Mang tri thức tới học sinh vùng cao
MANG TRI THỨC ĐẾN VỚI HỌC SINH NÔNG THÔN, VÙNG CAO
Những năm gần đây, sự lan tỏa của các hoạt động tặng sách cho học sinh tại các khu vực nông thôn, vùng cao đã không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu sách mà còn là điều kiện phát triển văn hóa đọc, giúp các em làm giàu tâm hồn, nuôi dưỡng tri thức, say mê học tập…
Xuất phát từ nhiều lý do nên nhìn chung, nguồn sách tại các thư viện trường học ở nhiều khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn ít, kém đa dạng về chủng loại sách. Nhiều trường học chỉ có vài tủ sách, chủ yếu là sách giáo khoa và sách giáo viên, sách tham khảo phục vụ nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Số lượng các loại sách giải trí thường không nhiều, hoặc nếu có cũng chỉ là những đầu sách đã được phát hành từ nhiều năm trước. Trong khi đó, do nhu cầu tâm lý lứa tuổi, có nhiều loại sách rất cần cho học sinh như sách văn học, chủ yếu là văn học thiếu nhi. Thông qua những câu chuyện gần gũi, những bài thơ, các em sẽ có tính đoàn kết, tự lập, tình yêu thương, sự lễ phép… Sách về thế giới quanh ta, cỏ cây, hoa lá, muôn loài được viết dễ hiểu giúp các em biết thêm về thế giới tự nhiên. Những ấn phẩm sách như “Quà tặng cuộc sống”, “Hạt giống tâm hồn”, “Những tấm lòng cao cả”… sẽ giúp các em biết sẻ chia, yêu thương và trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Bám sát những đặc điểm nói trên, với phương châm xã hội hóa các nguồn lực xã hội, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc vận động, quyên góp và đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng cao. Điển hình là các hoạt động như: “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách cho em”, “1001 thư viện bản xa”, “Tủ sách yêu thương”, “Tủ sách vùng cao”, “gieo sách, gieo yêu thương”, “Sách cho trẻ em vùng cao”,… Đây thực sự là những hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn.
Đặc biệt trong đó, Chương trình “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập và triển khai thực hiện từ năm 2007 đã đạt được những kết quả tích cực. Sau hơn 15 năm triển khai, với sự hỗ trợ của nhiều tình nguyện viên, đến nay đã có hơn 5.000 tủ sách các loại được xây dựng đã tạo cơ hội cho khoảng 200.000 học sinh nông thôn được đọc sách với nhiều tác động xã hội tích cực; Chương trình đã tạo nên bộ khung cho hệ thống thư viện với 5 loại tủ sách đã được nhân rộng trên gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chương trình cũng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO vinh danh và trao tặng giải thưởng quốc tế Literacy Prize (giải về xóa mù tri thức), vì những đóng góp đối với cộng đồng.
Cũng được biết đến như một người hết mình với công việc quyên góp và đưa sách về với nông thôn, vùng cao, hơn 11 năm qua, anh Nguyễn Tú Anh ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã tham gia thành lập được hơn 600 thư viện, gửi hàng triệu quyển sách đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Chia sẻ về việc làm của mình và các cộng sự, anh Nguyễn Tú Anh cho biết: “Những quyển sách luôn chứa đựng nhiều giá trị tri thức, văn hóa rất lớn, làm đẹp cho tâm hồn. Do đó, mình quyết định sẽ mang những quyển sách lên vùng cao và nhiều vùng sâu, vùng xa khác. Như vậy, các em sẽ được đọc sách nhiều hơn, yêu hơn cái chữ, yêu hơn việc học”.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng trường PTTH bán trú, Tiểu học và THCS Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, lần đầu tiên Trường được anh Nguyễn Tú Anh cùng các bạn trẻ trao tặng hơn 5.000 cuốn sách, cả cô và trò đã rất xúc động vì chưa bao giờ nhìn thấy nhiều sách đến vậy. Suốt hai năm qua, anh Nguyễn Tú Anh và các cộng sự vẫn luôn duy trì, bổ sung sách mới cho trường để phục vụ các em học tập. “100% học sinh của trường là người dân tộc Mông. Từ ngày có thư viện với các loại sách phong phú, trình độ giao tiếp, học tập của các em đã được cải thiện rất nhiều”, cô giáo Nguyễn Thị Bắc chia sẻ.
Thực tế cho thấy, khơi dậy văn hóa đọc ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa là việc làm rất cần thiết. Nhà trường là môi trường thực sự phù hợp để ươm mầm tình yêu sách cho học sinh, nhất là các em nhỏ đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, rèn luyện những thói quen tốt. Do đó, rất cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với các hoạt động quyên góp và đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng cao trên cơ sở thực hiện tốt phương châm xã hội hóa. Cần nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh nông thôn, vùng cao. Cùng với đó, các nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến thư viện. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, có thể tìm nguồn hỗ trợ, kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các nhóm hoạt động xã hội để bổ sung các loại sách, đặc biệt là cập nhật được những cuốn sách mới, để nguồn sách trở nên phong phú. Sách nên được phân loại để học sinh thuận tiện hơn trong việc tìm những quyển sách phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Sách là tri thức. Những cuốn sách phù hợp không chỉ giúp các em học sinh bồi đắp tâm hồn, tích lũy cho mình những bài học đáng quý trên bước đường phát triển bản thân, mà còn là điều kiện thuận lợi để lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong học sinh khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Báo Điện tử ĐCSVN