“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (sau đây gọi tắt là Cuốn sách) của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa xuất bản, được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân hưởng ứng và bày tỏ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung Cuốn sách cho thấy, vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Việc nghiên cứu, quán triệt nội dung Cuốn sách có tác dụng định hướng công tác phòng, chống tham nhũng ở mỗi cấp, mỗi ngành, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nội dung Cuốn sách được chia thành 3 phần:
Phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; gồm bài tổng quan “Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!”; 04 bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022; nội dung phát biểu kết luận tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.
Phần thứ hai, gồm 14 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu đổi mới (1986) đến nay và tám bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có những bài được viết từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
Phần thứ ba, tập hợp 96 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và các chính khách, học giả nước ngoài ủng hộ và thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông qua nội dung Cuốn sách, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ có được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi lớn, bao trùm được đặt ra ngay từ đầu bài viết tổng quan của đồng chí Tổng Bí thư: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?”; đồng thời nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực và những tác hại của nó; hiểu rõ quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những kết quả mà hệ thống chính trị và toàn xã hội đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; xác định được những việc phải làm và cách làm để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Với ý nghĩa to lớn như trên, việc lan tỏa giá trị của Cuốn sách là hết sức cần thiết trong điều kiện công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày nay không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đây là hiểm họa không chỉ cho từng dân tộc mà là hiểm họa chung của cả loài người.
Có thể thấy sự tồn tại của tham nhũng là do quản lý nhà nước yếu kém, sơ hở; sự biến động mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, xã hội; sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế, chính trị và cũng có thể là sự lạm dụng truyền thống văn hóa…; nhưng xét đến cùng chính là từ tâm lý lạm quyền cũng như từ lòng tham và thói ích kỷ của con người mà tham nhũng phát sinh, phát triển và tồn tại. Bởi chủ thể của tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong bộ máy nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước,… Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị trí, địa vị công tác được giao để vụ lợi cá nhân, cho bản thân hay cho tập thể hoặc cho những người khác. Sự vụ lợi có thể trực tiếp hoặc qua trung gian hoặc chuyển lợi ích cho người thân thích, họ hàng. Tham nhũng tác động tiêu cực và gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội như làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm biến dạng các hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm xói mòn và băng hoại đạo đức truyền thống của dân tộc, làm suy yếu và thậm chí đỗ vỡ một hệ thống chính trị…, nguy hiểm nhất là tham nhũng làm mất lòng tin của người dân với chính quyền.
Cuốn sách là “cẩm nang” trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mỗi cán bộ đảng viên cần góp phần lan tỏa tinh thần này với một ý thức tự giác cao độ, chủ động, có phương pháp tiếp cận và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, đơn vị. Muốn làm được những điều này thiết nghĩ từng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần thiết lan tỏa thông qua những biện pháp sau:
Một là, mỗi tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm kế hoạch của cấp ủy cấp trên trong việc tuyên truyền, quán triệt nội dung của Cuốn sách.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi mỗi tổ chức Đảng phải xây dựng kế hoạch cụ thể gắn với triển khai quán triệt theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị, tránh triển khai hình thức, chiếu lệ, làm cho có, không có mục đích và kế hoạch rõ ràng, không cỗ vũ, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị tham gia. Tổ chức Đảng cần có sự lựa chọn nhân sự, phân công trách nhiệm cho cá nhân phụ trách với đủ trình độ, kỹ năng triển khai quán triệt có hiệu quả, tạo sức hút, sức lan tỏa giá trị của Cuốn sách.
Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, quán triệt, góp phần lan tỏa giá trị, đóng góp vào công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta.
Công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thông qua nhiều kênh thông tin chính thống khác nhau, với chủ thể tuyên truyền đa dạng, đối tượng được tuyên truyền đông đảo, rộng rãi, từ đó khuyến khích mọi người tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, để công việc này trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Trong công tác tuyên truyền, vận động cần chú trọng đến những nội dung cốt lõi, gắn với thực tiễn công tác của mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương và từng cá nhân để giá trị của Cuốn sách tạo được hiệu ứng tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức đượcnhững quan điểm xuyên suốt của công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực: Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu áp lực của bất cứ cá nhân nào.Công cuộc đấu tranh này không làm đơn độc mà phải gắn liền với chống tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba là, đối với tổ chức Đảng, để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, trước hết tổ chức Đảng phải tăng cường tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đặc biệt là “phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên”. Đây là cái “gốc” của vấn đề, là nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể Nhân dân. Các cấp ủy Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, pháp chế trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung Cuốn sách; đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ; đồng thời triển khai những công việc cụ thể để thực hiện tốt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kinh tế – xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Bốn là, đối với từng cá nhân cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác trong việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng vào thực tiễn công tác ở từng vị trí khác nhau để phát huy hết giá trị của Cuốn sách; mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính, tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; gương mẫu trong công tác và cuộc sống, trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm; luôntrung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho những người xung quanh cùng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, để từ đó mọi người chung tay góp phần xây dựng một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, trong sạch.
Năm là, thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng để thấy được tác dụng triển khai công tác này từ khi quán triệt nội dung Cuốn sách, từ đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ thêm sự đồng thuận của đông đảo người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta.
Lê Quang Vinh