Tạo nguồn cán bộ trẻ đủ năng lực xây dựng thành phố

Từ năm 1997 đến nay, bằng tư duy đổi mới, thành phố Đà Nẵng triển khai đồng bộ công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài… Từ đó xây dựng và đào tạo nhiều thế hệ cán bộ có trình độ, năng lực, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa) gặp mặt cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng, ngày 3-9-2010.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa)gặp mặt cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng, ngày 3-9-2010.

Thu hút nhân lực chất lượng cao

Năm 2010, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu (quê Thái Bình) đến Đà Nẵng theo chủ trương thu hút nhân tài của thành phố. Chị được bố trí làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Chỉ 2 năm sau, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Với chuyên môn là tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Sinh học và Môi trường tại Trường Đại học Kobe (Nhật Bản), ngoài công tác quản lý, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu tích cực nghiên cứu, cùng với đồng nghiệp xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, có tính ứng dụng cao. Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình nấm ăn, nấm dược liệu, nhân giống hoa cúc, ly ly, lan hồ điệp, lan Mokara… tạo nên nhiều mô hình sản xuất cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. “Tất cả những việc tôi làm đều mong muốn đóng góp cho sự phát triển thành phố, mong muốn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y dược để hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe”, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ.

Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu là một trong những nhân lực chất lượng cao được thành phố thu hút để làm việc trong thời gian qua. Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, sau khi trở thành thành phố thực thuộc Trung ương, Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách tiếp nhận, bố trí công tác đối với những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, khá; chính sách, chế độ đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại thành phố và chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.

Số lượng nhân tài thành phố thu hút về đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố. “Để sử dụng tốt đối tượng thu hút, thành phố quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc. Nhiều đơn vị tiếp nhận, bố trí công tác cho người được thu hút đúng chuyên môn sở trường, mạnh dạn giao việc, tạo điều kiện cho họ phấn đấu, thăng tiến; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, thực hiện tốt chính sách khen thưởng, động viên kịp thời. Nhiều người có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác”, ông Võ Ngọc Đồng nói.

Kịp thời bổ sung cán bộ trẻ

Với mục tiêu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia, từ năm 2004, thành phố triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng “Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước” cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phê duyệt theo Quyết định số 151/2004/QĐ-UB ngày 6-9-2004 của UBND thành phố (gọi tắt là Dự án 151, sau đó được điều chỉnh thành Dự án 32, Đề án 47) và “Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài” (Đề án 393). Sau quá trình triển khai, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số nội dung và tích hợp cả hai Đề án 47 và 393 thành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) vào năm 2011.

Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu (bên phải) sau hơn 10 năm vào Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài đã có những đóng góp tích cực cho thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, sinh học, môi trường.
Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu (bên phải) sau hơn 10 năm vào Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài đã có những đóng góp tích cực cho thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, sinh học, môi trường. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đến nay, thành phố đã cử 613 người tham gia (251 nam, 362 nữ); trong đó có 338 học viên bậc đại học (121 học trong nước, 217 học nước ngoài); 120 học viên bậc sau đại học (98 thạc sĩ, 22 tiến sĩ); 155 học viên theo kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú (119 bác sĩ, 36 bác sĩ nội trú). Cơ cấu nhóm ngành nghề đào tạo: sư phạm 6,03%; luật 3,58%; xây dựng – quản lý đô thị 7,66%; du lịch 4,24%; kinh tế 14,19%; quản lý hành chính 14,23%; kỹ thuật – công nghệ 18,92%; y tế 31,15%.

Lê Hoàng Phúc (SN 1987), Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố là học viên Đề án 922 theo diện đào tạo bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, Lê Hoàng Phúc được bố trí công tác tại Phòng Quản lý văn thư, lưu trữ, Sở Nội vụ thành phố với vai trò chuyên viên.

Nhờ sự cố gắng, nỗ lực trong công việc, từ năm 2010 đến 2015, Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng Cải cách hành chính rồi Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ. Với tố chất ham học hỏi, tháng 8-2015, Phúc giành học bổng bậc Thạc sĩ Hành chính công tại Trường Hành chính công và Môi trường thuộc Đại học Indiana, Mỹ. Tốt nghiệp, trở về công tác tại Sở Nội vụ và trải qua một quá trình nỗ lực thể hiện năng lực nổi trội, tháng 5-2018, Lê Hoàng Phúc được bổ nhiệm Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố.

Năm 2009, thành phố triển khai Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã” (gọi là Đề án 89), đã tiếp nhận và bố trí 126 học viên công tác tại phường, xã. Qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến khá rõ nét; độ tuổi được trẻ hóa, góp phần tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận, với sự đầu tư của thành phố trong phát triển nguồn nhân lực đã kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố hiện nay tăng gấp 3 lần so với cuối năm 1997; trình độ được nâng cao, số lượng sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ), tốt nghiệp đại học chiếm đa số trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức.

Đối tượng thu hút, học viên đề án sau khi được bố trí công tác được đánh giá là tiếp nhận nhanh công việc, tư duy sáng tạo, chịu khó trong công tác, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, nghề nghiệp, hoàn thành mọi công việc được giao. Nhiều người chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong ứng dụng thực tiễn.

Đặc biệt, đối tượng được đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện sự năng động, tự tin trong các quan hệ giao tiếp quốc tế, thể hiện năng lực phản biện trong tham mưu đề xuất, xúc tiến và triển khai các dự án hợp tác quốc tế; tạo ấn tượng tốt với các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư.

Trong 16 năm (1998-2014), thành phố tiếp nhận 1.269 người theo diện thu hút nhân tài. Đồ họa: Thanh Huyền
Trong 16 năm (1998-2014), thành phố tiếp nhận 1.269 người theo diện thu hút nhân tài. Đồ họa: Thanh Huyền

Ông Võ Ngọc Đồng thông tin, qua khảo sát, các cơ quan, đơn vị đánh giá cao triển vọng của các học viên đề án và đối tượng thu hút, có thể phát triển thành cán bộ lãnh đạo, quản lý; nhiều người được đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tính đến nay, đối với nhân lực từ thu hút, có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên (chiếm 11,42% tổng số đối tượng thu hút); trong đó, lãnh đạo phường, xã: 16 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương: 114 người (cấp thành phố: 97; quận, huyện: 17 người); 15 người giữ chức lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Học viên đề án có 65 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (54 cán bộ cấp phòng và tương đương, 11 người giữ chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý)…

NGỌC PHÚ

Bài viết liên quan