cho nên, không có việc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, mà là ở Việt Nam thì thượng tôn pháp chế xã hội chủ nghĩa là tất yếu!

Cuối cùng, phải khẳng định rằng: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”(6). Vì thế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cân nhắc, vận dụng và triển khai phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là sự thật và cũng là yêu cầu của lịch sử, chứ không phải là “nhà nước này không do dân chọn” mà là bị Đảng “nhét chữ vào miệng” như quy chụp; đồng thời cũng cho thấy nhận định “Nhà nước ở Việt Nam thời cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng” của các thế lực thù địch là không khách quan, là bôi đen sự thật, là sự dối trá.

Thực tế, quá trình xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được thực thi vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn “dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm(7) và “đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu(8) cũng như những kết quả đạt được về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; về đảm bảo và thực thi quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý… của Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là minh chứng cho thấy luận điệu “nhân dân không bầu ra nhà nước này mà do Đảng tự lập ra để cai trị độc tài” của các thế lực thù địch là phản động, là nhằm mục đích kích động, phủ nhận bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên cần phải bác bỏ!

TS. Văn Thị Thanh Mai
TS. Trần Thị Bình


(1) Báo cáo chuyên đề của Đề tài cấp Nhà nước “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, mã số KX.04.06/16-20

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.53, tr.224-225

(3) Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa 10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.174

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232

(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.29

(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28

(8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.28

Theo: Tạp chí Tuyên giáo

Bài viết liên quan